Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và ký ức ngày Tết
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Lê Thiết Cương với "Người”
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Lê Thiết Cương với "Người”
Nếu có một nhà văn nào đó viết về cố hương hay nhất và neo vào lòng người nhiều xúc cảm nhất, thì danh xưng đó, chắc chắn dành tặng Nguyễn Quang Thiều. Trong những Tết thảnh thơi, tạm khép lại những bận rộn và tất bật của một năm, thì đọc văn Nguyễn Quang Thiều, khiến người ta ngấm cái vị mằn mòi của cố hương, của tình mẹ, tình cha, của một ngôi làng trong ký ức của mình. Nơi đó, là mạch nguồn sâu thẳm, giúp mình lớn lên trong cuộc đời dài rộng và nhiều biến cố.
Mỗi lần gặp Nguyễn Quang Thiều, cảm giác như được anh tiếp thêm lửa bởi những câu chuyện kể của cuộc đời mình, về ngôi làng Chùa thân thuộc của mình. Những câu chuyện bình dị mà sâu lắng, chất chứa tình yêu thương cuộc đời và con người.
Ở đó, những điều tốt đẹp và dấu yêu của một làng quê, một chòm xóm, một tình cố hương bền vững và sâu thẳm trong mỗi con người được nâng lên thành giá trị nhân văn. Những giá trị cốt lõi mà trong suốt cuộc đời, ai cũng phải mang theo...
Những người xa quê hương, chuyện về những ngày Tết bao giờ cũng gợi lên nhiều nỗi nhớ miên man. Tết của làng Chùa quê hương của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, là những kỷ niệm gắn bó mật thiết dường như trong cả cuộc đời anh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại: "Hằng năm chúng tôi sẽ đóng cửa nhà ở thành phố, vợ chồng con cái cùng các cháu về làng Chùa ăn Tết. Cái lệ này đã có từ khi cha mẹ tôi còn sống, trừ những năm tôi đi học ở nước ngoài, còn ở Việt Nam là tôi về quê ăn Tết. Đến giờ các cụ đã mất 10 năm rồi, nhà cửa ở quê nhờ người trông coi, nhưng cứ đến Tết là gia đình tôi lại về quê. Chúng tôi sẽ cùng nhau chuẩn bị bàn thờ, lau chùi cọ rửa đồ thờ.
Ở làng tôi con đường ra nghĩa trang của làng bao giờ cũng được dọn dẹp sạch sẽ nhất, nghiêm trang nhất. Mọi người từ người trẻ đến người già đều ăn mặc thật tươm tất để ra mộ, mời người đã khuất về ăn Tết. Hồi bé, chiều 30 Tết tôi thấy cả làng ra thăm mộ, một cách mơ hồ tôi cảm nhận được sự linh thiêng của tục lệ đó.Chúng tôi còn cùng nhau làm các món ăn truyền thống như cha mẹ tôi đã từng làm. Trong Tết, các gia đình sẽ tới thăm nom nhau, đóng góp cho quỹ khuyến học, vinh danh những người có thành tích trong dòng họ…
Sau một năm làm việc bận rộn, có quá nhiều việc làm ta xao nhãng, dường tất cả những gì đẹp nhất của gia đình, dòng họ, của văn hóa đều được hồi phục lại trong những ngày Tết.
Quê tôi có một món tất cả mọi người đều làm là cá nướng. Cuối năm mọi người tát ao hồ bắt lên rất nhiều cá trắm, cá chép, cá trôi. Họ sẽ rửa cá, ướp với gừng và một chút muối, cặp cá bằng kẹp tre bánh tẻ rồi mỗi ngày nướng hai đến ba lần. Họ để cá gần bếp lửa cho nó ám khói, cho đến khi vẩy con cá vàng suộm. Cá phải nướng bảy lửa, bảy khói, rồi treo lên gác bếp. Với kĩ thuật nướng rất từ tốn này, con cá có thể để được hai đến ba tháng.
Ngày xưa mọi người hay dùng lõi ngô khô để đốt. Khói lõi ngô quện vào con cá cho một hương vị thơm đặc biệt. Thịt con cá nướng rất dai, săn chắc. Khi ăn, nướng lại một chút cho nóng, xé từng miếng ăn với cơm gạo mới và nước mắm ngon rắc chút hạt tiêu.
Làng tôi còn có món thịt lợn quay. Họ sẽ quay thịt ba rọi, phần mỡ chảy ra họ sẽ cho vào một cái âu, rồi ngâm miếng thịt quay vào trong hũ mỡ, đổ một lớp muối lên. Như vậy sẽ có thịt để dành ăn Tết. Thỉnh thoảng người ta sẽ lấy đũa chọc vào hũ mỡ lấy chút mỡ muối đó ra ăn cơm, nên người làng tôi vẫn dùng từ "một đũa mỡ". Có thịt quay, cá nướng, có hõm rau cần là yên tâm chờ tới ngày hội làng rồi. Bà con từ miền khác đến chơi nhà dăm ba ngày sẽ được thết đãi những món này.
Trong những ngày Tết, những thức ăn thừa như cá nướng, thịt gà, thịt lợn, hành muối, dưa muối sẽ được người dân bỏ vào một vại đựng nước vo gạo nếp. Tất cả sẽ lên men, thơm vô cùng. Đây là nguyên liệu để nấu món canh bỗng. Khi đã no nê cá, thịt suốt ba ngày Tết, người ta sẽ chuyển sang ăn bún với canh bỗng và rau diếp hái trong vườn cho nhẹ nhàng, thanh cảnh".
Nhiều người nhận xét, nhà văn Nguyễn Quang Thiều là người kể chuyện cực kỳ có duyên và đầy sự quyến rũ. Trong câu chuyện của Nguyễn Quang Thiều, lẫn trong những câu chuyện dân gian là đan xen nhiều chuyện ma quái, mộng mị. Bởi vậy mà văn của anh, luôn nhuốm màu sắc tâm linh đầy mê hoặc. Nhưng có lẽ với anh, những ngày Tết bây giờ buồn bã hơn bởi vì anh đã mất đi đấng sinh thành, hai người quan trọng nhất cuộc đời anh.
Nguyễn Quang Thiều kể lại: "Trong tôi đầy những ký ức, ý niệm về những ngày Tết, về tháng Giêng. Tết khi còn mẹ cha, đối với tôi nó mới thực sự có ý nghĩa. Tết những năm không còn cha mẹ, nó cay đắng và tủi hờn. Đôi khi tôi không có đủ thời gian để nghĩ về mình, về tuổi của mình. Suốt từ ấu thơ cho tới bây giờ, lúc nào tôi cũng nhớ mẹ.
Mỗi tuần về quê, khi trở lại thành phố, lòng tôi mang đầy cảm giác xa xôi và cô độc. Khi lên đến dốc đê, tôi nhìn về làng và không muốn đi. Nơi ấy có ngôi nhà tôi sinh ra và lớn lên. Nơi ấy có mẹ tôi mỗi tuần ngóng đợi các con về. Tôi luôn tự nhủ khi đến tuổi hưu sẽ về quê sống với mẹ. Nhưng tôi không kịp thực hiện mơ ước ấy. Mẹ tôi đã ra đi. Tôi suốt đời ân hận.
Thuở nhỏ cứ chiều chiều anh chị em tôi ra đầu ngõ chờ mẹ. Kể cả những năm tháng đói ngèo đó và những năm tháng đời sống được cải thiện rất nhiều thì gia sản lớn nhất của chúng tôi vẫn là mẹ. Có những chiều mưa giông, chúng tôi đứng bên hiên nhà đợi mẹ. Mẹ về, cả người mẹ ướt sũng và tái ngắt vì lạnh.
Thấy mưa, mẹ ở lại bắt châu chấu vì mưa chấu chấu thường không bay xa được. Mẹ rang châu chấu với nước muối cà cho chúng tôi ăn. Sau này khi gia đình tôi không còn chạy ăn từng bữa thì mẹ vẫn ứa nước mắt khi nhớ những ngày các con phải chịu đói rét.
Hai tuần trước khi mất, mẹ tôi mơ thấy cha tôi về. Sau khi cha tôi mất, tôi về quê nhiều hơn với mẹ cho dù lúc đó anh trai tôi đã nghỉ hưu và thường xuyên ở nhà với mẹ. Những đêm ở quê tôi thường ngồi viết đến hai, ba giờ sáng và thắp hương liên tục cho cha. Những đêm như thế, mẹ tôi thường nói vọng từ trong màn ra: “Sau này mẹ mất, con đừng làm việc như thế nữa”.
Khi chưa ốm nặng, mẹ thường thức giấc và đến bên giường tôi xem tôi đã cài màn kỹ chưa. Lúc nào tôi cũng chỉ là đứa trẻ lên ba với mẹ. Có phải như thế mà khi cha mất, tôi đau buồn nhưng cứng rắn. Còn khi mẹ mất, tôi hoàn toàn suy sụp như đứa trẻ lạc mẹ ở một chốn xa lạ hoang vắng không người.
Tôi nhớ mẹ như đứa trẻ lên ba đợi mẹ trong những chiều mưa giông mà mẹ không về. Giờ tôi vẫn lẩn thẩn trong những buổi chiều và những đêm khuya trong ngôi nhà mỗi khi về quê. Có lúc thoáng giật mình tưởng chưa nấu cơm chiều cho cha mẹ. Nhưng nhận ra cha mẹ không còn nữa.
Và bây giờ, tôi mới thấu được nỗi mồ côi cha mẹ như thế nào. Mấy tháng trước khi mất, hai mẹ con tôi ngồi bên hiên nhà trong một đêm trăng. Đêm ấy mẹ nói với tôi: “Sau này mẹ mất, có còn ai yêu con nữa không?”. Đấy chính là nỗi sợ cuối cùng của mẹ trước khi rời xa thế gian này cho dù lúc đó tôi đã ngoài 50 tuổi".
Có lẽ chính vì nỗi lòng đầy đau đáu thế, nên Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rằng, anh hầu như viết về những câu chuyện trong những đêm khuya khoắt. Đó là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất trong ngày. Sự tĩnh lặng ấy cho anh nhiều yếu tố để trở về quá khứ một cách đầy đủ nhất. Còn những giấc mộng cũng là một cách đi. Đi ra khỏi con người hiện thực của mình. Đi bằng suy tưởng và trí tưởng tượng.
Khi chúng ta suy tưởng về con người mình là chúng ta đang thực hiện một chuyến đi vào bên trong con người mình. Nhưng cả đời sống tôi đang sống và những giấc mơ tôi có đều là một thể thống nhất. Cả hai đều hiện thực và cả hai đều ảo, không thể tách rời từng thứ ra được.
Trong "Ngôi nhà gỗ màu đỏ" anh viết: “Cuộc sống thực sự là một chuỗi ký ức buồn bã, da diết, khổ đau đầy những suy tưởng, nhưng lúc nào cũng ngân vang cả trong bóng tối”.
Rồi anh viết về cố hương: "Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà/ Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm/ Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất/ Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc/ Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống/ Góc vườn khuya cỏ thức một mình/ Tôi hát bài hát về cố hương tôi/ Trong ánh sáng đèn dầu/ Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại/ Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn/ Thuở tôi vừa sinh ra/ Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi/ Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc/ Tôi hát bài hát về cố hương tôi/ Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó/ Nó không tiêu tan/ Nó thành con giun đất/ Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao/ Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ/ Bò qua bãi tha ma người làng chết đói/ Đất đùn lên máu chảy ròng ròng/ Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi"...
Nhân dịp năm mới, hỏi nhà văn Nguyễn Quang Thiều những ý niệm về Tết, anh cho rằng, với anh một năm chỉ là sự thay đổi nào đó về một nhịp, một vòng tuần hoàn của thời gian. Có thể với nhịp hay vòng tuần hoàn của thời gian thì có những biến động đối với cuộc sống của mình. Nhưng có một điều anh biết trước đó là riêng với anh, anh luôn hướng về những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước...