Người tung tin không đúng sự thật có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống
- Bắt 7 đối tượng mang tội vu khống
- Khởi tố nguyên chủ tịch Công đoàn viên chức Hà Tĩnh về tội vu khống
- Khởi tố 7 đối tượng về tội vu khống nhà báo
Hỏi: Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự việc trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí”. Các thông tin đi kèm là hình ảnh, số điện thoại được cho là của vị lãnh đạo này cùng nhiều tin nhắn qua lại với một cô gái. Xin Báo CAND cho biết, nếu trong trường hợp cơ quan Công an xác định đây là việc không có thật thì người tung tin sẽ bị xử lý như thế nào? (Xuân Thu, Hà Nội)
Trả lời: Nếu quá trình điều tra vụ việc, cơ quan Công an xác định đây là sự việc không có thật, là dựng chuyện, vu khống nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì việc tung những thông tin này đã vi phạm vào hành vi bị cấm tại điểm d, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, những hành vi bôi nhọ, vu khống lãnh đạo và những người khác trên mạng một cách nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống. Trong trường hợp xác định được chính xác người tung thông tin có tính chất vu khống thì người đó sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 2 lần trở lên; d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.