Quy định về xử phạt hành vi cho vay lãi nặng?
Trả lời: Căn cứ khoản 1 điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Nếu mức lãi suất cho vay vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì người cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.
Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.
Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội cho vay lãi nặng như sau: 1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trong trường hợp người cho vay lãi nặng, sau đó có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người người vay nhằm chiếm đoạt tài sản thì tùy theo từng trường hợp, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 135 Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản có khung hình phạt từ 1 năm đến 20 năm tù, tùy theo mức độ của hành vi vi phạm.