Đừng vùi dập sự tự tin của các em

14:43 07/07/2016
Một clip về kỳ thi THPT quốc gia do một số học sinh ở Huế dàng dựng theo phong cách trào phúng đã xuất hiện trên mạng ngay khi kỳ kết thúc. Hàng trăm ngàn lượt xem và like, hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận đã cho thấy sự quan tâm của công chúng với clip này.


Bởi về hình thức, clip được thực hiện như những phóng sự trong/sau mỗi kỳ thi mà các đài truyền hình vẫn làm, có phỏng vấn thí sinh thi, có bình luận về đề thi, về khâu tổ chức thi, nhưng nội dung các câu trả lời lại không theo “khuôn mẫu”, mà lại được trả lời một cách hài hước: “Điểm số với em không quan trọng, quan trọng là tỉ số (tỉ số bóng đá), giờ em phải về để ghi tỉ số trận Bồ Đào Nha đây”, hay “Em vào phòng thi cho có lệ thôi, vì điểm thi đã có ông già em cơ cấu hết rồi…" 

Với việc đề cập tới các nội dung như chạy điểm, chép bài, học tủ, có vẻ như clip phản ánh phần nào thực tế vốn có của các kỳ thi, cũng như suy nghĩ của nhiều học sinh, thông qua hình thức hài hước.

Tuy nhiên, ngay sau khi clip được phát tán, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã khăng định “đây là clip được tổ chức quay, dàn dựng và tung lên mạng nhằm một mục đích nào đó, rõ ràng người làm ra sản phẩm này có ý đồ”, và đề nghị Công an điều tra, khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Bất ngờ bởi vì, với những gì đã có trong clip, không hiểu ngành giáo dục Thừa Thiên Huế muốn điều tra cái gì, khi nội dung clip không hề phạm luật? 

Đành rằng có một vài em nói năng không văn hóa là không nên, nhưng sao có thể gán “có ý đồ gì” cho các em, để “chính trị hóa” một sự việc mà ai cũng biết chỉ là trò đùa của các cô cậu học sinh tuổi vị thành niên vốn luôn hiếu động và nghịch ngợm?

Nhưng động thái của Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh khi mời cơ quan điều tra vào cuộc, nhằm đe nẹt các em học sinh đã cho công chúng thêm một lần thấy được lối giáo dục ở nhiều trường học bấy nay. Người ta quen với lối áp đặt cho học sinh, không chấp nhận cho học sinh quyền sáng tạo, có góc nhìn, tư duy độc lập và đặc biệt là phê phán ngành giáo dục thì càng không được phép. 

Trên thực tế, nội dung clip của các em học sinh phản ánh, dù là đùa nhưng vẫn có phần nào hiện trạng trong các kỳ thi. Đó là nạn mua điểm thi, chép bài, học “tủ”, đề thi vừa sức với …giáo viên, tiêu chí của lò luyện thi “đọc đề-chửi thề-xé đề và đi về” vv…

Ảnh từ clip của các học sinh ở Huế làm về kỳ thi

Cách áp đặt tư duy lâu nay thể hiện khá rõ trong giảng dạy môn văn học. Đây là môn học đòi hỏi cảm xúc cá nhân cùng sự sáng tạo độc lập, thì rất phổ biến tình trạng yêu cầu làm theo những bài văn mẫu và giáo viên căn cứ vào đó để chấm điểm. Cách làm này triệt tiêu cả cảm xúc lẫn sự sáng tạo của học sinh, tạo nên những “con vẹt” chỉ biết học thuộc lòng. Đặc biệt, cách dạy này cũng hình thành tâm lý học sinh phải tuân theo cái “khuôn” do thầy cô giáo đặt ra từ nhỏ, chứ không được phép tư duy độc lập.

Đáng ra, các thầy cô phải chú ý dạy học sinh kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với các vấn đề thường gặp, để có cách xử lý phù hợp trong từng hoàn cảnh vốn là điều phổ biến ở nên giáo dục ở các nước phát triển, thì nhiều nơi thường áp đặt cách suy nghĩ của người lớn cho trẻ, bất chấp khoảng cách về tuổi tác, về tính cách cũng như môi trường sống. 

Nhiều thầy cô đòi hỏi học trò lúc nào cũng phải nghiêm túc, đạo mạo, không được vui chơi, đặc biệt là không được đùa giỡn về vấn đề giáo dục, dù đây là lĩnh vực bị xã hội phê phán nhiều năm qua! Đáng tiếc là cách tư duy này rất phổ biến, song dường như không ai nghĩ đến những tác hại của nó với tuổi thơ.  

Nhiều em, như các học trò ở Huế nói trên, được tiếp nhận các kiến thức xã hội từ môi trường internet, mạng xã hội nên dám có cái nhìn riêng, có chính kiến, thì dễ bị các thầy cô-vốn quen với lối giáo dục áp đặt- bị “sốc” vì không chịu nổi việc học trò lại có tiếng nói khác với những gì đã học trong trường. Trong khi, thẳng thẳn mà nói, những vấn đề các em phản ảnh trong clip chỉ là một phần rất nhỏ của hiện thực cuộc sống. Những người có trách nhiệm, nếu biết lắng nghe, sẽ thấy đó là sự góp ý chân thành để tiếp thu và sửa đổi, thay vì dọa nạt các em.

Nhà trường luôn dạy học sinh tính nhân bản, nhưng rõ ràng là một việc nhỏ đã bị đẩy thành một chuyện to, với mục đích xử lý “đến cùng” những đứa trẻ, rõ ràng không thấy sự bao dung của người làm thầy đâu cả. Đặc biệt là khi các em đã lên tiếng xin lỗi ngay sau sự việc xảy ra.

Những vụ bạo lực học đường liên tiếp đã cho thấy, môi trường học đường đang rất thiếu tình người. Điều này đặt ra những lo lắng có thật và đòi hỏi chính các thầy cô phải gương mẫu trong việc ứng xử nhân văn, để tạo một môi trường tốt cho việc dạy dỗ học sinh. Bởi một môi trường giáo dục đầy tình người sẽ dạy học trò tốt hơn nhiều một môi trường chỉ có khoảng cách với những người thầy luôn sử dụng uy quyền để dọa nạt, khi chắc chắn đó không phải là gương tốt.

Cũng đừng áp đặt sự tự ti của mình lên thế hệ trẻ bằng sự bắt nạt, mà hãy khuyến khích các học sinh tự tin, có chính kiến trước mọi vấn đề, sáng tạo trong cách thể hiện, như nền giáo dục các nước phát triển đang làm. Trong hành trình đó, những gì các em chưa làm được sẽ phải uốn nắn dần chứ không phải là vùi dập. Bởi, một thế hệ trẻ tự tin, năng động và đầy sáng tạo mới là tương lai trông chờ của đất nước.  

Tối 6-7, Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế xác nhận, liên quan đến vụ tung clip chế giễu tại kỳ thi THPT 2016 ở Huế, cơ quan công an đã xác định được nhóm đối tượng liên quan và đang mời làm việc. Theo xác định của cơ quan công an, nhóm này gồm một số học sinh đang học tại Huế, 2 sinh viên đang học tại Cao đẳng nghề du lịch và người còn lại tên là Phi Long (23 tuổi, trú phường Thủy Biều, TP Huế), vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế. Bước đầu xác định, Long chính là người lên kịch bản và dàn dựng tung clip nói trên lên trang Facebook của mình và trang YouTobe. Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế khẳng định, sau khi làm việc với các bên liên quan, Công an tỉnh sẽ phối hợp với nhà trường, gia đình gặp trực tiếp các em để giáo dục, thuyết phục các em nhận lỗi và xin lỗi, tránh xảy ra các trường hợp tương tự về sau. (Anh Khoa)


Thanh Hằng - Anh Khoa

Không chỉ Trung Quốc siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng sầu riêng của nước ta, dự kiến trong 10 ngày giữa tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để thực hiện giám sát một số mặt hàng như sầu riêng, thanh long, ớt. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần phải chuẩn hóa quy trình trồng, xử lí chặt chẽ từ gốc chuyện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các hoá chất khác trên nông sản xuất khẩu.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Trong giai đoạn 1997-2006, Việt Nam triển khai tích cực đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập khu vực và quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại và triển khai công tác đối ngoại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm dầu xả Hanayuki Conditioner - Chai 300g do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group và Công ty TNHH EBC Group sản xuất, đưa ra thị trường do có vi phạm; đồng thời tạm dừng hoạt động của hai công ty này.

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 24-28/5.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam dành cho Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và quyết tâm cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN “Bền vững và bao trùm”, đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định tại khu vực.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.