Triển vọng bán tín chỉ carbon ở Đồng bằng sông Cửu Long
Vừa qua, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trị giá thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) khi bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.
Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi. Đây là tin vui và cũng mở ra cơ hội bán tín chỉ carbon, mang về thu nhập cho người dân sản xuất trong những lĩnh vực khác.
Điển hình là tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ NN-PTNT đang thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” (viết tắt là Đề án). Tháng 10/2022, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, mức chi trả cho tín chỉ carbon từ các HTX sản xuất lúa giảm phát thải ở ĐBSCL dự kiến là 150 USD/ha, bắt đầu từ năm 2024.
Qua các tính toán cho thấy, Đề án giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm (sản lượng 13 triệu tấn lúa năm 2030). Áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Chỉ hai khoản này, ngành lúa có thêm 16.500 tỷ đồng/năm. Chưa kể các yếu tố cộng thêm từ thương hiệu gạo giảm phát thải, phân khúc tiêu dùng xanh,… sẽ có thêm 100 triệu USD/năm từ WB nếu tạo ra khoảng 10 triệu tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo.
Ngoài lúa, ĐBSCL có thể tạo ra tín chỉ carbon từ sản xuất dừa. Một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Cần Thơ cho thấy với cây dừa trồng hơn 10 năm, 1 ha dừa/năm có khả năng hấp thụ được 70-75 tấn CO2. Nếu tính mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành hàng dừa có thể thêm khoản thu lớn từ bán tín chỉ carbon.
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Trà Vinh là một trong những tỉnh có diện tích trồng dừa lớn ĐBSCL. Đến nay, tổng số diện tích trồng dừa là 27.380ha với gần 7 triệu cây dừa, tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè. Trong đó diện tích dừa cho trái 21.952ha (chiếm 78,9% diện tích trồng), năng suất bình quân 17 tấn/ha, sản lượng 382.500 tấn, tương đương khoảng 444 triệu quả”.
Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đang xét duyệt để triển khai nhiệm vụ khoa học -công nghệ về “Xây dựng bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon và khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa tỉnh Trà Vinh”, từng bước hướng đến tham gia vào thị trường carbon của ngành hàng này.
Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) thông tin: “Cây dừa là chịu được hạn, mặn nên rất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện nay. Dừa ở Sokfarm được trồng theo hướng hữu cơ và được công ty khai thác lấy mật bán. Dự kiến đến năm 2030 sẽ liên kết được với 500 nông hộ và tiến tới liên kết với 1.000 nông hộ vào năm 2035. Chúng tôi đang tìm hiểu và thực hiện các quy trình để bán tín chỉ carbon từ cây dừa”.
Qua tính toán của ông Ngãi, với mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD/cây. Hiện nông trại có 25.000 cây dừa đã trên 10 năm, số tiền thu về ít nhất là 25.000USD cho người nông dân, chưa kể mỗi năm lại trồng thêm dừa. Hiện nay, nhiều người không còn xa lạ với cụm từ “du lịch Net Zero”. Đây là loại hình du lịch hoàn toàn không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình vận hành.
ĐBSCL là vùng đất có nhiều tài nguyên độc đáo, với các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đất ngập nước. Với nhiều lợi thế nổi trội về tài nguyên thiên nhiên và xu hướng phát triển đúng đắn, ĐBSCL hoàn toàn đủ tiềm lực để trở thành nơi đi đầu trong phát triển mô hình “du lịch Net Zero” tại Việt Nam trong tương lai gần.
“Ở những vùng có mảng xanh, thiên nhiên, không xây dựng công trình phát thải, đây sẽ là lợi thế theo xu hướng mà đất nước ta cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Sắp tới, doanh nghiệp phải mua tín chỉ carbon để bù đắp phát thải ra môi trường. Vì vậy, nếu làm du lịch xanh, trở về với tự nhiên sẽ là lợi thế trong chiến lược quảng bá”, ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, nhận định.