Những nghi ngờ khuất tất trong cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam

10:14 22/09/2017
Ngày 21-9, tại Hội Điện ảnh Việt Nam, đông đảo các văn nghệ sĩ tiếp tục có những phản ứng quyết liệt quanh hoạt động cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và hoạt động điều hành của ban lãnh đạo mới sau khi hãng được cổ phần hóa.

Cùng thời điểm này, tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái và đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ cũng đã có buổi trao đổi với báo chí quanh vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản có thực hiện được trách nhiệm giám sát công ty cổ phần hay không thì chưa có câu trả lời xác đáng.

Tiếp tục nghi ngờ có khuất tất trong cổ phần hóa hãng phim

Mặc dù trước đó, Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso, chủ đầu tư chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam một mực khẳng định chủ trương đầu tư hoạt động sản xuất phim và các dịch vụ điện ảnh khác, không có chuyện cho thuê đất làm nhà hàng và quá trình cổ phần hóa đều đúng pháp luật, nhưng trong buổi gặp báo chí tại Hội Điện ảnh Việt Nam, phần lớn các nghệ sĩ cho rằng, cổ phần hóa đã biến Hãng phim truyện Việt Nam thành “cái chợ”.

Vivaso không hề có ý định phát triển ngành phim mà chỉ tìm cách trục lợi, kinh doanh trên mảnh đất vàng của hãng. Trong buổi họp này, các nghệ sĩ đã công bố khá nhiều clip do các nghệ sĩ nổi tiếng thế hệ trước từ miền Nam gửi ra: NSND Trà Giang, NSND Thế Anh… Các nghệ sĩ đều bày tỏ xót xa trước thực trạng của hãng phim. Nhiều ý kiến cho rằng cổ phần hóa như thế này là “vắt chanh bỏ vỏ”, thậm chí họ vô cùng tức giận vì phòng biên kịch bị biến thành quán bán chân gà nướng, đạo cụ bị vứt ra đường...

Các nghệ sĩ cho rằng, cổ phần hóa hãng phim không thỏa đáng, thiếu minh bạch, cần xem xét lại quá trình cổ phần hóa này, đặc biệt là định giá tài sản hãng phim. Với khu đất 5.000m2 vị trí đắc địa, 7.000m2 đất ở Cổ Loa, đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng là rất vô lý. Vì vậy các nghệ sĩ nghi ngờ có sự khuất tất từ cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đầu tư để hạ thấp giá.

Trong buổi gặp mặt báo chí tại Hội Điện ảnh Việt Nam, hầu hết ý kiến của các nghệ sĩ đều cho rằng doanh nghiệp mua lại hãng không hề hiểu về điện ảnh và có những đối xử “tệ bạc” với người làm điện ảnh, với những giá trị của điện ảnh được lưu lại trong hãng.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, vì bận công việc không thể đến dự trực tiếp cũng gửi tâm thư phân tích và đưa dẫn chứng rất cụ thể. Theo ông Vũ, hoạt động của công ty mới rất không ổn. Đầu tiên là những quyết định của Ban lãnh đạo về thành lập đoàn phim "Người yêu ơi". Không chỉ bất cập về êkip thực hiện mà còn vô lý về thời gian thực hiện. Ban lãnh đạo yêu cầu bộ phim phải hoàn thiện trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng kể từ khi họ ký quyết định đó, trong khi đoàn phim còn chưa đi chọn cảnh, chưa casting diễn viên và kịch bản phân cảnh vẫn đang sửa.

Tại cuộc họp khối nghệ thuật với Hội đồng quản trị, ông Vũ đã nói rõ những vấn đề này nhưng rồi không có gì thay đổi. Khi lãnh đạo công ty đề nghị thành lập Hội đồng thẩm định và phát triển dự án phim của hãng, các nghệ sĩ đã rất hào hứng làm việc, nhưng bầu xong đã 2 tháng mà không có hồi âm. Mãi đến ngày 19-9, lãnh đạo mới cho biết là làm sai nguyên tắc. Nếu làm sai, tại sao lãnh đạo không nhắc nhở ngay mà phải đến khi báo chí vào cuộc rồi mới trách các nghệ sĩ “không đóng cửa bảo nhau trước”.

Đạo diễn Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, Hội đã nắm được thông tin tương đối đầy đủ. Hội Điện ảnh phát hiện ra 3 vấn đề cần xem xét và đã gửi văn bản đến các Bộ, ngành liên quan từ chiều 19-9: Ứng xử của nhà đầu tư với nghệ sĩ có nhiều điểm không chấp nhận được; vấn đề thương hiệu và quy định, quy trình cổ phần hóa xác định các giá trị nhà cửa, thiết bị máy móc, đất cần xem xét lại.

Ông Hải nhấn mạnh, quy định pháp luật ghi nhà đầu tư phải bảo đảm quyền lợi của người lao động. Trách nhiệm duy trì phát triển nghề nghiệp cũng là một phần quan trọng, cần làm ngay. Nếu đánh giá thương hiệu bằng 0 tức là toàn bộ sản phẩm ấy bằng 0 là vô lý. Phải xác định quyền sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sau đó mới bình, đánh giá thẩm định về giá.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng chia sẻ: “Chúng tôi đều mong muốn mọi chuyện tốt đẹp, tiếp tục thừa kế những gì tốt đẹp và sửa chữa những gì còn tồn đọng để cho phim truyện Việt Nam ngày càng tiến lên, làm được nhiều phim phục vụ xã hội. Nhưng cực chẳng đã chúng tôi đành phải mất nhiều công sức để kêu cứu đến các nhà báo. Sau buổi họp ngày hôm nay, chúng tôi sẽ lĩnh hội ý kiến của mọi người, sẽ báo cáo lại với Phó Thủ tướng về vụ việc này”.

Nghệ sĩ hãng phim truyện Việt Nam tố ban lãnh đạo mới không biết điều hành hoạt động của đơn vị hoạt động điện ảnh.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nghệ sĩ chưa hiểu đúng nhiều vấn đề

Trao đổi về những tranh cãi gay gắt tại Hãng phim truyện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, mối nghi ngờ chủ đầu tư chiến lược mua hãng phim không vì mục đích sản xuất phim và làm dịch vụ điện ảnh mà vì trụ sở của hãng đang nằm trên khu đất vàng của Hà Nội là không có cơ sở. Lý do, các khu đất của hãng, trong đó có khu đất đang làm trụ sở chính của hãng (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) là đất thuê của Nhà nước.

Trong suốt 20 năm qua, hãng đều hoạt động thua lỗ, không có tiền trả phí thuê đất nên Bộ liên tục phải làm công văn, đề nghị Hà Nội cho hoãn nợ tiền thuê đất. Khi cổ phần hóa, số tiền nợ của hãng lên đến trên 21 tỷ đồng. Bộ biết hãng vẫn phải dùng tiền đầu tư sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng để trả lương cho cán bộ công nhân viên nhưng không xử lý vì biết rằng nếu siết lại, hãng sẽ không tồn tại được. Thực tế, lương trả cho các cán bộ công nhân viên của hãng những năm qua chỉ bằng một nửa lương cơ bản theo quy định.

Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, hiện vẫn chưa hoàn tất các quy trình cổ phần hóa. Phải đợi sau khi hoàn tất xác định được giá trị doanh nghiệp lần thứ 2 thì hãng mới chính thức trở thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Việc xác định giá trị doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật vẫn chưa xong nên hoạt động điều hành hiện nay mới chỉ là tạm thời.

Đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định hoạt động cổ phần hóa hãng phim đúng quy trình, đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, còn việc có khuất tất hay không thì Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ.

Về những mâu thuẫn trong hãng phim sau cổ phần hóa, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với chủ đầu tư chiến lược và các nghệ sĩ. Trong buổi gặp này, đại diện chủ đầu tư thừa nhận còn nhiều hạn chế trong thực hiện điều hành và sẽ rút kinh nghiệm. Bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư trả lương cho cán bộ công nhân viên của hãng trong 3 tháng: 7, 8, 9 năm 2017. Sau 3 tháng này, điều chỉnh lương sẽ theo cơ chế mới. Cơ chế điều hành hoạt động của công ty cũng cần có quy trình, việc thay đổi phải có lộ trình, phải thông báo rõ ràng với mọi người. Chủ đầu tư đã cam kết sẽ thực hiện đúng các yêu cầu này. Việc thực hiện như thế nào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giám sát chặt chẽ.

Nhiều lo lắng cho số phận hãng phim

Cũng theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, chủ đầu tư chiến lược đã cam kết 90% hoạt động của hãng phim sau cổ phần hóa là hoạt động sản xuất phim và các dịch vụ điện ảnh. Hiện tại, Bộ vẫn giữ trên 28% cổ phần của công ty. Theo quy định của pháp luật, cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giám sát hoạt động của công ty cổ phần trong 5 năm.

Nếu chủ đầu tư không theo đúng cam kết thì việc cổ phần hãng phim sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chủ đầu tư cũng không thể sử dụng khu đất của hãng vào mục đích khác vì nếu sử dụng sai so với mục đích thuê đất, các khu đất sẽ bị thu hồi, thậm chí bị phạt.

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu về trách nhiệm giám sát hoạt động của hãng phim sau khi cổ phần hóa. Bộ chủ trì thực hiện cổ phần hóa hãng phim, có trách nhiệm giám sát hoạt động của hãng sau đó nhưng các kiến nghị của nghệ sĩ đều chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bộ không nắm được những bất cập trong hoạt động điều hành của ban lãnh đạo mới, chỉ khi báo chí quyết liệt vào cuộc, Bộ mới có động thái can thiệp.

Hiện hãng mới cổ phần được 2 tháng mà đã như thế nên không ai dám chắc trong 5 năm, trách nhiệm giám sát này sẽ được thực hiện hiệu quả. Chưa kể trường hợp, công ty cổ phần tồn tại lay lắt, hết thời hạn 5 năm chịu sự giám sát của Bộ, “số phận” của người làm điện ảnh sẽ trôi về đâu và công ty có giữ đúng định hướng phát triển như khi cổ phần hóa hay không vẫn là những lo lắng không phải không có cơ sở.                       

Hoa Nguyễn

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文