Vì sao giá thịt lợn tăng cao?
Sau những đợt điều chỉnh tăng giá liên tục từ đầu tháng 7 tới nay, hiện giá thịt lợn hơi dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg. Mức giá đã kéo mức giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ tăng cao, khiến người tiêu dùng lo ngại. Đã xuất hiện sự e dè nhất định khi mua thịt lợn, khiến nhiều tiểu thương than “ế”. Vậy đâu là nguyên nhân và thị trường đang bị tác động thế nào trong cơn “bão” tăng giá thịt lợn?
Giá thịt lợn “đuổi” theo giá thức ăn chăn nuôi
Tính từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi đã tăng từ 15 - 30%. Trên thị trường, giá thịt lợn hơi ngày 23/7 biến động khác nhau tại các miền Bắc – Trung – Nam.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 69.000 - 73.000 đồng/kg. Sau khi nhích nhẹ một giá, thương lái tại tỉnh Thái Bình hiện đang thu mua lợn hơi với giá cao nhất khu vực là 73.000 đồng/kg. Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang giao dịch quanh mức giá 69.000 đồng/kg, ngang bằng với Hà Nội.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi điều chỉnh tăng nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 67.000 - 73.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng điều chỉnh giá thu mua lên tương ứng là 67.000 đồng/kg và 71.000 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Bình Thuận tăng thêm 2.000 đồng/kg lên mức 73.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Ninh Thuận hiện là địa phương giữ giá lợn hơi thấp nhất khu vực, ở mức 66.000 đồng/kg.
Ở khu vực miền Nam, thương lái tại Hậu Giang và Sóc Trăng đang cùng thu mua lợn hơi chung mức 69.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày 22/7. Các tỉnh gồm Long An, Đồng Nai và Bến Tre cùng tăng 2.000 đồng/kg lên 68.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Tây Ninh tăng cao nhất 4.000 đồng/kg lên mốc 70.000 đồng/kg.
Như vậy, nhìn chung, sau những đợt điều chỉnh tăng giá liên tục từ đầu tháng 7 tới nay, hiện giá lợn hơi đã có những phiên điều chỉnh giảm và dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao so với những tháng đầu năm.
Tổng đàn lợn cả nước hiện đạt 28 triệu con; trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt các loại khoảng 3,4 triệu tấn, trong đó sản lượng thịt lợn hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và phục vụ xuất khẩu. Như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, giá lợn hơi tăng chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do tác động bởi giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng, đẩy giá thành chăn nuôi lên cao, hoàn toàn không phải do thiếu nguồn cung.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng thông tin, thị trường nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục biến động mạnh vì giá logistics tăng cao, căng thẳng Nga - Ukraina là hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ dẫn đến thiết lập một mặt bằng giá thịt lợn mới. Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, khoảng 40%, còn lại là phải nhập khẩu. Vì vậy, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thịt lợn cũng vì thế tăng theo.
Điều người tiêu dùng đang quan tâm là liệu trong thời gian tới, giá thịt lợn có tiếp tục tăng nữa hay không? Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn ba miền sẽ dao động quanh mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khó có thể lên cao hơn nữa.
Nhìn từ góc độ ngành chăn nuôi, phân tích của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho thấy, trong thời gian ngắn sắp tới, thị trường lợn hơi của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc, vì đàn lợn nái của Trung Quốc đang có xu hướng giảm, nếu thị trường này tăng mua, nhập khẩu lợn Việt Nam qua đường tiểu ngạch thì có thể tiêu thụ một lượng lớn đàn lợn, kích thích giá lợn hơi trong nước tăng bền vững hơn.
Trước áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã, giá lợn đã nhỉnh lên, cân bằng giá thành và giá bán. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, giá lợn hơi ổn định ở mức 65.000 đồng/kg là hợp lý và người chăn nuôi bắt đầu có lãi.
Không có chuyện Trung Quốc thu gom lợn
Trong 1 tuần trở lại đây giá thịt lợn tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu tăng mạnh, so với trước là tăng tới 30.000-40.000 đồng/kg tuỳ loại. Theo khảo sát của PV tại chợ Cổng, chợ Xốm, chợ làng Văn Nội, Văn La (Hà Đông), giá thịt lợn mông sấn có giá 110.000-120.000 đồng/kg; vai sấn 120.000 đồng/kg; nạc vai, sườn, chân giò, ba chỉ 140.000 nghìn đồng/kg; xương cục 90.000 đồng/kg.
Tiểu thương Nguyễn Thị Thường bán thịt lợn ở chợ Văn Nội cho biết, giá móc hàm tăng mạnh, nên giá bán cũng phải tăng theo. Tuy nhiên, giá thịt tăng cao nhưng sức mua giảm, bán rất chậm. Trước 2 vợ chồng bán được 1 con trong buổi chiều, nhưng đợt này giá thịt tăng cao, cộng với nắng nóng nên ít người mua, đến tối muộn còn ế rất nhiều. Chị Trần Thị Minh (Trung Văn- Hà Nội) cho biết, khu vực chợ Trung Văn giá thịt có tăng 10.000-20.000 đồng/kg tuỳ loại. Thịt lợn ba chỉ, sườn cũng ở mức 120.000-140.000 đồng/kg. Nhưng bán cũng rất chậm.
Trước thông tin e ngại lợn hơi của Việt Nam sẽ được thu gom để xuất khẩu sang Trung Quốc dẫn đến giá thịt lợn tăng cao, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, hiện cửa khẩu Chi Ma chỉ có hàng nhập, không có hàng xuất. Phía Trung Quốc vẫn thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch. Hiện Trung Quốc đã rào chắn dọc biên giới, lối mòn, lối mở không đi được. Tất cả đường biên, cửa khẩu đều được phía Trung Quốc và Việt Nam thực hiện kiểm soát chặt chẽ. Hiện, lợn hơi không có ở khu vực cửa khẩu và không có lợn xuất khẩu qua cửa khẩu Chi Ma.
Bà Đào Thu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cũng cho biết, lợn hơi xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Tân Thanh không có, đường mòn, lối mở cũng không có. Hiện, khu vực cửa khẩu Tân Thanh phía Trung Quốc đã rào chắn kín dọc biên giới, không có bất kỳ ai qua lại được.
Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, ngày 22-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.