Tết trong ký ức

10:50 11/01/2021
Mỗi năm Tết đến, tôi lại nhớ tuổi thơ của mình ở vùng quê Tháp Mười! Nhớ những mùa xuân rất đẹp, những cái Tết rộn ràng áo mới, nhớ con đường đất sạch bon, vì vào những ngày gần Tết nhà ai cũng quét dọn sạch sẽ. Tôi nhớ những rẫy bắp trổ cờ, những giàn bầu, giàn mướp đong đưa xỏ trái; nhớ mấy liếp dưa leo bò ngang, bò dọc, chỉ cần thò tay hái trái, vuốt nhẹ lớp phấn cắn một cái nghe giòn rụm, ngon lành...

Nhớ nhất là khoảng 23 tháng Chạp, nhà ai cũng nhộn nhịp xay bột đổ bánh tráng, quết bánh phồng. Việc ruộng nương xem như tạm ổn, bà con lo sửa sang nhà cửa đón xuân. Trong tiết trời se lạnh, màu nắng trong trong, ngồi bên nồi bánh tráng và thau bột thơm thơm, tôi thấy gương mặt má tôi như tươi hơn, vì cái bánh nào má tráng cũng tròn và mỏng, cộng với tiếng trẻ râm ran, lăng xăng chạy giỡn, chờ má tráng hư để có bánh ướt ăn, thiệt là vui hết sức!

Tôi nhớ nhà có hai công ruộng trồng nếp đỏ đuôi bông cái sắp đến ngày gặt. Trưa buồn miệng, ba tôi đem hái ra cắt một khoảnh rồi tuốt hạt đem rang quết cốm dẹp trộn nước dừa xiêm cho mấy chị em tôi ăn chơi. Mùi cốm dẹp thơm lừng trộn nước dừa xiêm rám vỏ, ăn ngon bỏ cả cơm. Gần 60 năm tuổi đời mà hương vị cốm dẹp ngày nào trong tôi không hề phai lạt. Nó cứ đọng mãi trên môi tôi vị ngọt thanh thao thuở quê nghèo gian khó!

Cả nhà  quây quần cùng nhau trang hoàng nhà cửa, sắm sửa hoa trái, chuẩn bị bánh mứt đón Tết.

Nhớ những buổi sáng đầu xuân, sương giăng nhè nhẹ, gió bấc se se, tôi thường theo ba ra đồng thăm rẫy. Tôi thích đưa tay vuốt những quả xoài đong đưa chạm gần mặt đất, thích ngắm con mương nước rong đầy, có bầy cá lội tung tăng; thích nhìn con rạch trong veo ngấp nghé mặt đường làng, mà ba tôi thường khoác nước rửa mặt cho tôi mỗi sáng. Những giọt nước ấm áp làm tôi tỉnh táo lạ lùng!

Chiều ba mươi hàng năm là những buổi chiều đáng nhớ. Cả nhà ai cũng tất bật lo mâm cỗ đón ông bà về ăn Tết. Ăn Tết nhà quê nhưng nghiêm trang đủ lễ. Tôi ra nội xin cành mai, hái vài trái vú sữa, chọc mấy trái quýt đường; chị Hai quét dọn trong ngoài, ba tôi ra vườn nhổ vài cây vạn thọ, má tôi kho nồi thịt… Loanh quanh cả ngày mới có một mâm cơm cúng ông bà tươm tất. Vậy mà vui hết biết!

Đêm giao thừa là điều thiêng liêng chị em tôi mong đợi. Ba má gọi 4 chị em tôi ra ngồi quanh chiếc bàn chữ U đặt giữa nhà, dặn dò hỏi han đủ thứ. Kiểm lại trong năm đứa nào ngoan, dở, đứa nào giành ăn, nói dối… là nhắc nhở và bảo sẽ không "lì xì", nếu năm sau tái phạm! Má tôi ngồi soạn lại giỏ đồ mới, gọi tên từng đứa cho mặc thử: “Con Mai lại đây coi!”. Chị Hai hớn hở đứng lên ướm thử bộ đồ màu xanh nước biển có điểm mấy bông rơi. Nhìn chị xinh gái thế! Má gọi tới tôi và lôi ra bộ đồ bông hường, mặc vô da trắng hồng dễ thương hết sức. Rồi thằng Tư, con Năm đứa nào cũng có một bộ riêng. Hai đứa cứ khoe đồ mình đẹp nhất!

Tuổi trẻ thường rất ham đồ mới, đòi mặc liền, nhưng má không cho, vì phải để sáng mai mặc đi mừng tuổi ông bà. Chúng tôi thức với ba má đến qua giao thừa để xem má cúng bánh nước bàn thờ Thông Thiên và coi đốt pháo. Nhưng bộ đồ mới cứ ôm trong lòng, thỉnh thoảng đưa lên mũi ngửi nghe mùi vải mới, nó khoái làm sao!

Sáng mồng một trời chưa bảnh mắt, tôi đã nghe ba tôi tằng hắng ngoài hiên. Ông đốt rơm nướng bánh phồng cúng ông bà và thúc giục các con thay áo mới đi chúc Tết. Chị em chúng tôi bật dậy, ríu rít mặc áo quần, chạy nhảy tung tăng.

Mọi thứ chuẩn bị xong, ba tôi đem chiếc chiếu manh trải giữa khoang xuồng, kêu bốn chị em tôi ngồi đó! Lúc này quê tôi còn nghèo nên nhiều cầu khỉ, để an toàn, ba tôi phải đi xuồng. Nhà nội ở giữa rạch, nhà ông Sáu, ông Bảy, ông Tám, ông Út... cuối ngọn nên ba tôi bắt đầu từ ngọn rạch chúc Tết dài ra nhà nội. Sau khi chào hỏi ông bà xong, ba tôi tiến lại bàn gia tiên dâng trà bánh và thắp nhang khấn vái, chúng tôi cũng quỳ lạy theo. 

Xong, ông bà mời ngồi uống nước hỏi thăm mùa màng, rồi gởi biếu bánh ít, bánh in, bánh bông lan... do mấy cô, thím làm “ăn lấy thảo”, vừa cũng để khoe nhà mới có dâu khéo… Riêng chúng tôi được ông bà lì xì mỗi đứa một đồng bạc. Lúc này các tràng pháo treo trên cây mai cũng nổ giòn tan đón mừng năm mới! Bọn trẻ háo hức bu quanh lượm pháo lép chạy nhảy tung tăng, vui thôi hết nói! Xong phần chúc Tết ông bà trong họ, cha con tôi bơi xuồng ra nhà nội.

Nhà nội tôi lợp ngói âm dương, kiểu chữ đinh có ba gian và trái bếp, nền lót gạch tàu, cửa mở ba hướng, trước nhà có 2 con voi bằng sành và mấy cây bùm sụm tỉa hình con nai. Tết đến, nội thường treo liểng đỏ. Trong nhà có 4 bức hoành phi. Giữa nhà có cái bàn chữ U bày bánh mứt, hoa quả. Chính diện là bàn thờ tổ tiên, hai bên vách ván treo tranh Tấm Cám, Thoại Khanh, Châu Tuấn…

Tôi bước ra sau thấy cô Sáu còn canh nồi bánh tét, thím Bảy đang trộn gỏi gà, chú Tám chặt dừa hầm thịt, ba tôi cũng chạy vô chiết rượu ra cái nhạo… Khoảng một giờ sau là cả nhà xôm tụ. Đó là một cái Tết thật vui mà tôi may mắn đã được hưởng thụ ở tuổi thơ của mình...

Bạch Phần

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文