Xuất hiện nhiều thủ đoạn gian lận thương mại mới trên “chợ mạng”
Tại Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/5, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương), thừa nhận rằng, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.
Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do tình hình dịch bệnh dẫn đến việc mua bán hàng hóa trực tiếp bị hạn chế, các tổ chức, cá nhân thường sử dụng phương thức bán hàng qua mạng. Đặc biệt, những vi phạm trong thương mại truyền thống đã xuất hiện trên thương mại điện tử (TMĐT).
Gian lận thương mại gia tăng với thủ đoạn tinh vi
Ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, các vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng thường là đối tượng lợi dụng hình ảnh, đoạn video chính hãng để quảng cáo, tuy nhiên khi đến tay người tiêu dùng lại có thể là sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng chính hãng nhưng đã qua sử dụng.
Một số sản phẩm đã được sửa chữa hoặc qua thời gian trưng bày, không đảm bảo tính mới như nguyên bản, điều này khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi trong chế độ bảo hành. Ngoài ra, các vi phạm còn ghi nhận việc một số đối tượng tìm cách đưa hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam do tính chất của thương mại điện tử không có biên giới.
Đơn cử như khi người tiêu dùng có nhu cầu đặt hàng trên các trang TMĐT, các đối tượng lại tìm cách móc nối với phía nước ngoài, thông qua đường mòn lối mở để vận chuyển hàng hóa giả mạo từ ngoài vào, từ đó có thể bán sản phẩm vừa nhập lậu vừa không đảm bảo chất lượng.
Trước những thực trạng này, thời gian qua, Tổng cục QLTT đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng trên nền tảng thương mại điện tử. Gần đây nhất, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một điểm kinh doanh trên nền tảng facebook tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, sơ bộ đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm nhiều chủng loại từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
“Đa số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng và hàng hóa nhập lậu do chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan, chúng tôi tiếp tục kiểm định vì số lượng hàng hóa rất nhiều”, ông Lê cho biết. Trước đó, đơn vị cũng phát hiện vụ kho hàng lậu, hàng giả 1.000m2 tập kết để bán online ở Lào Cai, hay vụ tàng trữ kinh doanh sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại Nam Định. Ngoài ra còn hàng trăm vụ việc khác của các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội, website thương mại.
Chia sẻ về thủ đoạn gian lận thương mại mới, ông Lê cho rằng, qua các vụ việc gần đây cho thấy, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…
Đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số, bởi hiện không chỉ có các nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn các nền tảng trung gian trực tuyến, tức đơn vị cung cấp dịch vụ đằng sau. Với tình hình đó, công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Việc đấu tranh không chỉ của cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như người sản xuất, người tiêu dùng. Ngoài ra, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi triệt phá.
Một thủ đoạn nữa là các đối tượng sử dụng nhiều hội nhóm trên mạng xã hội để mua các lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các comment, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng.
Cần sự chung tay trong kiểm soát, phòng chống hàng giả
Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi trên “chợ mạng”, đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, để công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng TMĐT đạt được hiệu quả cao cần rất nhiều yếu tố. Với riêng lực lượng QLTT, cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng TMĐT. Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn TMĐT, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng. Một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn TMĐT cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Do đó, nếu các sàn TMĐT làm tốt hơn khâu này thì không chỉ vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần vào công tác chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, còn không ít các nhà sản xuất chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ thương hiệu. “Có doanh nghiệp chỉ nghĩ làm sao đưa ra thị trường được sản phẩm tốt và mong xã hội đón nhận, nhưng đến lúc xã hội đón nhận rồi thì lại đánh mất đứa con vừa sinh ra, vì có bên khác nhanh tay hơn đăng ký thương hiệu. Đây là bài học không phải bây giờ mới có, thực tế là chúng ta đã mất rất nhiều thương hiệu như vậy”, ông Lê lưu ý.
Ở góc độ sàn TMĐT, ông Vũ Anh, Giám đốc chiến lược sàn TMĐT Vỏ Sò cho rằng, thực tế các sàn TMĐT cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Chính vì thế nên các sàn TMĐT làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó là, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng.
Vấn đề nhức nhối này có thể giải quyết bằng cách sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ban, ngành; đồng thời đưa ra các khung pháp lý cơ chế chính sách phù hợp, hướng dẫn các sàn TMĐT. Ví dụ như sàn TMĐT Voso, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, thì điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ. Trước thông tin hàng giả, hàng nhái tràn lan, chúng tôi có các công cụ như eKYC, có CMND nhưng vẫn phải chụp ảnh… xác minh thông tin từ người bán.
Đối với vấn đề tiêu chuẩn hàng hóa, “các sàn cũng nên hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa. Ở Viettel Post cũng như sàn Voso đã có các hoạt động liên kết như vậy. Mặc dù chưa thể cải thiện hoàn toàn 100% không có tình trạng hàng giả hàng nhái trên sàn TMĐT của chúng tôi nhưng các hoạt động này sẽ là hình thức góp phần làm giảm bớt, tiến tới xóa bỏ hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT,” ông Vũ Anh nhấn mạnh.