Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh:

Dùng nghệ thuật sân khấu nâng cao văn hóa mặc chốn tôn nghiêm

06:48 16/01/2019
Đêm 14-1, lần đầu tiên trên sân khấu Thủ đô Hà Nội một chương trình biểu diễn thời trang chuyên dành cho Phật tử được tổ chức.


Có chủ đề “Giác show”, chương trình quy tụ một lực lượng khá hùng hậu gồm gần 100 người mẫu, trong đó có nhiều người mẫu nổi tiếng. Hàng trăm thiết kế phục trang đẹp nhưng đảm bảo tính nghiêm trang dành cho người đến chốn tôn nghiêm được trình diễn và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả. Trao đổi với chúng tôi, đạo diễn Nguyễn Việt Thanh nói, mục đích sâu xa mà ê kíp thực hiện chương trình muốn hướng đến là nâng cao văn hóa mặc, đặc biệt là văn hóa mặc của người trẻ.

Phóng viên:  Thời trang cho Phật tử là vấn đề mới mẻ, chị có thể chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này?

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh: Lẽ ra, câu hỏi này nên dành cho nhà thiết kế Kim Ngọc thì phù hợp hơn. Tôi làm tổng đạo diễn “Giác show” theo lời mời của nhà thiết kế. Dưới góc độ là đạo diễn, khi nhận “đề bài”, tôi phải có nhiệm vụ tìm ra lời giải hợp lý.

Người mẫu trình diễn các thiết kế của “Giác show” tối 14-1.

Phóng viên: Lâu nay chưa có ai làm thời trang cho Phật tử, thời trang cho tôn giáo. Nhận lời mời làm đạo diễn chương trình, chị có gặp khó khăn nào không?

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh: Khó khăn thì có nhưng tôi không băn khoăn gì cả. Với người làm nghệ thuật, đây cũng là chương trình mới, lạ. Với cộng đồng, đây là chương trình cần thiết và hữu ích, ít nhất là tác động đến ý thức của người trẻ về văn hóa mặc khi đến những chốn tôn nghiêm.

Văn hóa ăn mặc nhất là mỗi mùa lễ Tết đầu xuân, báo chí đã nói đến rất nhiều rồi. Tôi thì nghĩ thế này, xã hội càng văn minh, càng phát triển, mọi người càng có nhiều ứng dụng dễ dàng, thuận tiện hơn trong cuộc sống. Nhưng rất nhiều khi, những ứng dụng ấy được mang vào đời sống một cách khá tùy tiện. Những hình ảnh phản cảm trong chốn tôn nghiêm như nam thanh nữ tú ăn mặc áo quần ngắn cũn cỡn đi lễ chùa, năm nào cũng có. Có rất nhiều người thường tranh thủ lúc đi chơi, đi làm về vào các di tích, nơi thờ tự để thắp hương. 

Sẽ không có vấn đề gì nếu cách ăn mặc của nhiều người không suồng xã, vừa thiếu tính thẩm mỹ vừa thiếu tính chất nghiêm trang cần có khi đặt chân vào những nơi chốn như thế. Trình diễn thời trang Phật tử là một trong những giải pháp để mọi người cảm thấy cần thiết và cần có trang phục đúng mực, trang nhã nhưng trang nghiêm hơn khi đến đình, chùa.

Một mùa lễ xuân đầu năm đã chuẩn bị bắt đầu. Show diễn tổ chức vào thời điểm này là hợp lý, đáng khích lệ và không hề đi ngược lại xu hướng của đời sống. Tôi còn cho rằng đây là giải pháp rất tốt và hợp thời trong nâng cao văn hóa mặc hiện nay.

Phóng viên: Đôi khi điều chúng ta mong muốn thì tốt đẹp nhưng không hẳn thành công khi triển khai. Cụ thể là văn hóa mặc mỗi mùa lễ xuân, nhiều năm nay báo chí đều phản ánh khá gay gắt nhưng mùa lễ tết nào, tình trạng này cũng vẫn lặp lại. “Giác show” tạo hiệu ứng ban đầu khá tốt. Theo chị, điều gì làm nên thành công này?

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh: Tôi nghĩ là mình chuyển tải được thông điệp mà mình mong muốn và nội dung chuyển tải dễ tiếp cận người xem. Tuyên truyền về văn hóa mặc thì thông điệp mình muốn chuyển tải cũng phải được thể hiện như thế nào để người xem dễ tiếp nhận, dễ chấp nhận.

Lâu nay chúng ta tuyên truyền nhiều về văn hóa mặc nhưng tôi nghĩ, nếu đưa ra lời khuyên thì cùng với lời khuyên ấy, chúng ta phải cùng lúc giải đáp được rất nhiều câu hỏi về nó, quanh nó. Nếu chỉ đưa ra lời khuyên giáo điều, một chiều thì không hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng. Thời trang và nghệ thuật biểu diễn có lợi thế là khơi gợi cảm xúc rất tốt, tạo sự hào hứng cho người tiếp nhận và thông qua đó đi thẳng vào đời sống.

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh (ngoài cùng bên phải), NTK Kim Ngọc trong “Giác show”.

Trong “Giác show”, trình diễn thiết kế phục trang dành cho người đến chốn tôn nghiêm được tiếp cận bằng tư duy thẩm mỹ hiện đại. Cách xử lý sân khấu, âm thanh, ánh sáng đều rất hiện đại, biểu hiện được cái tổng quan, văn minh, tôn lên trang phục cũng như thông điệp của chương trình, tính ứng dụng của thiết kế nên người trẻ tiếp cận nhanh, mạnh hơn.

Tất nhiên, đường kim mũi chỉ của trang phục cũng phải tinh tế, chất liệu vải thật đẹp thì mới thuyết phục được mọi người. Tôi hy vọng, sau “Giác show”, nhiều thiết kế giàu tính ứng dụng trong đời sống, đẹp và tiện lợi, dễ sử dụng, phù hợp với văn hóa của người Việt sẽ được phổ biến rộng rãi hơn.

Phóng viên: Nghệ thuật biểu diễn có lợi thế trong khơi gợi cảm xúc của con người nhưng để tác động và thay đổi ý thức của con người, cụ thể ở đây là văn hóa mặc nhưng chỉ qua một chương trình, một sự kiện, một thời điểm thì quá ít. Trong tương lai, chị có nhiều dự định tương tự cho câu chuyện văn hóa mặc của người Việt không?

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh: Tôi cũng đang hy vọng sẽ có “Giác show 1”, “Giác show 2”,  “Giác show 3”… tiếp nối trong năm 2019 và nhiều năm tiếp theo nữa. Các chương trình cũng sẽ đương đại hơn, gần hơn với mọi người và lớn hơn nữa.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn. Chúc chị và êkip thực hiện thành công các dự định tốt đẹp của mình.

Ngọc Nguyễn (thực hiện)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文