Di tích bãi cọc Cao Quỳ làm sáng tỏ hơn về chiến thắng Bạch Đằng

18:15 21/12/2019
Đó là khẳng định của các nhà khoa học và chuyên gia tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng vào sáng 21 -12. Đây là những chứng tích không chỉ làm sáng tỏ hơn không gian của chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288, mà còn cho thấy nghệ thuật quân sự tài tình của Trần Hưng Đạo.

Minh chứng cho một trận địa cổ

Với chiều dài khoảng 20 km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu, sông Bạch Đằng trong thời kỳ phong kiến luôn giữ trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy. Trên dòng sông này, từ thế kỷ thứ X đến XIII, đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam.

Đó là chiến thắng năm 938 của Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Tiếp đến năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đánh bại quân Tống sang xâm lược, bảo vệ nên độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Cuối cùng là vào năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một trận địa cọc hùng vĩ dọc 2 bên sông Bạch Đằng, tiêu diệt bắt sốc đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông, với 600 chiến thuyền, 40 nghìn quân, do Ô Mã Nhi chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc ta.

Bãi cọc Cao Quỳ phát lộ mở ra nghiên cứu mới về chiến thắng Bạch Đằng.

Trong cả 3 trận chiến hào hùng đó, địa phận thuộc TP Hải phòng ngay nay là một trong những địa bàn trọng yếu. Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên ngày nay chính là nơi giăng đầy những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh của các vị chủ soái, là nơi tích trữ lương thảo, bày binh bố trận và là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh. Theo đó trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân Hải Phòng đều rất mong muốn tìm thấy một phần của  trận địa cọc năm xưa trên mảnh đất Hải Phòng.

Đến đầu tháng 10 vừa qua, người dân địa phương trong lúc đào đất tại cánh tại vùng đê bao sông Đá Bạc, thuộc thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê đã bất ngờ phát hiện 2 thân gỗ chôn sâu dưới lòng đất. Bảo tàng Hải Phòng sau đó đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra, lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) giám định niên đại. Đến đầu tháng 11 vừa qua, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục xuống hiện trường và phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD. Theo đó Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ.

Trong quá trình khai quật, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, bến cổ thuộc xã Liên Khê, được biết cách đây khoảng 30 năm, khi canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ, nhiều người dân cũng đã phát hiện được hàng chục cọc gỗ, có đường kính khoảng từ 35-50cm. Cùng với đó, kết quả nghiên cứu các di tích của xã Liên Khê, như đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào năm 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Nguyên Mông.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê vừa qua cho thấy, trên diện tích 950m2, với 3 hố khai quật đã phát hiện 27 cọc. Các cọc phân bố không thẳng hàng, theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26 - 46cm và trên thân có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Nghiên cứu địa tầng cũng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ.

Các nhà khoa học, chuyên gia khảo sát bãi cọc Cao Quỳ.

Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3, năm 1288, để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng. Từ đó, rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân địch xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Mở ra thành một quần thể danh thắng

Tại buổi công bố kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng nhau thảo luận chứng minh giá lịch sử liên quan đến trận đánh thời nhà Trần, sau đó đưa ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Là người trực tiếp tham gia khai quật, PGS.TS Lê Thị Liên, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học) cho biết bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện thực sự là niềm tự hào không chỉ của dân Hải Phòng mà là của cả đất nước. Bởi đây là dấu ấn lịch sử quan trọng khi mà chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chặn đứng tham vọng thống trị Thế giới của quân Nguyên Mông. Để phát huy giá trị di tích, ngoài việc bảo tồn thì cần phải tiếp tục thu thập thêm những chứng cứ khảo cổ học, qua đó làm rõ thêm nghệ thuật quân sự tài tình của Trần Hưng Đạo đã huy động được toàn dân tham gia đánh giặc cùng với thế trận thiên la địa võng…

Về biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ông Trần Đình Thành, Phó Cục Trưởng Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết trước mắt cần phải đưa khu vực khai quật vài danh mục kiểm kê di tích mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ. Tiếp đó, do là hiện vật hữu cơ nên cần phải nhanh chóng có biện pháp bảo vệ để tránh bị biến dạng. Và để làm phong phú hơn cho di tích cần tập hợp thêm tài liệu, chứng cứ và kiến nghị mở rộng nghiên cứu…

Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành lịch sử - khảo cổ - dân tộc học cũng khẳng định chiến thắng Bạch Đằng là một phần từ hào của người Việt Nam. Khi phát hiện ra trận địa cọc này là hết sức ý nghĩa, mở ra nghiên cứu mới về chiến trận Bạch Đằng. “Quá trình nghiên cứu bãi cọc Cao Quỳ không nên mở rộng khai quật mà tập trung thu thập hiện vật mang tính lịch sử và đánh giá quy mô của trận địa như thế nào” - GS.TSKH Vũ Minh Giang lưu ý, đồng thời đặt vấn đề việc bảo tồn khu di tích này sẽ như thế nào khi mà hiện vật xuất lộ, dưới ánh sáng mặt trời, khí hậu thay đổi… sẽ rất nhanh hỏng, nên vấn đề bảo tồn phải được đặt ra ngay.

Bãi cọc Cao Quỳ là một di tích vô cùng quý giá, nhưng nếu chỉ là cọc gỗ khô khan thì có lẽ chỉ hấp dẫn những nhà chuyên môn nghiên cứu, còn khách khứa thập phương, học sinh… cần có cách tái hiện khác. Theo đó, cùng với di tích Bạch Đằng Giang đang thu hút rất du khách, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết rằng ý tưởng xây dựng một bảo tàng tái hiện lại trận chiến Bạch Đằng, sẽ là một ý tưởng rất hay, làm sống lại khí thế hào hùng của thời chống quân Mông - Nguyên, tái hiện lại sự đóng góp to lớn của nhân dân trong việc xây dựng trận địa này…

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến của Viện Khảo cổ học, các nhà khoa học, các chuyên gia, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Đồng thời, chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố và xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.

Đồng thời tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực. Trong đó, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.

V. Huy

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文