Có nên dừng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam?

10:15 25/10/2017
Liên quan đến câu chuyện cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam gây nhiều tranh cãi thời gian qua, mới đây, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam đã kiến nghị với Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Nên để hãng phim dừng cổ phần hóa và liên kết với các đơn vị khác của ngành Điện ảnh, tạo thành Trung tâm Điện ảnh Quốc gia.

Trong nội dung kiến nghị, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát khẳng định, Hội Điện ảnh Việt Nam đã phối hợp tìm hiểu cùng các nghệ sĩ và xác định hoạt động cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam có nhiều sai phạm. Theo quy định, ban tổ chức phải thông báo cổ phần hóa trên báo Trung ương và báo địa phương, nhưng trường hợp này lại chỉ có thông báo nhỏ trên báo địa phương.

Hãng phim truyện Việt Nam được một số ý kiến đề nghị không tiếp tục cổ phần hóa.

Để tiến hành cổ phần hóa phải có 3 nhà đầu tư chiến lược tham gia để cạnh tranh nhau và chọn ra nhà đầu tư xứng đáng, nhưng ở đây chỉ có VIVASO nên không có sự lựa chọn nào khác. Mặc dù chưa có văn bản trả lời của UBND thành phố Hà Nội về sử dụng đất mà hãng phim đang được giao sử dụng, ban tổ chức đã công bố cổ phần. Đất lại thuộc nhiều loại, nơi có sổ đỏ, nơi chưa có, mà xác định giá trị bằng 0 là sai.

Hãng phim có lịch sử lâu đời, từng có nhiều tác phẩm điện ảnh đóng góp lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ đất nước mà định giá bằng 0 là sai và xúc phạm nghệ sĩ, phủ nhận giá trị lao động nghệ thuật của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ trong suốt 60 năm qua.

Theo quy trình, đến tháng 6-2018, cổ phần hóa hãng phim mới xong, chưa có quyết định công nhận VIVASO là ông chủ mới nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã để họ làm chủ.

Để giải quyết vấn đề nói trên, bà Ngát kiến nghị Nhà nước không nên cổ phần hóa bằng được hãng phim truyện Việt Nam, mà có cơ chế riêng với các nghệ sĩ trong hãng. Bà Ngát cũng khẳng định, 20 năm qua, hãng chưa hề lấy một đồng lương nào từ ngân sách Nhà nước. Kinh phí để duy trì hoạt động hãng là do nghệ sĩ làm thuê cho Nhà nước và làm phim cho bên ngoài để phát lương cho nhau. Nghệ sĩ cũng đã từng xác định cổ phần hóa là không thể tránh được nhưng cổ phần hóa như thế nào cho hợp lý.

Nên chăng xóa sổ cổ phần hóa cũ vì nếu VIVASO ngồi lại thì các nghệ sĩ ra đi hoặc nghệ sĩ ở lại thì VIVASO ra đi, hai bên đối kháng không thể hòa hợp được. Nếu cổ phần thì cổ phần lại một cách minh bạch. Nếu không phải cổ phần thì chọn hướng thứ hai là Nhà nước thành lập Trung tâm Điện ảnh Quốc gia, trong đó có hãng phim truyện Việt Nam, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trường quay Cổ Loa, Trung tâm kỹ thuật.

Tất cả liên kết cùng với nhau để tạo thành thể thống nhất có sức mạnh, sản xuất có đầu ra, có trường quay, có hệ thống kỹ thuật để sử dụng thành guồng máy sản xuất hoàn chỉnh, có đầu vào, đầu ra. Tất nhiên Nhà nước sẽ phải đầu tư ban đầu và có thể vốn đầu tư khá lớn. Thực tế hiện nay, việc để 4 đơn vị nói trên  hoạt động riêng nên rất manh mún. Nếu tập hợp lại thì sức mạnh tập thể, dựa vào nhau để hoạt động, trường quay Cổ Loa có thể nâng lên thành trường quay cho hãng phim trong nước mà cả nước ngoài thuê.

Trao đổi về kiến nghị của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ông Ngô Xuân Thành, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra hoạt động cổ phần hóa hãng phim nên vẫn phải chờ kết quả làm việc của đoàn. Cũng theo ông Thành, thời gian qua, các nghệ sĩ nói rất nhiều về vai trò của điện ảnh nước nhà, của hãng phim, điều này ai cũng chia sẻ, đồng cảm.

Mục tiêu của cổ phần hóa là để góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh nhưng không phải cổ phần hóa các doanh nghiệp bằng mọi giá. Nếu nghệ sĩ thấy định giá thương hiệu hãng phim bằng 0, giá đất hãng được giao sử dụng bằng 0 có vấn đề thì kiến nghị ngay từ đầu và xem các cơ quan tham mưu phê duyệt quyết định này có kiến nghị, đề xuất như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chia sẻ, với kinh nghiệm của một người làm công tác nghiên cứu, theo dõi cổ phần hóa từ năm 1993 đến bây giờ, ông có thể khẳng định, việc coi hãng phim truyện Việt Nam là doanh nghiệp là nhận định chưa chuẩn.

Các nghệ sĩ cứ bức xúc nói hãng phim có lịch sử lâu năm, là nơi sản xuất hàng loạt phim nổi tiếng ngày xưa nhưng chúng ta đang sống trong hiện tại và tương lai, không thể gặm nhấm quá khứ được. Người trong cuộc cũng nên tự trách mình trước. Khi đã xác định là doanh nghiệp thì chúng ta phải chịu chi phối bởi một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với một doanh nghiệp. Nếu xác định hãng phim là đơn vị sự nghiệp công thì việc cổ phần hóa là sai.

Vấn đề thứ hai liên quan đến cổ phần hóa là đến thời điểm hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đúng các văn bản pháp quy của Nhà nước hiện hành. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, chúng ta làm việc với nhau phải theo luật chứ không thể nói với nhau dựa theo kết quả ngoại suy như kiểu đất này là đất vàng, là đất kim cương. Cổ phần hóa hãng phim đúng lý, nhưng sai tình khi chọn nhà đầu tư không nằm trong lĩnh vực điện ảnh, mặc dù họ có tiềm năng kinh tế.

Nếu các nghệ sĩ muốn hãng thành doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp công cũng phải xem lại Luật Doanh nghiệp 2014, quyết định của Thủ tướng về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đi tìm “Mạnh Thường Quân” hoặc một người đủ can đảm dấn thân đấu tranh vì quyền lợi chung của nghệ sĩ để “đứng mũi chịu sào”, thuê luật sư chuyên về lĩnh vực này.

Ông Kiên cũng cho biết: “Hiện nay đang trong quá trình thanh tra cổ phần hóa hãng phim nên chúng tôi chưa có ý kiến. Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, chúng tôi có trách nhiệm xem xét, kiến nghị với Chính phủ…”.

Ngọc Nguyễn

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文