Vĩnh Phúc quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công

20:41 14/09/2022

Từ đầu năm2022 đến nay, nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được hoàn thành đưa vào sử dụng đã và đang tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời, góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đến 31/1/2023 toàn tỉnh giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2022, nhiệm vụ những tháng cuối năm còn khá nặng nề.

Hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng

Do vậy, ngay những tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm.

Công trình cầu Đầm Vạc được khánh thành dịp chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, một trong những kinh nghiệm hay được tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng chính là coi đây là chỉ tiêu "cứng" để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ngành, huyện, thành phố. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu, yêu cầu UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư và rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để sớm triển khai thi công các dự án.

UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở cấp tỉnh và chỉ đạo thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn cấp huyện; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh theo sát tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Với cách làm này, nhiều công trình, dự án dù ban đầu triển khai gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn hoàn thành đúng tiến độ cam kết. Điển hình như dự án đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài toàn tuyến 4,2km, tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng.

Quá trình triển khai thi công, dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng do chưa nhận được sự đồng thuận từ một số người dân. Song với phương châm mặt bằng sạch đến đâu thi công đến đó, đơn vị thi công đã chủ động tăng ca, huy động thêm nhân lực, máy móc gấp rút hoàn thiện các hạng mục, bảo đảm yêu cầu chất lượng. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng vận động, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của dự án, nhanh chóng bàn giao mặt bằng triển khai dự án…

Đến cuối tháng 8/2022, công trình đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên đã chính thức khánh thành. Đây là tuyến đường kết nối liên thông Quốc lộ 2B và Quốc lộ 2C, liên kết với đường tỉnh 310, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các khu công nghiệp của các huyện: Tam Dương, Bình Xuyên, Tam Đảo, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch khu danh thắng Tây Thiên nói riêng; thúc đẩy kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ của vùng và của tỉnh.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Khánh Linh

Được khởi công xây dựng từ năm 2019, dự án xây dựng Trường THCS Vĩnh Tường giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 97 tỷ đồng bao gồm các hạng mục chính: Khối nhà hành chính quản trị kết hợp thư viện; khối nhà lớp học chính và học các phòng học bộ môn; nhà đa năng; nhà cầu kết nối các khối nhà và hệ thống cấp điện, cấp thoát nước cùng các hệ thống chống sét thiết kế đồng bộ với công trình.

Trong quá trình thi công, dự án gặp khá nhiều khó khăn, phải thực hiện quy định giãn cách, thiếu nhân lực do ảnh hưởng dịch COVID-19 song nhà thầu đã tranh thủ thời gian, thực hiện đầy đủ quy trình, tiến độ, kỹ thuật xây dựng. Công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023 đã đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện.

Từ đầu năm đến nay, rất nhiều công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng như: Công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 307 từ trung tâm huyện Lập Thạch đến Tuyên Quang, đoạn từ Km 16+600 đến Km 25+140; cầu Đầm Vạc; đường vành đai 4 đoạn Yên Lạc-Bình Dương; đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên, đoạn từ quốc lộ 2B đến quốc lộ 2C; đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn từ đường tỉnh 301 đến Khu du lịch sinh thái thung lũng Thanh Xuân, thành phố Phúc Yên; Quảng trường Văn hóa và Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Yên Lạc…

Ngoài ra, có 3 công trình lớn trong lĩnh vực y tế mới được khánh thành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và Trung tâm Y tế Tam Đảo giai đoạn 3. Các công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Tại Trường THCS Kim Ngọc, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, ông Phan Đình Tưởng, kỹ sư trưởng công trình, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Đại Bảo - Đơn vị thi công cho biết: Dự án do có tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng do ngân sách tỉnh và huyện đầu tư xây dựng trên quy mô hơn 15.327 m2, với 2 khối nhà học gồm 12 lớp học và công trình phụ trợ khác, thời gian và tiến độ thi công kéo dài từ năm 11/2021-11/2023.

Quá trình thi công 10 tháng qua, đơn vị gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên khó tuyển dụng công nhân. Tuy nhiên, công ty luôn duy trì từ 60-100 công nhân cùng máy cắt, uốn thép tự động hiện đại, nên không phải làm thủ công, tiết kiệm được thép, đảm bảo thời gian, khối lượng thi công kịp thời và an toàn.

Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng, nhất là sắt thép có thời điểm tăng tới 30-40%, nhưng quyết tâm của đơn vị phải hoàn thành công trình đúng thời gian cam kết với chủ đầu tư. Với quyết tâm vừa chống dịch, vừa đẩy nhanh tiến độ, đến cuối tháng 8/2022, công ty đã thi công được 70% khối lượng công trình. Đơn vị đang phấn đấu thi công vượt thời gian từ 1-2 tháng, dự kiến tháng 8/2023 sẽ hoàn thành công trình bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng phục vụ năm học mới 2023-2024.

Trường THCS Kim Ngọc (Bình Định) đã hoàn thành 70% khối lượng xây thô, đang phấn đấu hoàn thành vượt thời gian từ 1-2 tháng để bàn giao đưa vào sử dụng năm học 2023-2024.

Cùng với đó, 8 tháng năm 2022, huyện Yên Lạc đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được gần 60 ha, đạt gần 67% kế hoạch của một số dự án như đường trục Đông - Tây đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên đi xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc; dự án Quản lý nguồn nước ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc; Khu đô thị Dragon City; khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng…

Đồng thời, tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất 4 vụ, cưỡng chế kiểm điểm bắt buộc 4 vụ tại các dự án, cụm công nghiệp làng nghề, đô thị trên địa bàn. Từ nay đến cuối năm, UBND huyện Yên Lạc tiếp tục đôn đốc các phòng, ban, đơn vị hoàn thành kế hoạch GPMB đã phê duyệt, tập trung quyết liệt vào các dự án đầu tư công, đấu giá quyền sử dụng đất, dự án có tổng mức đầu tư lớn, dự án khu đô thị, cụm công nghiệp…

Tập trung giải quyết vướng mắc của các hộ gia đình, cá nhân về bồi thường, hỗ trợ; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân chấp hành chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ theo văn bản quy định hiện hành. Sẵn sàng tổ chức cưỡng chế quyết định thu hồi đất, kiểm điểm bắt buộc và cưỡng chế quyết định kiểm điểm bắt buộc đối với các hộ dân không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đã được bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022. Tính đến hết tháng 8/2022, ước thanh toán vốn đầu tư công đạt trên 3.634 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch vốn được giao và ước đạt trên 52% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao. So với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khá khả quan. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đặt ra đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Thực tế cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công không phải chuyện dễ bởi khi triển khai dự án sẽ liên quan trực tiếp đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần tới sự đồng thuận cao từ người dân nhưng nơi nào người đứng đầu phát huy tốt vai trò, trách nhiệm thì dù khó khăn đến đâu cũng sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Đơn cử như ở huyện Yên Lạc - một trong những địa phương đang dẫn đầu tỉnh về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2022. Để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ hơn 600 tỷ đồng, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ động ban hành chỉ thị về thực hiện đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đưa ra các biện pháp quyết liệt như: Thành lập các Tổ công tác; giao nhiệm vụ cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; yêu cầu chính quyền các địa phương đặt lộ trình cho từng dự án; thực hiện tốt từ khâu quản lý quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng đến cắm mốc quy hoạch, rà soát phân loại làm thủ tục trình thẩm định phê duyệt, quyết toán khi dự án hoàn thành; lựa chọn nhà thầu có năng lực tham gia đấu thầu… Với cách làm này, đến hết tháng 8/2022, lũy kế thanh toán vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đã đạt 75% vốn kế hoạch năm 2022.

Dự án xây dựng Trường THCS Vĩnh Tường đã được chủ đầu tư, nhà thầu gấp rút hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm học mới 2022 - 2023 theo đúng cam kết.

Trong khi đó, đến hết tháng 8/2022, huyện Vĩnh Tường giải ngân được 483 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 50% so với số vốn được giao. Thừa nhận kết quả đạt được chưa cao và địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm, đại diện UBND huyện cho biết đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Đồng thời, phân công lãnh đạo huyện theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân từng dự án theo lĩnh vực phụ trách để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở và kịp thời báo cáo UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền. Rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn từ các dự án khó có khả năng giải ngân hết sang các dự án có khả năng hấp thụ vốn tốt; kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực kinh nghiệm, còn dự án chậm quyết toán, nợ thuế.

Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối kinh tế sẽ chủ trì họp nghe các đơn vị liên qua báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giải ngân vốn.

Quyết tâm bảo đảm kịch bản giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch: Đến hết 30/9 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt trên 60%; hết ngày 31/12/2022 đạt trên 90% và đến hết ngày 31/1/2023 giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm.

Đặc biệt, đối với các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, các điều khoản hợp đồng đã ký kết và các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Một trong những việc cần làm ngay là tập trung nghiệm thu khối lượng theo tiến độ và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán.

Riêng các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng phải khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn cho các nhà thầu đúng thời gian quy định; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và sẽ không ký kết hợp đồng đối với các nhà thầu tư vấn, thi công không có năng lực thực hiện.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các đơn vị chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 thì đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn; tổ chức lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án và đúng quy định, bao gồm cả phần vốn được phép chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân. Các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu nêu trên người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, bị xử lý trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn được giao.

PV

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文