Bộ Công an sẽ xã hội hóa công tác đào tạo lái xe, sát hạch lái xe như thế nào?

07:16 04/10/2020
Sau chuyển giao Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự... đảm bảo thường xuyên, liên tục, hiệu quả. 


Bộ Công an sẽ tổ chức việc đào tạo, sát hạch Giấy phép lái xe (GPLX) như thế nào, có vũ trang hoá công tác này hay không? Vì sao lại chuyển công tác đào tạo, sát hạch GPLX từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang Bộ Công an?... đó là những vấn đề dư luận quan tâm trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đang được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tại sao Chính phủ lại trình Quốc hội 2 Phương án về vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX? ý kiến của các bộ, ngành như thế nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tại Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31-8-2020, Chính phủ thảo luận và thống nhất về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, theo đó Dự án Luật quy định các vấn đề: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT); các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ.

Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX nên Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Theo đó, hai bộ đã lập luận, thuyết minh cho từng phương án và nhận thấy: Việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ sẽ quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ TNGT, phù hợp với Công ước Vienna về Giao thông đường bộ năm 1968 và luật của nhiều nước trên thế giới, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người.

Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất bằng văn bản để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo Phương án 1. Bộ Tư pháp đã thống nhất với Bộ Công an lựa chọn Phương án 1 và đề nghị quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.

Chính phủ thống nhất phân công Bộ Công an chịu trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bao gồm TTATGT đường bộ, trong đó đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý GPLX.

Phóng viên: Hiện nay, dư luận đang lo lắng “số phận”  những sát hạch viên thuộc Bộ GTVT khi nhiệm vụ này được chuyển giao sang Bộ Công an. Đồng chí cho biết phương án để giải quyết công ăn việc làm cho những người này như thế nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi đã nghiên cứu những tác động khi chuyển giao nhiệm vụ này. Cụ thể, đối với tổ chức bộ máy của ngành GTVT: Tổng số hiện có trên 1.655 sát hạch viên, trong đó có 589 là giáo viên tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên (không trong biên chế Nhà nước); Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT có 1.066 người. Các sát hạch viên đều kiêm nhiệm công việc khác, không có biên chế riêng.

Hiện chỉ có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại  64 đầu mối gồm: Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cùng 63 phòng thuộc Sở GTVT các địa phương. Trong đó, có 600 người được cấp thẻ sát hạch viên. Chính vì vậy, khi chuyển giao nhiệm vụ sang Bộ Công an, về biên chế chỉ cần sắp xếp liên quan 650 cán bộ nói trên, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.

Đối với tổ chức bộ máy của Bộ Công an đã được phân thành 4 cấp (bộ, tỉnh, huyện, xã) trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành GTVT.

Phóng viên: Theo chúng tôi được biết thì hiện nay, tại Bộ Công an, chỉ có một Phòng có chức năng sát hạch GPLX thuộc Cục CSGT. Vậy, khi chuyển giao công việc này sang Bộ Công an, liệu có đủ nhân lực để thực hiện công tác này hay không bởi trên thực tế có hơn 400 cơ sở đào tạo GPLX, thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: CBCS làm công tác quản lý đào tạo, phải là những đồng chí đã có kinh nghiệm thực tế về đảm bảo TTATGT, nhất là số làm nhiệm vụ sát hạch viên sẽ được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bảo đảm đạt tiêu chuẩn như một số quốc gia tiên tiến. Sau chuyển giao Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự... đảm bảo thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Bộ Công an có đầy đủ nhân lực, trình độ để thực hiện công tác giám sát, sát hạch lái xe theo đúng quy định nhưng không tăng về biên chế.

Khi Bộ Công an quản lý công tác đào tạo, sát hạch GPLX thì sẽ gắn trách nhiệm với con người cụ thể, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý. Ví dụ, hiện nay xe sát hạch có gắn chip hình ảnh nhưng không có âm thanh, khi Bộ Công an chủ trì sát hạch thì sẽ có cả âm thanh, tránh việc hướng dẫn thí sinh qua điện thoại và các thiết bị khác.

Quan điểm của Bộ Công an là gắn trách nhiệm và trách nhiệm này rất nặng nề nếu Chính phủ và Quốc hội giao cho chúng tôi vì đây là vấn đề quản lý an toàn, không phải hành chính đơn thuần. Nếu được giao quản lý việc cấp phép lái xe, ngành Công an sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục thực hiện đầu tư xã hội hóa, đẩy mạnh công khai, minh bạch hơn; gắn từng cơ sở đào tạo, từng giáo viên với chất lượng đầu ra, công khai dữ liệu này.

Phóng viên: Trong phiên họp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thảo luận về Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ ngày 1-10 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ có bày tỏ lo ngại việc chuyển công tác này sang Bộ Công an thì hơn 400 cơ sở đào tạo lái xe sẽ “đi đâu”?, Bộ Công an sẽ mở trường đào tạo lái xe như thế nào? Có tốn kém tiền bạc, cơ sở vật chất, con người hay không? Câu hỏi này cũng là lo lắng của một số người, đề nghị đồng chí cho biết thêm về vấn đề này.

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Vấn đề đại biểu Nguyễn Mai Bộ hỏi đã được Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trả lời tại phiên họp. Tôi xin nêu cụ thể lại như sau: Thứ nhất, không có chuyện Bộ Công an sẽ mở trường đào tạo lái xe. Các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm tâm sát hạch vẫn thực hiện nhiệm vụ như hiện nay và không “đi đâu”.

Thứ 2: Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ, đảm bảo cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được tự chủ về hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội, đúng quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ có điều kiện, công khai, công bằng trong đánh giá hiệu quả, chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, sát hạch cho phù hợp điều kiện người lái xe tham gia giao thông an toàn nhưng vẫn đảm bảo triệt để tận dụng nguồn vốn, tiết kiệm, hiệu quả, giảm thấp nhất phát sinh về đầu tư.

Thứ 3, người dân được tự do lựa chọn về đào tạo, sát hạch, được công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm được thời gian học và được thụ hưởng đúng theo mức phí đã bỏ ra; được đảm bảo chính xác, đầy đủ nội dung các thông tin cá nhân liên quan đến quyền và trách nhiệm khi tham gia giao thông. Việc tổ chức thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại GPLX chúng tôi sẽ thực hiện đến Công an cấp xã đảm bảo nhanh gọn, chính xác, phục vụ Nhân dân ngay tại cơ sở.

Đối với cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện, hiện nay, Bộ Công an đã được đầu tư, trang bị hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện bố trí tới cấp huyện, phần mềm in và quản lý GPLX của ngành Công an tại Cục CSGT và Công an 63 địa phương, do đó khi tiếp quản hệ thống quản lý của Bộ GTVT sẽ chủ yếu kết nối, đồng bộ hóa phần mềm ứng dụng sử dụng không gây tốn kém lớn về chi phí, không gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao và triển khai thực hiện.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự”, đề nghị đồng chí cho ý kiến về việc này.

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Nghị quyết số 17-NQ-TW ngày 1-8-2007 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó tại mục 5 (về cơ cấu tổ chức của Chính phủ) có nội dung: “Đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc thực hiện chủ trương này phải đảm bảo thận trọng, chặt chẽ và hiệu quả”.

Bộ Công an nhận thấy cần phải nhận thức đầy đủ và hiểu đúng, hiểu rõ nội dung này của Nghị quyết số 17-NQ/TW, theo đó cần hiểu đúng như thế nào là một số nhiệm vụ “có đủ điều kiện dân sự hóa”?, đối với những nhiệm vụ liên quan đến quản lý kinh tế - kỹ thuật đơn thuần mà các ngành dân sự thực hiện được thì việc chuyển giao là phù hợp, còn đối với các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thì phải do Bộ Công an quản lý, như quản lý cư trú (cấp, quản lý chứng minh nhân dân, hộ khẩu và hiện nay là căn cước công dân; quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy…).

Thực tiễn hiện nay cho thấy công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX phải có sự thay đổi cơ quan quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế, làm giảm TNGT, lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp của hoạt động giao thông. Tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy, nhiều quốc gia giao lực lượng Cảnh sát thực hiện công tác này, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nga, Pháp, Australia, Đức, Hà Lan…

Do đó, không có việc “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự” như một số ý kiến nêu ra, mà quan trọng là thay đổi để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và vì mục tiêu chung, vì lợi ích của người dân, của đất nước.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, Bộ Công an sẽ thực hiện như thế nào để đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo lái xe, sát hạch lái xe?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện nay, cả nước đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe trong đó 328 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, môtô, 135 cơ sở đào tạo lái xe môtô và 121 trung tâm sát hạch lái xe do các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn quy định của Luật Đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, hoạt động độc lập, là một loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, tự chủ thu chi, tự quyết về nguồn nhân lực. Hoạt động sát hạch, cấp GPLX vẫn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện. Một số cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sử dụng nguồn kinh phí nhà nước sẽ được Bộ Công an tham mưu báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan thực hiện triệt để công tác xã hội hóa loại hình dịch vụ này.

Khi tiếp nhận, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tối ưu tận dụng thời gian, tài chính cho người học lái xe. Cơ sở đào tạo thuận lợi tổ chức thực hiện phù hợp điều kiện cơ sở vật chất và thực tế đào tạo. Cơ quan quản lý chặt chẽ việc tổ chức thực hiện của cơ sở đào tạo và người học. Tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật, học viên được tự lựa chọn hình thức đào tạo và trung tâm sát hạch. Căn cứ chất lượng đào tạo, giáo viên dạy lái và cơ sở vật chất để có hướng xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch không đủ điều kiện.

Quan điểm là, sát hạch GPLX là sát hạch kỹ năng an toàn của người điều khiển phương tiện, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong đào tạo, sát hạch GPLX. Sẽ sắp xếp chất lượng giáo viên và cả các cơ sở đào tạo, sát hạch viên từ cao xuống thấp phải xem sản phẩm đầu ra thế nào, bao nhiều người vi phạm, bao nhiêu người gây tai nạn để xếp hạng. Từ đó, công khai để người dân biết, lựa chọn giáo viên, cơ sở đào tạo...

Phóng viên: Theo dự thảo Luật, Bộ Công an chỉ quy định có 11 hạng GPLX  thay bằng 13 hạng như hiện nay. Đồng chí cho  biết, vì sao lại quy định chỉ còn 11 hạng GPLX và các hạng GPLX có phù hợp với thông lệ quốc tế không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Đúng là trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ thì có 11 hạng GPLX, trong khi đó quy định hiện nay là 13 hạng. Đây là nội dung được nội luật hóa từ các quy định về phân hạng GPLX tại Công ước Viên năm 1968, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời là nghĩa vụ của quốc gia thành viên khi Việt Nam ký kết, gia nhập Công ước này.

Việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại. Chúng tôi quy định rất cụ thể việc chuyển tiếp giữa các hạng, bảo đảm quyền của người được cấp GPLX hiện hành không bị ảnh hưởng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Cục trưởng!

Phương Thuỷ (thực hiện)

Theo tài liệu được công bố trên website chính phủ Nga hôm 9/11, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Liên bang Nga và Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Đây là bước cuối cùng trong quy trình phê chuẩn văn kiện này tại Nga, sau khi Hạ viện và Thượng viên bỏ phiếu thông qua hiệp ước lần lượt hôm 24/10 và 6/11.

Ngày 28/10/2024, ông Rodrigo Duterte, cựu Tổng thống Philippines đã ra điều trần trước Thượng viện về những cáo buộc từ khi còn là thị trưởng thành phố Davao đến khi trở thành tổng thống, ông đã thành lập một đơn vị gọi là “Biệt đội tử thần”, làm nhiệm vụ tiêu diệt bọn buôn bán ma túy và những người nghiện mà không cần đưa ra xét xử.

Trong khi bão số 7 đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông thì ngoài khơi Philippines vừa hình thành thêm một cơn bão, dự kiến tiếp tục đi vào Biển Đông trong những ngày tới, trở thành bão số 8 năm nay.

Giờ cao điểm, tại giao lộ Cách mạng tháng Tám - Lê Thanh Nghị (Đà Nẵng) đang có rất đông người và phương tiện, nhưng tài xế điều khiển xe khách BKS 43B-01544 trong tình trạng lắc lư vì... phê ma túy. Khi bị CSGT phát hiện, tài xế này không cung cấp được giấy tờ xe, giấy phép lái xe (bằng lái) cho lực lượng CSGT.

Đêm 9, rạng sáng 10/11, Công an TP Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều tổ công tác 141 công khai và hóa trang triển khai làm nhiệm vụ tại địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… trong đó tập trung tuần tra kiểm soát, sẵn sàng trấn áp ngăn chặn các đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện tụ tập gây rối trật tự công cộng cũng như đua xe, lạng lách đánh võng gây náo loạn đường phố.

Kỳ nghỉ Tết là 5 ngày đúng theo quy định, cùng 2 dịp nghỉ cuối tuần trước và sau kỳ nghỉ Tết nên kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2025 mới kéo dài 9 ngày. Đây là lý giải của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong báo cáo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ làm rõ phương án đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày liên tục.

Trong lúc ngồi nhậu, anh trai của Y Níu Kpă mượn điện thoại để kết nối nghe nhạc. Sau đó Y Níu Kpă đòi lại điện thoại thì anh trai không trả nên dẫn đến mâu thuẫn đánh nhau; Y Níu Kpă dùng cuốc bổ vào đầu anh trai tử vong tại chỗ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文