Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022
Theo công bố của Savills, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Chỉ trong quý 1, tổng vốn FDI đăng ký đạt 8,9 tỷ USD với hơn 322 dự án mới gia nhập thị trường. Công nghiệp và chế tạo vẫn là ngành chủ lực của nền kinh tế. Nếu so sánh với con số của năm 2021, thị phần vốn FDI của ngành này giữ ở mức 60% trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, lượng vốn được triển khai trị giá 5,3 tỷ USD, gồm 2,1 tỷ USD vốn đăng ký mới của từ 84 dự án và lượng vốn điều chỉnh là 2,8 tỷ USD từ 150 dự án.
Ông John Campbell, quản lý cấp cao của Savills Việt Nam cho hay: “Với những điều kiện thuận lợi về chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Nếu như năm ngoái, một lượng lớn vốn FDI sản xuất tập trung tại khu vực miền Bắc, thì bước sang quý 1 năm nay, dòng vốn này đang chảy vào các tỉnh, thành phía Nam, chiếm 88% tổng vốn đăng ký nhờ vào khoản đầu tư trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego tại Bình Dương và Coca Cola trị giá 136 triệu USD tại Long An”.
Khảo sát của Savills cho thấy, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dẫn đầu cả nước về tổng vốn đăng ký mới các dự án nhà máy chế biến, chế tạo với 1,9 tỷ USD. Tuy vậy, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 3 trong số 5 dự án sản xuất có quy mô đầu tư lớn nhất quý I đến từ các ngành công nghiệp truyền thống.
Trong đó tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Libra International Investment đến từ Singapore với dự án chế tạo vải cao cấp tại khu công nghiệp Thành Công, trị giá 210 triệu USD. Tiếp theo là khoản đầu tư 136 triệu USD của Tập đoàn Coca Cola để phát triển nhà máy sản xuất nước giải khát tại Khu công nghiệp Phú An Thành, tỉnh Long An. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thu về 85 triệu USD từ Tổng công ty Shinkong Synethetic Fibers, một doanh nghiệp hoạt động chính trong việc sản xuất xơ xợi, dệt vải và các lĩnh vực khác.
Nói về những khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp tại Việt Nam, chuyên gia Matthew Powell của Savills nhận xét: “Thị trường Việt Nam có sẵn nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy vậy, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Hạ tầng công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đồng thời đẩy giá đất tăng cao”.