Di tích cấp Quốc gia bị quy hoạch chồng lấn

09:46 25/03/2018
Nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ (1825-1874), ông Tổ ngành Nhiếp ảnh Việt Nam, tại phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào tháng 1-1992. 

Nhiều năm qua, di tích này được con cháu dòng họ Đặng và người dân địa phương trùng tu, giữ gìn cẩn thận. Tuy nhiên hiện di tích này bị quy hoạch chồng lấn với tuyến đường đi qua khuôn viên di tích khiến người dân địa phương lo lắng.

Tìm hiểu được biết, ngày 3-9-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký Quyết định số 1868/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có định hướng mở rộng thị trấn Tứ Hạ. 

Bản quy hoạch này đã vẽ một tuyến đường có lộ giới 24m đi qua khuôn viên Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ. 

Ông Trần Lưu Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Xuân, cho biết: “Di tích nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ có tổng diện tích 1.518,3m², thuộc thửa đất số 206, tờ bản đồ số 37, phường Hương Xuân. Nếu chiếu theo bản quy hoạch này thì tuyến đường sẽ đi qua khuôn viên nhà thờ và chiếm khoảng 1/2 tổng diện tích của di tích, tức hơn 736m2. Đến nay bản quy hoạch này vẫn còn hiệu lực pháp lý, chưa được hủy bỏ”.

Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ.

Điều đáng nói, ngoài bản quy hoạch trên, ngày 30-6-2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phê duyệt quy hoạch sử dụng đất phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2015. 

Theo bản quy hoạch sử dụng đất này thì tuyến đường bê tông rộng 2m ở sau lưng di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ sẽ được mở rộng lên 10,5m. Như vậy, khuôn viên thửa đất khu di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ cũng sẽ bị ảnh hưởng với diện tích khoảng 50m². 

“Trong quá trình làm quy hoạch xây dựng thị trấn Tứ Hạ vào năm 2009, do là quy hoạch chung nên các đơn vị chuyên môn không thực hiện chi tiết từng công trình cụ thể, chỉ đưa ra tổng thể chung nên địa phương không hề hay biết di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch. Mãi đến sau này, khi địa phương phát hiện quy hoạch có tuyến đường chồng lấn lên di tích thì phường đã có ý kiến đề xuất điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế để tránh ảnh hưởng đến di tích”, ông Trần Lưu Đức cho hay.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm về di tích nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ nằm gần cuối thôn Thanh Lương, phường Hương Xuân. Từ cổng di tích đi vào, bên trái nhà thờ là nhà bia lưu giữ 2 tấm bia đá của cụ Đặng Huy Trứ và Đặng Huy Xán có nội dung ghi lại công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và dì. 

Bên phải là giếng nước hơn 110 năm tuổi và tấm bia khắc ghi ngày tháng công nhận di tích. Chính diện là nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc nhà rường 1 gian 2 chái, bên trong đặt khám thờ, phía trên treo bức hoành phi 4 chữ “Cựu Đức Thuần Thành” (nghĩa là Đức xưa rất thành thực) do vua Tự Đức ban tặng… 

Mở khóa cửa nhà thờ, ông Đặng Mậu Hùng (66 tuổi, người địa phương) trông coi nhà thờ này suốt hơn 30 năm qua giới thiệu cho chúng tôi từ tấm bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa nhà thờ Đặng Huy Trứ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao Trần Hoàn ký ngày 27-1-1992 đến những bức hoành phi, câu đối được treo bên trong nhà thờ. 

Ông Hùng cho biết, trên mảnh đất nhà thờ này hơn 140 năm trước, cụ Đặng Văn Trọng (thân phụ cụ Trứ) đã mở trường lớp dạy học trò. Trước đây, chỉ là mái nhà tranh, mãi đến những năm 50, một người cháu của cụ Trứ mới cho trùng tu, làm lại mới hoàn toàn.

Những công trình như cổng nhà thờ, tượng đài cụ Trứ, bình phong, nhà bia đều do con cháu sau ngày thống nhất đất nước đóng góp tiền của xây dựng nên. Hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành Nhiếp ảnh Việt Nam (15-3), đông đảo các thành viên thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã về di tích này để dâng hương tưởng niệm, tri ân ông tổ nghề. 

Khi được hỏi về bản đồ quy hoạch “dính” đến khuôn viên di tích, ông Hùng ngạc nhiên, nói: “Từ trước đến nay, chúng tôi chưa hề đón tiếp bất cứ đoàn cán bộ nào xuống địa phương để khảo sát, quy hoạch. Vì thế, nếu có bản quy hoạch đụng đến đất di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ thì chúng tôi sẽ có ý kiến với địa phương và các cấp để họ có biện pháp điều chỉnh hợp lý”.

Theo ông Lê Hữu Ngọc, Trưởng phòng Quy hoạch, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong bản quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tứ Hạ có tuyến đường đi qua khuôn viên khu di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ. Tuy nhiên, đây chỉ là phần quy hoạch định hướng và chưa thực hiện. 

Theo quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, sẽ tiến hành rà soát quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn, trong đó có Khu di tích cấp Quốc gia nhà thờ Đặng Huy Trứ và nếu phát hiện vướng mắc, bất hợp lý thì sẽ điều chỉnh. 

Trong khi đó, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị quản lý di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ từ thời điểm được công nhận di tích cấp Quốc gia nhưng đến nay, chưa hề nhận bất cứ văn bản nào thông báo về việc quy hoạch phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà liên quan đến di tích này. 

“Về nguyên tắc, việc quy hoạch bắt buộc phải chừa di tích ra bởi di tích không thể dời đi nơi khác. Mặt khác, các quy hoạch có liên quan đến di tích lịch sử - văn hóa nằm trong khu vực quy hoạch đó thì cần phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan chức năng mà cụ thể là đơn vị trực tiếp quản lý di tích. Theo Luật Di sản, cấp nào ra quyết định thì cần có ý kiến cấp đó, ví như di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thì cần có ý kiến của UBND tỉnh, cấp Quốc gia là Bộ VHTT&DL… thì mới được thay đổi, còn nếu không bất cứ quy hoạch nào cũng không thể đụng chạm đến di tích”, ông Hùng khẳng định.

Anh Khoa

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chiều 10/1, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Công an TP Cần Thơ. Về phía địa phương có đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì hội nghị. 

Ngày 10/1, lãnh đạo UBND TP Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) xác nhận thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng khiến 1 người từ vong và 4 người khác phải nhập viện cấp cứu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文