Vụ mì Hảo Hảo: Việt Nam chưa có quy định về chất ethylene oxide
Cuối tháng 8, dư luận xôn xao với thông tin Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm ăn liền Hảo Hảo vì có chứa chất ethylene oxide (EO). Sự thật cần hiểu việc này như thế nào?
Có hay không việc vi phạm tiêu chuẩn Việt Nam?
Theo tìm hiểu, ethylene oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) đã có văn bản đề cập về vấn đề này cho biết, hiện nay các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này.
Đối với Hoa Kỳ và Canada, hiện nay, hai quốc gia này cho phép sử dụng EO trong khử trùng thảo mộc và rau củ khô. Úc và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với EO.
Với thị trường Việt Nam, hiện tại, chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng hợp chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Trả lời báo chí, chuyên gia Vũ Thế Thành- Hiệp hội chế biến và xuẩt khẩu thuỷ sản Viêtj Nam cho biết: “Việt Nam theo tiêu chuẩn Codex của Uỷ ban quốc tế, không có giới hạn EO thì không vi phạm. Việc quy định tùy từng thị trường, ví dụ nếu xuất sang Nhật Bản không vi phạm. Mỗi một nước có quy định về an toàn thực phẩm khác nhau. Không thể dùng chuyện khác nhau để nói tiêu chuẩn châu Âu khắt khe hơn, tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn. Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế Codex”.
Dù không vi phạm tại Việt Nam nhưng để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, Vụ Khoa học và Công nghệ đã khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất Việt Nam: “Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu”.
Kiểm soát qui trình sản xuất
Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - ông Kajiwara Junichi cho biết, hai sản phẩm nói trên là sản phẩm xuất khẩu, dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa. “Chúng tôi xin cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Kajiwara Junichi nói.
Về Ethylene Oxide, ông Kajiwara Junichi thông tin: khí EO hoặc ETO hiện nay được sử dụng rộng rãi với tác dụng tiệt trùng các vật tư dụng cụ trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, ETO cũng được sử dụng để diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau xay và việc này được chấp thuận tại một số quốc gia như Mỹ và Canada.
Acecook Việt Nam tuyệt đối tuân thủ các quy định (của Việt Nam, Châu Âu, Nhật, Úc và New Zealand...) về việc không sử dụng ETO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu-sản xuất-lưu trữ.
Hiện Công ty Acecook Việt Nam đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Acecook Việt Nam cũng cho biết, Công ty cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà cung cấp cũng khẳng định không sử dụng ethylene oxide trong quy trình sản xuất của họ. Acecook Việt Nam đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ ethylene oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acecook Việt Nam.
Bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có trao đổi với báo chí liên quan tới vụ nghi vấn mì Hảo Hảo chứa chất cấm theo cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, yêu cầu Ban bảo vệ an toàn thực phẩm của TP Hồ Chí Minh kiểm tra quy trình sản xuất và việc tuân thủ các quy định của hai doanh nghiệp này thế nào. Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của các đơn vị này. Ban bảo vệ an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh khẳng định các doanh nghiệp có liên quan tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Y tế kiểm tra, rà soát các loại mì ăn liền trên thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện nay, quy định cụ thể về chất ethylene oxide giữa các quốc gia khác nhau và chưa có thống nhất. Ví dụ như Ireland đánh giá ethylene oxide là vượt ngưỡng thì ở Việt Nam thành phần này còn kém rất xa, thậm chí cũng kém so với Mỹ. Các doanh nghiệp khẳng định các sản phẩm được sản xuất riêng cho thị trường EU chứ không sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.
Đối với Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, hai doanh nghiệp này khẳng định không phải tất cả các sản phẩm sang thị trường Ireland và Na Uy có yêu cầu phải thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định theo thông báo của nhà chức trách các nước.