Cần thêm nhiều cơ hội cho tài năng sân khấu kịch nói
- Sân khấu kịch nói: Vẫn khắc khoải chờ thêm nhiều làn gió mới
- Sân khấu kịch nói theo mô hình xã hội hóa TP HCM: Cánh chim đầu đàn “chao đảo”?
Những ngày giữa tháng 12, khán giả yêu sân khấu Thủ đô Hà Nội có dịp chứng kiến cuộc so tài nhiều kịch tính của 63 gương mặt trẻ trong cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc 2020. Đây cũng là một trong những cuộc thi tài năng có sự tham gia của đông đảo thí sinh nhất được tổ chức trong năm 2020.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các đơn vị kịch xã hội hóa đã mang đến 17 tiết mục dự thi với 25 thí sinh tham dự. Một số đơn vị, nhà hát đăng ký dự thi với số lượng diễn viên trẻ cao như Nhà hát Kịch Hà Nội có 9 thí sinh, Nhà hát Kịch Việt Nam 9 thí sinh, Sân khấu Kịch Quốc Thảo (TP Hồ Chí Minh) 9 thí sinh, Nhà hát Tuổi trẻ với 7 thí sinh…
Một trong số các trích đoạn dự thi Tài năng trẻ sân khấu kịch nói toàn quốc 2020. |
Đánh giá về cuộc thi năm nay, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo NSND Trần Minh Ngọc khẳng định: Cuộc thi lần này thực sự mang tính chất toàn quốc với sự tham gia của hơn 60 diễn viên thuộc 15 đơn vị nhà nước, tư nhân, xã hội hóa từ các sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, các công ty nghệ thuật, từ tỉnh Thanh Hóa miền Trung và đặc biệt các nhà hát quốc gia như Nhà hát Quân đội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội…
Sàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ đã là nơi thăng hoa của 50 trích đoạn được chọn lựa từ kịch mục trong nước và thế giới, từ cổ đại đến hiện đại. Khán giả được tiếp cận với nhiều nhân vật sân khấu nổi tiếng qua mọi thời đại, những nhân vật lịch sử thế giới và Việt Nam, những nhân vật kinh điển, đương đại và hiện đại của lịch sử sân khấu. Nhiều nhân vật đã từng là mơ ước của các thế hệ diễn viên kịch nói hôm nay.
“Với tư cách là khán giả, chúng tôi đã thấy rất rõ niềm đam mê được sống với nhân vật trên sàn diễn, thấy được tình yêu mãnh liệt mà các bạn trẻ dành cho nghệ thuật biểu diễn, thấy được những cảm xúc với nhiều cung bậc được nghệ sĩ sân khấu thể hiện hết mình, “cháy hết mình” như các bạn thường nói. Và hơn hết là những tìm tòi, sáng tạo những xu thế đối với “cái mới” trong xây dựng hình tượng các nhân vật. Đã xuất hiện những hình thức “lạ”, những “bất ngờ” trong xử lý tình huống. “Cái mới” luôn đi cùng với “cái đẹp” trên sân khấu cuộc thi. Điều này chứng tỏ chúng ta đang cố gắng nâng tầm trình độ chuyên nghiệp của nghề diễn”, NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Cũng theo NSND Trần Minh Ngọc, thực tế cuộc thi cho thấy, sân khấu kịch nói đang tồn tại 2 xu hướng. Nhiều khán giả đến sân khấu để thưởng thức nghệ thuật nhưng cũng có nhiều khán giả đến sân khấu để giải trí. Sân khấu phía Bắc nghiêng về thưởng thức. Sân khấu phía Nam nghiêng về sân khấu giải trí.
Từ người xem, cách xem, thú xem, sân khấu kịch nói đang hình thành 2 khuynh hướng diễn: Lối diễn hướng nội (miền Bắc) và lối diễn hướng ngoại (miền Nam). Đây cũng là sở trường và sở đoản của người nghệ sĩ biểu diễn. Tuy nhiên, nếu làm tốt, làm hay thì dù theo cách nào cũng vẫn đạt được hiệu quả giống nhau, như nhau. Chất lượng cuộc thi cho thấy các đơn vị nhà hát đã tích cực đầu tư cho sự hình thành và kết quả của các tác phẩm dự thi.
Tuy nhiên, không ít lãnh đạo, quản lý các đơn vị sân khấu và cả nghệ sĩ lại không hẳn lạc quan về tương lai của các tài năng sân khấu nói chung, sân khấu kịch nói nói riêng. Để đội ngũ này phát triển xứng tầm thì sân khấu kịch nói cần có những “cú hích” mới.
Như chia sẻ của NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì sân khấu kịch nói vẫn đang rất khó khăn. Muốn phát huy và phát triển tài năng của các nghệ sĩ trẻ, các nhà quản lý phải có những định hướng chiến lược lâu dài. Chưa kể, muốn thu hút và “giữ chân” nhân tài, sân khấu kịch nói phải có cách để nâng cao đời sống của nghệ sĩ, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, giao quyền tự chủ để tuyển người…
Nghệ sĩ phải được diễn nhiều, diễn liên tục, thù lao từ những đêm diễn xứng đáng, được tôn vinh trên sân khấu thì họ sẽ sống hết mình với các nhân vật, sống trong sự yêu mến của khán giả, có được thương hiệu nghệ thuật riêng. Nhưng hiện nay, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật vẫn bị khống chế chi tiêu, khống chế nhân sự và còn rất nhiều vướng mắc khác nữa. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, kể cả từ khâu tổ chức thì khó thu hút và giữ được diễn viên trẻ có tài gắn bó với sân khấu hiện nay.