Điểm sáng về phát triển văn hóa đọc
- Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng để cải thiện tri thức
- Trao giải thưởng cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020
- Nhiều giải pháp đẩy mạnh văn hóa đọc
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đánh giá, nhìn lại chặng đường 5 năm, có thể khẳng định sự ra đời và hoạt động của Đường sách TP Hồ Chí Minh là điểm sáng cho sự phát triển văn hóa đọc. Đường sách TP Hồ Chí Minh đã vận hành thành công, hiệu quả, góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đồng thời, các hoạt động, sự kiện tổ chức tại Đường sách đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến thế hệ trẻ cũng như du khách. Lãnh đạo thành phố mong muốn, thời gian tới, Đường sách TP Hồ Chí Minh tiếp tục có bước phát triển mới, khẳng định được vai trò của mình trong đáp ứng như cầu về đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố và du khách; đồng thời cũng kỳ vọng từ những đóng góp đó, trong tương lai có thể trở thành di sản văn hóa của thành phố.
Chính thức đi vào hoạt động ngày 9/1/2016, trong 5 năm qua, Đường sách TP Hồ Chí Minh đã đón khoảng 11,5 triệu lượt khách. Tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng tại Đường sách đạt 181 tỷ đồng; hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới.
Giai đoạn 2016 - 2019, hoạt động kinh doanh của các đơn vị tại Đường sách tăng trưởng đều đặn và ổn định, doanh thu bình quân mỗi năm tăng khoảng 10 - 15%/năm.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, các chỉ số kinh doanh tại Đường sách sụt giảm. So với năm 2019, doanh thu năm 2020 giảm 28%, số bản sách giảm 37%, số tựa sách mới giảm 40%, lượt khách tới Đường sách giảm 42%.
Hiện Đường sách TP Hồ Chí Minh có hơn 20 gian hàng sách với sự tham gia của 15 đơn vị nhà xuất bản, công ty sách; 6 gian hàng sách xưa quý hiếm. Ngoài ra còn có các khu vực cafe sách; khu sân chơi thiếu nhi; không gian đọc được bố trí ở khắp khu vực Đường sách phục vụ nhu cầu đa dạng của các đối tượng bạn đọc, du khách.