Di tích Hải Vân quan sắp thoát cảnh phế tích

10:26 20/11/2016
Sau một thời gian dài Di tích Hải Vân quan bị “bỏ quên”, ngành Du lịch TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chịu ngồi lại với nhau để bàn việc gìn giữ, bảo tồn di tích này.

Hai địa phương cũng thống nhất lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận Hải Vân quan là Di tích Lịch sử cấp quốc gia trong năm 2017. Đây là bước khởi đầu để trả lại sự quang rạng của một di tích lịch sử mang tầm vóc to lớn gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi của cha ông…

Kể từ khi công trình hầm đường bộ dài hơn 6km xuyên lòng núi khánh thành, đưa vào sử dụng năm 2005, con đường thiên lý Bắc Nam đoạn qua đèo Hải Vân không còn tấp nập xe cộ như trước. Dường như, chủ yếu vẫn là du khách thích trải nghiệm trên những cung đường đèo Hải Vân quanh co, bảng lảng trong sương sớm, mây chiều…

Di tích Hải Vân quan chính là một ải cũ nằm án ngữ con đường đèo kỳ vĩ, cũng là mốc giới hành chính giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Người xưa đã không tiếc lời ca tụng sự kỳ vĩ của đèo Hải Vân. Nhà thơ Cao Bá Quát từng thảng thốt: “Nhất bích ngưng vi giới, trùng vân nhiễu tác thành” (Tạm dịch: Một vùng xanh biếc khắp. Vô vàn mây dựng thành). Sách “Phủ biên tạp lục” của nhà sử học Lê Quý Đôn cũng miêu tả: “Hải Vân chân là biển, đỉnh giáp mây”…

Đèo Hải Vân có vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng nên năm 1307, sau khi sáp nhập vùng đất Châu Rí (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế) vào Đại Việt, nhà Trần đã lập quan ải ở đỉnh đèo, giáp với Chiêm Thành để trông coi, gọi là Ải Vân (ải trên mây, sau này mới có tên là Hải Vân).

Nơi đây cũng chứng kiến bao biến thiên của lịch sử, những trận đánh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Sử sách còn ghi lại, vào năm 1471, trên đường chinh phạt Chiêm Thành trở về qua đỉnh đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông đã sững sờ trước cảnh đẹp và vị trí hiểm yếu của nơi này nên đã phong tặng nơi đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Hằng ngày, có rất nhiều du khách tham quan di tích Hải Vân quan.

Đến thời nhà Nguyễn, khi Huế được chọn làm kinh đô của đất nước, dãy Hải Vân càng được xem là một vị trí trọng yếu, một khu vực chiến lược trong phòng vệ, bảo vệ kinh kỳ. Năm 1826, vua Minh Mạng (1791-1841) cho sửa sang, mở rộng, lót đá đường đèo Hải Vân và xây ngôi thành bằng gạch nung trên nền của ải cũ thời Trần làm nơi quan binh đồn trú. Cổng phía Nam của ải có khắc 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, của hướng Bắc khắc ba chữ “Hải Vân quan”.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đèo Hải Vân là một trong những nơi từng xảy ra giao tranh ác liệt giữa bộ đội và quân giặc, với những trận đánh khiến địch kinh hoàng…

Với bao giá trị về văn hoá, lịch sử, về cảnh quan như vậy nhưng hàng chục năm qua, Hải Vân quan như một phế tích, “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Những người am hiểu lịch sử, những du khách ưa khám phá khi đến Hải Vân quan không thể kìm nỗi cảm thán khi thấy di tích ngày càng xuống cấp do không được giữ gìn, tu bổ. Chỉ cách di tích vài chục mét là một trụ điện cao thế với mớ dây nhợ đập vào xốn mắt.

Hằng ngày có rất đông du khách đến tham quan Hải Vân quan, tuy nhiên lại không có cơ quan nào đứng ra quản lý. Không ít du khách thiếu ý thức viết vẽ bậy, xả rác… trong khu di tích. Những hình ảnh xót xa ấy tồn tại bởi sự thiếu trách nhiệm với một di tích lịch sử nước nhà.

Ngày 17-11 vừa qua, thực trạng đáng buồn diễn ra tại di tích Hải Vân quan đã được nhìn nhận, mổ xẻ ngay trong buổi làm việc giữa hai ngành Văn hóa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguyên nhân của vấn đề trên được đổ cho sự nhập nhằng về địa giới hành chính giữa TP Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Và, theo biên bản ghi nhớ tại buổi làm việc, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sẽ cùng phối hợp với Trung tâm Quản lý Di sản TP Đà Nẵng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL xếp hạng Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng phương án bảo tồn và quản lý di tích này theo Luật Di sản, ngăn chặn tình trạng xuống cấp và xâm hại di tích. Hai địa phương cũng sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch để quản lý, quảng bá khu di tích, gắn liền với việc phát triển du lịch.

Lãnh đạo ngành Văn hoá của hai địa phương đã nhìn nhận Hải Vân quan là di tích lịch sử quan trọng của cả nước chứ không riêng gì của Đà Nẵng hay Thừa Thiên - Huế. Bảo tồn và phát huy di tích Hải Vân quan là trách nhiệm của hậu thế đối với di sản của cha ông. Các nhà nghiên cứu, các nhà sử học và những người quan tâm đến Hải Vân quan hy vọng di tích này sẽ thoát cảnh phế tích khi cơ quan chức năng của hai địa phương đã ngồi lại để cùng bàn bạc.

Việc “cứu” di tích Hải Vân quan đến bây giờ mới bắt đầu là quá trễ; nhưng thà trễ còn hơn không!

Thân Lai

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文