Giả danh Công an gọi điện thoại để lừa đảo

09:40 11/01/2017
Tại tỉnh Trà Vinh, từ cuối tháng 12-2016 xảy ra nhiều trường hợp người dân bị một số đối tượng gọi đến điện thoại bàn, xưng là cán bộ điều tra yêu cầu hợp tác trong các vụ án về ma tuý, lừa đảo qua thẻ ATM rồi chiếm đoạt số tiền lớn. Đây là thủ đoạn cũ, xảy ra ở nhiều nơi nhưng vẫn còn người bị mắc bẫy.



Ngày 24-12-2016, Công an TP Trà Vinh nhận được tin báo của anh Phương Thụy Châu (42 tuổi, ngụ phường 6) về việc có người phụ nữ gọi đến điện thoại bàn, tự xưng là cán bộ Công an của phòng PC14, yêu cầu hợp tác điều tra liên quan đến vụ lừa đảo qua ATM. Người phụ nữ này hỏi anh Châu sử dụng điện thoại bàn vào thời gian nào và có phải do anh đứng tên đăng ký.

Nghi vấn có điều bất minh, anh Châu cúp máy nhưng sau đó người phụ nữ này tiếp tục gọi đến nên anh điện báo Công an địa phương nắm. Cùng ngày, Công an TP Trà Vinh nhận được tin báo của bà SaPhia (57 tuổi, ngụ phường 6) về việc có người đàn ông gọi đến bằng thuê bao 0082262051682 và tự xưng là cán bộ Công an rồi yêu cầu hợp tác điều tra liên quan đến vụ án ma túy.

Người đàn ông này hỏi bà SaPhia có chuyển tiền cho người tên Lê Quang Dũng hay không và có tài khoản của Ngân hàng NN-PTNT hay không? Đồng thời thông báo, chiều cùng ngày sẽ đến tạm giữ bà SaPhia 2 tháng điều tra vụ án hoặc bà sẽ được tại ngoại nếu hợp tác tốt.

Đến ngày 28-12-2016, Công an TP Trà Vinh nhận được tin báo của bà Nguyễn Thị Sáu (67 tuổi, ngụ phường 7) về việc có người đàn ông gọi đến điện thoại bàn, tự xưng là Nông Văn Đông, cán bộ Công an và thông báo bà có liên quan đến vụ án ma túy lớn.

Qua điện thoại, người này yêu cầu bà chuyển 80 triệu đồng vào số tài khoản 8403205060692 để hợp tác điều tra. Sau khi làm rõ vụ việc, nếu bà Sáu không liên quan thì sẽ chuyển trả lại. Tin lời, bà Sáu mang tiền chuyển đúng theo yêu cầu của kẻ giả danh. Sau đó, gia đình mới phát hiện có điều nghi vấn điện báo Công an.

Qua kiểm tra, đối tượng đã rút hết số tiền trong tài khoản nêu trên. Trong khi cơ quan Công an tiến hành làm rõ các vụ việc trên thì các đối tượng xấu lại tiếp tục thực hiện thủ đoạn giả danh như đã nêu trên để thực hiện hành vi lừa đảo đối với những ai nhẹ dạ, cả tin.

Đây là tội phạm nguy hiểm, hoạt động trên phạm vi rộng, với thủ đoạn tinh vi nên người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cho người lạ qua điện thoại và trình báo với cơ quan Công an kịp thời khi có vụ việc xảy ra, nhất là không nên cho người khác biết hoặc mượn, thuê các tài khoản cá nhân tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

Mộng Tuyền

Ngày 29/5, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tổ chức Hội nghị “điểm” Sơ kết công tác xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về công tác bảo đảm ANTT trong xây dựng nông thôn mới năm 2024 tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đánh giá, Luật Căn cước vô cùng tiến bộ khi đưa ra 1 chế định là cấp Giấy chứng nhận căn cước cho những người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đồng thời đề nghị Điều 19, Điều 23 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam cần bổ sung đối tượng này, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an rà soát cụ thể.

Sau hai ngày xét xử sơ thẩm và nghị án, chiều 29/5, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương). Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lộc An 11 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Ngày 13/6, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2. Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) và 10 bị cáo liên quan trong vụ án “Chuyến bay giải cứu, giai đoạn 2”. Trong đơn, bị cáo Trần Tùng và các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.