Xử phạt cửa hàng thời trang tại TP Hải Phòng bán quần áo giả mạo nhãn hiệu trên Facebook
Ngày 18/10, Đội QLTT số 7, Cục QLTT TP Hải Phòng đã phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy - Công an quận Ngô Quyền tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Văn Tùng, có địa chỉ tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng...
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử năm 2024 của Cục QLTT TP Hải Phòng, qua quá trình theo dõi thu thập thông tin trên môi trường mạng xã hội Facebook, ngày 18/10/2024, Đội QLTT số 7, Cục QLTT TP Hải Phòng đã phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy - Công an quận Ngô Quyền tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Văn Tùng, có địa chỉ tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh này có thực hiện việc đăng tải hình ảnh, giới thiệu về sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Dior, Louis Vuitton (LV)... trên trang Facebook mang tên Tùng Gucci (Lê Văn Tùng) tại địa chỉ: "http://www.facebook.com/tung.gucci.927/".
Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ hơn 700 sản phẩm thời trang gồm quần áo, giày dép, thắt lưng, túi, ví nam các loại mang nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Gucci, Burberry, Dior, Louis Vuitton (LV), Hermes, Nike, Adidas không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 460 triệu đồng. Đội QLTT số 7 đã gửi Công văn đến đại diện theo ủy quyền của các nhãn hiệu nổi tiếng nêu trên chờ xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 7/10, Tổ công tác TMĐT, Cục QLTT TP Hải Phòng đã đột xuất kiểm tra Hộ kinh doanh N.V.T có địa chỉ tại thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Kiểm tra thực tế tại địa điểm kinh doanh, đoàn kiểm tra phát hiện gần 800 sản phẩm gồm quần áo, giày, dép các loại. Chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Qua kiểm tra, gần 300 sản phẩm quần, áo, giày, dép gắn nhãn hiệu ADIDAS và “hình”, DIOR và “hình”,…có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa gần 40 triệu đồng; 500 sản phẩm quần, áo có dấu hiệu là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa hơn 50 triệu đồng. Giá trên tính theo giá niêm yết trực tiếp trên sản phẩm hàng hóa tại hộ kinh doanh tại thời điểm kiểm tra.
Cùng với đó, ngày 4/10, Cục QLTT TP Hải Phòng đã kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử. Cụ thể, trong ngày 4/10, Đội QLTT số 6,7,8 đã tiến hành kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hải Phòng. Qua kiểm tra, 2 hộ kinh doanh có hành vi vi phạm: không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; Không công bố hoặc công bố không đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website; thông tin hàng hóa; thông tin vận chuyển và giao nhận; thông tin về điều kiện giao dịch chung; thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định.
3 Hộ kinh doanh còn lại trong số 5 hộ kinh doanh nêu trên có dấu hiệu lợi dụng facebook để buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ 173 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam như Chanel, Dior, Gucci, Adidas, Nike với tổng trị giá hàng hóa là 28.730.000 đồng. Hiện, đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, đồng thời phối hợp với đại diện chủ thể quyền sở hữu công nghiệp để hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định.
Trong thời gian tới, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là thời gian hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra hết sức sôi động do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tổ công tác TMĐT, Cục QLTT TP Hải Phòng tiếp tục chủ động thực hiện công tác thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.
Theo Tổ Thương mại điện tử, Cục QLTT TP Hải Phòng, thời gian qua, Tổ công tác và các đơn vị trong Cục QLTT TP Hải Phòng đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại năm 2024; Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 của Cục QLTT TP Hải Phòng, các Đội QLTT đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức kiểm tra và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng website TMĐT bán hàng, có hoạt động kinh doanh thông qua các ứng dụng di động, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,…có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động TMĐT. Trong đó chú trọng các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,..
Mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đã ký công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đó, Tổng cục QLTT đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo danh sách 600 website đã được Tổng cục QLTT cung cấp tới 63 Cục Quản lý thị trường địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm theo quy định của Luật (nếu có)…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, lực lượng QLTT trên cả nước sẽ tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của các tài khoản xác định có dấu hiệu vi phạm, lập vi bằng làm căn cứ; phối hợp với các lực lượng chức năng, chủ các sàn giao dịch để có thể xác định được chính xác địa chỉ thực tế và đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định. Sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại địa bàn nào thì chỉ đạo cho đội địa bàn đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, xử lý để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Ngoài ra, tập trung nghiên cứu để làm chủ được công nghệ và có những chia sẻ dữ liệu lớn giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tạo ra các công cụ kỹ thuật đủ mạnh để có thể phân tích, đánh giá, tính toán giám sát các hoạt động thương mại điện tử cũng như phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, bến bãi. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán.
Quản lý thị trường hướng tới văn minh thương mại - Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), ngay từ đầu năm, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-QLTTQN ngày 23/1/2024 của Cục QLTT tỉnh về tuyên truyền phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại; giao chỉ tiêu cho các Đội QLTT phấn đấu tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 25% tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; thông qua việc tổ chức các hội nghị, công tác quản lý địa bàn và vừa kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Một trong số các nội dung tuyên truyền thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia là việc tổ chức các hội nghị. Tại Hội nghị lực lượng QLTT vừa tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền, vừa trực tiếp phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân về đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng cấm, vi phạm về an toàn thực phẩm và niêm yết giá và đảm bảo văn minh thương mại. Đồng thời, giải đáp các ý kiến của các đại biểu, qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, nâng cao công tác phòng ngừa vi phạm, đảm bảo văn minh thương mại và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đến nay, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức được 8 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó điển hình là Đội QLTT số 5 thành phố Hạ Long tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 1.710 lượt tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn. 10 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết với 11.500 lượt trên tổng số 45.500 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024. Từ hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thời gian tới, Cục tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với Ban Quản lý các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tổ chức các Hội nghị tuyên truyền pháp luật, đồng thời làm tốt công tác quản lý địa bàn, phát tờ rơi và tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật trong kinh doanh thương mại dịch vụ với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.