Vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi
Trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì các vi phạm mà lực lượng chức năng phát hiện thời gian qua liên quan tới xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày một gia tăng với thủ đoạn ngày một tinh vi hơn để qua mặt lực lượng chức năng và người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, số liệu thống kê từ Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT cho thấy, năm 2020, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như: buôn bán hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền SHTT trên môi trường mạng, nhiều vụ việc diễn ra theo hình thức xuyên biên giới; những vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia; vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và lần đầu tiên có vụ xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh… Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, hành vi vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế…
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 6-2021, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra hơn 3.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp; số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 37 tỷ đồng. Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 2 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 100 triệu đồng về hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
“Xâm phạm quyền SHTT thông qua nền tảng số sẽ trở thành hình thức phổ biến trong giai đoạn tới. Không chỉ vậy, các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền SHTT sẽ chuyển biến nhanh so với trước đây, với những thủ đoạn, tinh vi, khó lường và rất phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay, 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính”, bà Quỳnh cho hay.
Ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội đánh giá, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về SHTT ngày càng tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý. Trong khi đó, năng lực của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh, chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh, bảo vệ quyền SHTT.
Trong khi đó, tại Quảng Trị, 9 tháng đầu năm 2021, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm mặt hàng áo quần, giày dép, mũ, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm, nhóm mặt hàng phục vụ chống dịch COVID-19... Đã kiểm tra 96 vụ, xử lý 58 vụ vi phạm. Tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính gần 3,7 tỷ đồng.
Điển hình như vào ngày 28/3, Đội QLTT số 2 phối hợp với lực lượng Biên phòng tỉnh đã kiểm tra và phát hiện số lượng hàng hóa có trị giá 650 triệu đồng gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ và đề xuất UBND tỉnh tịch thu toàn bộ số lượng hàng hoá trên theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ngày 29/6, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh tại quốc lộ 9, Đông Hà và đã phát hiện hộ kinh doanh bày bán 80 đôi giày thể thao hiệu Adidas và Nike không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá 19.200.000 đồng. Đội QLTT số 1 đã đề xuất Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Trị xử phạt VPHC với số tiền 12.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 1 tháng và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm trên và nhiều vụ việc kiểm tra xử lý khác.
Theo thống kê của Cục QLTT Lạng Sơn, từ năm 2018 đến nay, lực lượng kiểm tra 490 vụ liên quan đến xâm phạm quyền SHTT, số vụ vi phạm xử lý 468, số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 20 tỷ đồng.
Thực tế trên cho thấy, dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn ra rất phổ biến, đến mức báo động đỏ... ở góc độ QLTT, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, dù lực lượng chức năng cả nước, trong đó có QLTT, đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT rất rộng, với nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi… đã gây không ít khó khăn cho các lực lượng.
Đặc biệt, gần đây, hiện tượng giả nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng, đo lường… còn diễn ra với mặt hàng xăng dầu, phân bón. Để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, giai đoạn từ nay đến 2030, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sẽ là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng.
Để làm được điều này, việc nâng cao năng lực của cơ quan QLTT là điều kiện tiên quyết, cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý, khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Ngoài ra, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để, tận gốc các vấn đề.