Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử

06:13 29/01/2022

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và đang tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến định danh và xác thực điện tử.

Theo Bộ Công an, hiện nay, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến để thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.

Chính vì vậy, tính bảo mật an toàn thông tin luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử, trong đó bao gồm dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch khác trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như CMND, thẻ CCCD, hộ chiếu. Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng là rất cấp thiết; Chính phủ đã chỉ đạo đưa đất nước vào trạng thái "bình thường mới", trong "điều kiện bình thường mới", Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.

Việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Từ ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đã chính thức được đưa vào sử dụng, các CSDL hộ tịch điện tử và một số Cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành khác cũng đang đồng loạt triển khai xây dựng, đây là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử.

Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất; chỉ cung cấp một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLQG về dân cư, CSDLQG và các CSDL chuyên ngành.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 46 điều, quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến định danh và xác thực điện tử.

Theo dự thảo Nghị định, danh tính điện tử người Việt Nam là tập hợp dữ liệu số trong CSDL định danh điện tử quốc gia được so sánh thông tin với CSDLQG về dân cư, CSDL Căn cước công dân cho phép xác định duy nhất một cá nhân trên môi trường điện tử. Đối với định danh điện tử, dự thảo Nghị định nêu rõ, sử dụng mô hình cấp tài khoản định danh điện tử tập trung để cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức của Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài; người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thông tin trong CSDL về xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo cũng quy định, dịch vụ định danh và xác thực điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ Công an là đơn vị thực hiện việc cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử cho công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức của Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài; người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thông tin trong CSDLQG về xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguyễn Hương

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông (ATGT) để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của CBCS để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông

Quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng; bổ sung các loại vũ khí quân dụng; cắt giảm các giấy tờ, thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ... là một số điểm mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Sáng 29/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (SN 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (SN 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

100 sinh viên Học viện CSND đến hiến máu trong lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025. Chủ nhật Đỏ đã thu được hơn 400 nghìn đơn vị máu, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho hàng trăm nghìn người bệnh trong suốt 16 năm qua.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện “lương, thưởng Tết cuối năm” luôn là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm. Dù việc thưởng Tết không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với nơi làm việc.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 161/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ. Nghị định sẽ có hiệu lực chính thức từ 1/1/2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文