Chuyện vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng kiên trung

17:28 06/05/2020

Không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, những chiến sĩ cách mạng kiên trung quyết tâm trở về với cách mạng, với nhân dân. Các cuộc vượt ngục của những người con ưu tú yêu nước năm xưa được chuyển tải sinh động qua trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” do Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa lò thực hiện nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.



Phần đầu tiên của triển lãm có chủ đề “Xiềng xích”, giới thiệu các tư liệu, hình ảnh phản ánh cuộc sống cùng cực của người Việt Nam dưới chế độ thực dân, đế quốc. Trong màn đêm tăm tối, dân tộc Việt Nam phải gồng mình chống đỡ những chính sách bóc lột, nô dịch, khủng bố nặng nề. Hệ thống công cụ đàn áp liên hoàn gồm: Tòa án, Sở mật thám, Nhà tù được chính quyền thực dân, đế quốc thiết lập khắp các địa phương. 

Thiết kế không gian trưng bày "Khát vọng tự do"

Giữa chốn “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc, kẻ thù cho thi hành chế độ sinh hoạt và lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí những người Việt Nam yêu nước. Nhưng, các chiến sĩ cách mạng vẫn như những cánh chim khao khát tự do, quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo.

Hàng loạt hành trình vượt ngục đặc biệt của các chiến sĩ cách mạng kiên trung được tái hiện lại trong phần 2, chủ đề “Tung cánh giữa màn đêm”. Tại đây, người xem sẽ có dịp tìm hiểu về những cuộc vượt ngục “thần kỳ” của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1932, 1945, 1951 bằng các hình thức: Thăng thiên (trèo tường), Độn thổ (chui cống ngầm) và Vuốt râu hùm (đi qua cửa ngục). 

Trưng bày "Khát vọng tự do"

Với nhà tù Sơn La, Ban Quản lý Di tích Hỏa Lò đặc biệt tập trung giới thiệu hai cuộc vượt ngục vào năm 1941 và năm 1943. Hàng loạt các cuộc vượt ngục giữa khơi xa của các chiến sĩ cộng sản tại Nhà tù Côn Đảo, Trại Giam Tù binh Phú Quốc cũng được “kể” một cách sinh động, không chỉ qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật mà còn là những chia sẻ cụ thể của nhiều nhân chứng lịch sử. 

Tại triển lãm, người xem còn có dịp tìm hiểu về rất nhiều cuộc vượt ngục khác của các chiến sĩ cách mạng tại các nhà tù địa phương như Bắc Ninh, Chợ Chu (Thái Nguyên),  Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt… Trong đó, có những cuộc vượt ngục không thành công, nhiều đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, nơi rừng sâu, núi thẳm, bị bắt và bị địch giết hại ngay sau đó. Nhưng, cũng có không ít người đã trở về với cách mạng, với nhân dân, tiếp tục tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Pano về nhà tù Côn Đảo - một trong những "địa ngục trần gian" năm xưa

Dịp này, nhiều tài liệu liên quan đến các cuộc vượt ngục và những kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa được giới thiệu đến đông đảo công chúng. Trong đó có thanh kiếm mà bộ đội Quân giới tặng đồng chí Nguyễn Văn Trân (tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1940) khi đồng chí giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội; ghi chép của đồng chí Nguyễn Hà Long và đồng đội trong thời gian hoạt động tại Phú Quốc từ năm 1969 - 1972.

Tại phần cuối của triển lãm – “Khúc ca hòa bình”, người xem “gặp lại” 12 nhân vật, 12 cựu tù chính trị năm xưa đã vượt ngục thành công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sau đó tiếp tục đóng góp sức lực vào các phong trào cách mạng. Trong đó,  đồng chí Nguyễn Lương Bằng là Tổng giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Liên Xô cũ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Chủ tịch nước. 

Thanh kiếm do bộ đội Quân giới tặng bác Nguyễn Văn Trân - người bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1940

Đồng chí Đỗ Mười từng đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương  Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử giữ các chức vụ Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Bí thư Trung ương Đảng khoá III, Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII, Bí thư Thành ủy Hà Nội (1946 - 1947; 1965 - 1974). 

Đồng chí Lê Trọng Nghĩa từng “một mình vào Dinh Khâm sai” gặp Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại để nắm bắt tư tưởng và vận động ủng hộ Mặt trận Việt Minh, từng giữ cương vị Cục trưởng Cục tình báo, Bộ Quốc phòng (1952-1968). Ngoài ra còn có Bí thư Trung ương lâm thời Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam – đồng chí Hoàng Ngân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng,Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.

Pano về nhà tù Phú Quốc tại triển lãm 

Dự kiến, vào ngày 14-5, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, khách tham quan có dịp gặp và giao lưu với khá nhiều nhân chứng lịch sử, đã trực tiếp tham gia vào các cuộc vượt ngục và thân nhân của những chiến sĩ cách mạng từng đã tham gia vượt ngục năm xưa: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, người phá ngục Trại giam Phú Bài tháng 3-1945; ông Nguyễn Hà Long, thương binh 2/4, người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, Trại giam tù binh Phú Quốc đêm 19-1-1969; ông Đỗ Trọng Dư, “chuyên gia” làm xẻng, nắp hầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc…


N.Nguyễn

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, tổ chức tại Bogota, Colombia, vào đầu tháng 11/2024, đã thu hút sự tham gia của hơn 130 quốc gia và 80 bộ trưởng. Đây là sự kiện mang tính lịch sử, tạo cơ hội thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực.

Càng về cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và trộm cắp tài sản trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) càng diễn biến phức tạp và tăng mạnh. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và thường rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文