Chúng ta đã đãi ngộ các nghệ nhân như thế nào?

08:00 26/01/2016
NSND Đào Mộng Long từng nhắn nhủ rằng: “Có thể đến một lúc nào đó, chúng ta muốn tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống lại phải qua Nhật, qua Mỹ để tìm lại Kim Sinh”. Giờ thì NSƯT Kim Sinh đã bước qua một cõi khác, ông chết lặng lẽ, mang theo cả gia tài âm nhạc truyền thống mà ông cả đời nâng niu, gìn giữ.


Tôi còn nhớ, cách đây chừng 3 năm, tôi đến gặp cụ Kim Sinh để viết về những nghệ sĩ sống ẩn dật. Ngôi nhà bé tẹo, ẩm thấp ở ngoài đê Sông Hồng. Lần đó cụ Kim Sinh ôm đàn hát cho tôi nghe: “Còn duyên kẻ đón người tìm. Cái duyên chưa cạn, cái nhìn thờ ơ". Câu hát buồn của một thân phận nghệ sĩ mù thấm hết những nỗi buồn nhân thế nghe sao mà xót xa. Lúc đó, chung chiêng giữa hai bên bờ cuộc đời, trong ông vẫn đau đáu một nỗi niềm về nghệ thuật truyền thống đang bị mai một...

 Người đời vẫn biết đến Kim Sinh như một danh cầm nhạc Tài tử - Cải lương đất Bắc. Thế nhưng ít ai biết được, ông có thể diễn tấu nhiều thể loại cổ nhạc khác nhau. Ông như một kho tàng giàu có và thật đa dạng.Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói: “Rất nhiều công trình nghiên cứu cơ bản của tôi đều căn cứ vào ông như một “tiêu bản sống”. Có thể tìm thấy ở ông rất nhiều, rất nhiều giá trị cổ nhạc của quá khứ. Bên cạnh đó, những giai thoại trong giới nghề mà ông kể có thể viết nên cả một pho sử âm nhạc cổ truyền của thế kỷ”. Ông cũng đã từng mang âm nhạc dân tộc qua Nhật, qua Mỹ biểu diễn. 

NSUT KIm Sinh trò chuyện bằng tiếng đàn.

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tìm đến Kim Sinh để hiểu về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng NSƯT Kim Sinh đã sống và chết trong nghèo khó. Gia tài của ông chỉ có những cây đàn. Cái chết của ông có khiến chúng ta chạnh lòng? Nhiều năm nay, ta đã nói quá nhiều về cơ chế đãi ngộ đối với các nghệ nhân, những người đang nắm giữ trong tay gia tài quý giá của nghệ thuật truyền thống. Nhưng chúng ta đã làm gì cho họ. Những “báu vật” dân gian  lần lượt ra đi, chúng ta mới giật mình.

NSƯT Vũ Hà đã viết rằng: “Nghe tin Cụ Kim Sinh ra đi trong lặng lẽ mà tôi thấy thật tiếc cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, tiếc cho một đời người, tiếc cho một tài năng hiếm có của nền âm nhạc dân tộc miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Tiếng tăm của cụ đã vượt qua khỏi biên giới bằng chứng cách đây hai năm tôi có gặp một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Đài Loan, biết tiếng nghệ sĩ Kim Sinh. Cô ấy từng đích thân qua Hà Nội để xin được học đàn kìm với ông. Và cô rất ngạc nhiên khi thấy ông sống trong một ngôi nhà quá tồi tàn và hỏi rằng ở nước mình có chế độ đãi ngộ gì không?”. 

Những nghệ nhân lớn tuổi như Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ đều sống và chết trong chật vật, nghèo khó. Chúng ta hô hào bảo tồn di sản. Nhưng chúng ta lại thờ ơ với những nhân chứng sống đang nắm giữ trong mình di sản. Chính cụ Kim Sinh khi còn sống đã nói với tôi rằng: “Tất cả những giá trị cổ truyền, còn hay mất, đúng hướng hay không là do các nghệ nhân dân gian lưu giữ. Chúng ta không biết quý trọng họ mà chỉ lo làm hồ sơ UNESCO. Mọi người đang muốn nuôi cây xanh trong phòng nhiệt đới. Nghệ thuật truyền thống đang bị mai  một. Làm thế nào để cấy vào giới trẻ chất dân tộc, chỉ người Việt mới có. Tôi thấy không ai lo điều đó cả mà chỉ lo cải cách, lo phong trào”…

Nỗi lo của cụ Kim Sinh bao năm nay, vẫn còn nguyên ở đó. Tôi muốn mượn lời nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền viết về cụ “Cả một thời hoàng kim rực rỡ ánh đèn sân khấu, nay đã trở thành hoài niệm. Hoàng hôn đời bố Sinh tôi màu gì? Ai dám nói? Một kiếp đại danh cầm cổ nhạc đất Bắc, vậy đó”!

Âu cũng trọn một kiếp người. Ồn ào hay lặng lẽ, thì ông cũng đã sống trọn một kiếp nghệ sĩ đam mê. Chắc hẳn, sinh ra ông đã chọn sự lặng lẽ rồi.  Chỉ tiếc cho những người đang sống, đã quá thờ ơ, để rồi giờ, có chăng, ngồi ngậm ngùi, tiếc nuối và kêu gọi bảo tồn. 

Hạnh Nguyên

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, theo quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, bắt giữ thêm 1 Phó Tổng biên tập và 2 phóng viên của tạp chí này.

Ít ai ngờ, nữ cán bộ Công an với dáng người có phần mảnh khảnh ấy lại trực tiếp tham gia đấu tranh trên trăm vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn. Nữ cán bộ ấy chính là Thiếu tá Trần Tú Huy, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra án kinh tế, tham nhũng, môi trường trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại và các lĩnh vực khác – Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi.

Câu chuyện về cuộc chia ly giữa huấn luyện viên Park Chung-gun và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã tạo hiệu ứng dư luận không đáng có. Đây là lúc có hai việc cần làm rõ: Vì sao đôi bên không gia hạn hợp đồng, và đâu là nguyên nhân khiến câu chuyện bị đẩy ra xa?

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng CAND, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.

Chiều 26/9 tại Hà Nội, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp Trưởng Đại diện Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương Masood Karimipour. Cùng dự có bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam.

Ít ngày nữa thôi, hơn 40 phạm nhân của Trại giam Thanh Lâm sẽ được trở về bên gia đình, người thân. Lớp học tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá đang học những ngày cuối cùng với các kỹ năng cần thiết để các phạm nhân đủ hành trang trở lại cộng đồng.

Chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Những doanh nghiệp (DN) không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường xuất khẩu (XK). Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ DN thích nghi với cuộc chơi mới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文