Cành đào cuối cùng của Văn Cao

10:07 30/01/2017
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp phố phường Hà Nội lại tràn ngập sắc hoa. Hoa trong quầy, hoa trong quán, hoa bán vỉa hè, hoa gánh trên vai, trên xe đạp, trên xe máy len lỏi vào khắp ngõ ngách của đường phố.


Khắp các cửa ô đều trở thành những chợ hoa với hàng trăm loại hoa đua sắc mà không thể kể hết được. Hoa là một nhu cầu, một yếu tố tinh thần không thể thiếu của người Hà Nội trong những ngày Tết. Chơi hoa, chơi cây cảnh là một thú chơi tao nhã và tinh tế từ xa xưa của người Tràng An ngàn năm văn hiến.

Nhạc sỹ Văn Cao là một người yêu thích hoa. Ông còn là họa sỹ, phải chăng vì thế mà ông có phần yêu các sắc màu rực rỡ của hoa mà tạo hóa ban tặng thế gian này hơn những con người bình thường chăng?

Trong nhà Văn Cao luôn có một lọ hoa đặt trên nóc đàn piano tùy theo mùa của các loài hoa. Mùa xuân có hoa lay ơn, mùa hè có hoa sen, mùa thu có hoa cúc… Song có lẽ thứ hoa ông thích nhất là hoa đào, thứ hoa chỉ nở một năm một lần vào đúng những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Có lẽ vì thế trong nhiều tác phẩm của mình ông đều nhắc đến loài hoa đó. Trong bài “Thiên thai” ông viết “… Thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian, có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…”.

Hay trong bài “Tiến về Hà Nội”, ta lại thấy“… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa xuống cành nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh…”.

Chính vì thế, cứ đến Tết, dù bận mấy, ông đều đi chợ hoa truyền thống tại phố Hàng Lược, đắm mình trong rừng hoa khoe sắc giữa lòng phố cổ Hà Nôi để quên đi những ngày tháng vất vả lo miếng cơm manh áo.

Len lỏi trong dòng người dòng đời là hình ảnh một nhạc sỹ già thân hình gầy guộc, chống ba toong với đôi mắt sáng, kiên trì chọn mua một cành đào ưng ý nhất…

Tôi còn nhớ cái Tết năm Ất Mùi (1995). Mùa xuân năm đó rét hơn mọi năm. Sức khỏe của cha tôi -Văn Cao đã yếu nhiều nhưng nghe tin cô con gái ở Ba Lan về ăn Tết với gia đình, ông vui lắm.

Đã lâu lắm rồi gia đình chưa có một cái Tết đông đủ con cháu. Sáng 27 Tết, một người bạn mang đến biếu cha tôi cành đào bích to như một cái nơm, nụ hoa nhiều nhưng lá trông không được tươi. Nhìn cành đào, cha tôi có vẻ không ưng lắm.

Một lúc sau ông bảo cậu em tôi đèo lên chợ hoa Hàng Lược. Ông thích chơi đào phai. Với ông đào phai đẹp hơn đào bích vì nó có dáng tự nhiên không bị uốn nắn, lộc lá nhiều, sắc hoa phớt hồng khép nép e lệ như một thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì.

Gần trưa mới thấy ông về, trên tay ông là một cành đào bích có thế rất đẹp. Tôi hơi ngạc nhiên hỏi: “Sao năm nay bố lại mua đào bích? Đã có một cành đào bích rồi mà”.

Ông nở nụ cười bảo: “Năm nay rét, đào phai kém lắm. Bố phải tìm mãi mới chọn được cành đào này. Năm nay em Hương nó về, chơi đào bích cho không khí gia đình vui tươi hơn”.

Buổi chiều hôm đó cô em tôi đến. Nhìn thấy hai cành đào, nó reo lên: “Đẹp quá. Bố mua những hai cành cơ à? Con mới về còn mải đi trả quà cho mọi người nên chưa đi sắm Tết được”.

Cha tôi cười: “Bố mua có một cành thôi còn một cành người ta biếu, bố cho con một cành đấy, thích cành nào thì con đem về chơi Tết. Lâu lắm rồi con mới về ăn Tết với gia đình, có cành đào trong nhà thì mới ra không khí ngày Tết”.

Cô em tôi sướng quá, nó cứ tần ngần định chọn cành đào thế cha tôi mua nhưng rồi lại lấy cành đào được biếu vì hiểu rằng cha tôi thích đào thế.

Nhiều năm sống gần gũi Văn Cao, tôi hiểu rõ thú chơi đào của ông. Theo Văn Cao, đào đẹp đầu tiên là ở cái dáng, cái thế của cây, của cành, sau mới là hoa và lá. Muốn hoa đẹp, phải chọn những cành nhiều nụ, nụ to và mập thì hoa mới đẹp, chơi được lâu.

Có những năm, cha tôi chọn được cành đào hoa nở đẹp qua tận rằm tháng giêng. Cành đào cha tôi mua về năm đó quả là rất đẹp, nụ to và nhiều, xen với lá xanh tươi mơn mởn, trên cành mới nở dăm bảy bông hoa to và đỏ thắm. Cha tôi ngắm cành đào và tỏ vẻ ưng ý lắm. Ông  bảo: “Cành đào này nụ nhiều có thể chơi được qua rằm…”.

 Nhà tôi có một cái lọ sành to, cao khoảng 2 gang tay chuyên để cắm đào, tôi đổ nước vào và bê cho cha tôi. Văn Cao lấy cành đào ra, cẩn thận châm lửa đốt cháy một đoạn gốc để hãm hoa nở chậm.

Đặt cái lọ vào một góc phòng khách đối diện cửa ra vào, ông thận trọng cắm cành đào và chèn gốc cẩn thận rồi xoay cho thế của cây đào đúng vị trí đắc địa nhất. Ông sợ nhất những cành đào nở tung tóe, chưa hết Tết hoa đã úa tàn.

Đối với ông nếu năm nào đúng giao thừa sang ngày mùng 1 Tết mà đào nở ra đều khắp các cành thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn.

Bữa cơm chiều 30 Tết đối với dân tộc ta rất thiêng liêng. Nó là bữa cơm hội tụ toàn gia đình, cả năm mới có một lần để tưởng nhớ đến tổ tiên, dòng họ. Nhưng ở gia đình tôi, cha tôi thường mời thêm một số người bạn, họ là những người không có gia đình hoặc vì điều kiện phải sống xa nhà…

Cha tôi bảo: “Bố mời các chú ấy đến ăn tết với gia đình ta cho vui. Không khí ấm cúng, có đông đủ con cháu trong nhà sẽ làm vợi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, bớt đi nỗi cô đơn trong những ngày Tết. Bố cũng vui hơn vì có bạn uống rượu”. Tôi hiểu lòng cha tôi.

Nhưng Tết năm đó không thấy cha tôi mời bạn. Cả gia đình tôi quây quần bên mấy mâm cỗ, con cháu ríu rít thay nhau chúc sức khỏe ông. Cha tôi vui lắm, có lẽ nhiều năm rồi ông mới lại có được một cái Tết vui vẻ và đầm ấm như thế. Ông ngồi nhấm rượu với mấy miếng pho mát cô em tôi mang từ Ba Lan về. Đôi mắt ông sáng lên, hài lòng nhìn lũ cháu cười nói, ăn uống thoải mái, vô tư…

Đêm 30 Tết cành đào của ông nở bung ra hàng chục bông hoa đỏ thắm. Con cháu đã nhà nào về nhà nấy còn lại mình ông lặng lẽ ngồi nhâm nhi ly rượu, ngắm hoa đào nở, chờ đón giao thừa.

Sáng mồng 1 Tết, mãi gần trưa hai vợ chồng tôi mới lên nhà chúc Tết cha mẹ. Vừa bước vào nhà tôi đã ngẩn người nhìn cành đào. Mới tối qua, cành đào nở đẹp như tranh vẽ, vậy mà sáng nay hoa đã héo rũ.

Cha tôi lặng đi, đôi mắt thoáng một chút thất thần nhìn tôi, ông bảo: “Chốc nữa con mang cây đào ra ngoài sân, đêm nay có hơi sương nó tươi lại thì may”. Lát sau cô em tôi đến, vừa bước vào mồm đã oang oang: “Bố biết không cây đào bố cho con hôm nay nở đẹp lắm, ai cũng khen”. Cha tôi cười nhẹ: “Đào mà nở đẹp vào sáng mồng một thì năm nay số con sẽ gặp nhiều may mắn trong công việc làm ăn”.

Những ngày Tết vui vẻ rồi cũng qua đi, cô em tôi trở về Ba Lan, anh em chúng tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, tôi vẫn tôi vẫn áy náy về cành đào héo vào đúng ngày mồng một tết của cha tôi.

Sau tết không lâu, lên thăm cha tôi, ông vẫn khỏe, tôi cảm thấy yên tâm. Hai cha con ngồi tâm sự, ông bảo: “Hôm vừa rồi bác Trúc Lâm đến chơi, xem tử vi cho bố. Bác bảo năm nay bố có cái hạn ốm đau, bác dặn bố đừng vào viện”…

Rồi cha tôi cười: Tao mà ốm là mẹ mày bắt đi bệnh viện ngay, ở nhà bà ấy không hầu được… Con người ta có số đấy”.  Mùa xuân năm ấy cha tôi vẫn sống vui vẻ và khỏe mạnh. Ông vẫn đi đây đó thăm thú bạn bè. Tôi cũng quên đi mọi chuyên.

Không ngờ cuối tháng thì cha tôi phải vào Bệnh viện Việt Xô vì bệnh cũ tái phát. Hai tuần sau vào ngày 10-7-1995, ông ra đi, để lại cho gia đình chúng tôi một khoảng trống không thể bù đắp. Cho đến bây giờ cứ mỗi khi tết đến xuân về, anh em chúng tôi lại mang một cành đào đến mộ thắp nhang mời ông về ăn Tết với gia đình, con cháu.

Nhạc sỹ Văn Cao đã ra đi, bỏ cõi trần gian để về với chốn thiên thai - cái cõi Đào Nguyên ấy luôn“… Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần”… Phải chăng, Thiên thai là cõi mơ của Văn Cao.

Văn Thao

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文