Gia Lai phát huy tiềm năng du lịch bản địa
- Du lịch xanh nơi “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”
- Xây dựng du lịch an toàn để thu hút du khách
- Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam
Phát huy lợi thế về mảng du lịch sông nước
Khoảng 2 năm trở lại đây, Gia Lai được du khách biết đến nhiều hơn không chỉ bởi những nét văn hóa đặc sắc bản địa, với cồng chiêng cùng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên, mô hình du lịch sông nước - một “miền Tây thu nhỏ” ở cao nguyên Gia Lai cũng đã và đang được du khách trong và ngoài nước tìm đến khám phá.
Hồ Ayun Hạ nằm ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện - cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 90km là một địa chỉ lí tưởng cho những du khách thích khám phá vẻ đẹp hoang dại của núi rừng. Đến với hồ Ayun Hạ, du khách sẽ được vui chơi, ngắm cảnh với nhiều hoạt động thú vị không chỉ trên bờ đập thủy lợi mà còn cả hoạt động đi thuyền ngắm cảnh trên mặt hồ.
Bên cạnh đó, những bậc thang xuyên qua lớp đá dựng đứng là cung đường hấp dẫn với những ai thích trải nghiệm độ cao. Từ trên non, du khách sẽ bao trọn ánh mắt ngắm nhìn toàn cảnh vùng bình nguyên Phú Thiện xanh mướt. Bên dưới, mặt nước trong xanh phẳng lặng soi bóng núi non, trời mây lại càng hấp dẫn khi được trực tiếp ngồi trên xuồng máy, tận hưởng làn hơi nước mát lạnh. Có thượng nguồn là sông Ayun, hồ Ayun Hạ trải dài hơn 20km, ngang qua nhiều ngôi làng dân tộc thiểu số còn giữ nguyên nét hoang sơ.
Tỉnh Gia Lai có lợi thế với nhiều phong cảnh đẹp. |
Nổi tiếng những năm gần đây, du lịch trên sông Sê San - được ví như một “miền Tây thu nhỏ” của xã Ia O, huyện Ia Grai đã không còn xa lạ với du khách. Việc di chuyển bằng thuyền máy trên lòng hồ Sê San 4 đến thăm làng chài rồi tiếp tục đến nhánh sông Pô Kô thăm bến đò A Sanh, ngược về tham quan Thác Mơ được nhiều du khách lựa chọn. Núi non sông nước hòa điệu làm thành khung cảnh hết sức nên thơ hấp dẫn du khách. Ngồi trên thuyền nhìn ngắm những nương rẫy trù phú, núi rừng trùng điệp, tận hưởng làn gió mát rượi từ nước sông mang lại là một trải nghiệm đầy thú vị.
So với Ayun Hạ, mặc dù phát triển sau nhưng vùng sông nước Sê San đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như dịch vụ đi thuyền máy trên sông, nhà hàng ẩm thực nổi trên sông với các món ăn đặc sản như chả cá thác lác, cá lăng. Người dân ở làng chài cùng với đánh bắt mưu sinh cũng tự sản xuất nên thành phẩm bánh tráng cá cơm, cá cơm khô sông Sê San rất hút khách.
Nhắc đến du lịch sông hồ không thể không nhắc đến hồ đập thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh) hay khu di tích thắng cảnh Biển Hồ (thành phố Pleiku). Mặc dù hai địa điểm này không có hoạt động vãn cảnh trên mặt hồ song với vẻ đẹp riêng hiếm có cũng đủ để hấp dẫn du khách đến chiêm ngưỡng.
Nếu hồ thủy điện Ia Ly hấp dẫn bởi sự hùng vĩ, to lớn thì Biển Hồ lại đem đến cảm giác thanh bình, lãng mạn. Chính vì vậy, đây vẫn là hai địa điểm du lịch phổ biến, được nhiều công ty lữ hành chọn làm một trong những điểm đến trong hành trình khám phá cho du khách.
Đánh giá về tiềm năng du lịch sông nước ở Gia Lai, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho hay, trong thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các phòng, bộ phận chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện của loại hình du lịch sông nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số địa phương như huyện Phú Thiện, Ia Grai, Chư Păh, thành phố Pleiku có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình này. Tại một số nơi, chính quyền địa phương và người dân đã có sự đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất phục vụ du khách. Dù vậy một số nơi vẫn còn khá hoang sơ, người dân chưa mặn mà với làm du lịch.
Thời gian tới, nhằm phát triển loại hình này trước hết cần thu hút các đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ điều kiện an toàn để phục vụ du khách khám phá trên mặt nước. Đồng thời, Sở cũng sẽ thông qua các lớp tập huấn để nâng cao ý thức hơn nữa cho người dân trong việc phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch như ăn uống, nơi ngủ nghỉ… cho du khách. Việc kết hợp loại hình du lịch sông nước này với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông sẽ đem lại hiệu quả thu hút du khách cao hơn.
Phát triển du lịch vùng, miền, quốc gia
Bên cạnh lợi thế để phát triển ngành du lịch sông nước, Gia Lai còn có lợi thế lớn để liên kết phát triển vùng miền, quốc gia. Gia Lai là địa phương nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và tiềm năng phát triển du lịch của khu vực này đã được nhắc đến nhiều lần trong các hội nghị cấp cao khu vực và nhiều hội thảo quốc tế về du lịch. Sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, trầm tích văn hóa, đa sắc màu các tộc người là điểm mấu chốt để ba quốc gia kết nối cùng phát triển du lịch.
Về thiên nhiên, nếu tỉnh Ratanakiri (Campuchia) có Vườn quốc gia Virachey, Khu bảo tồn động vật hoang dã Lumphat, rừng Nong Kabat; tỉnh Attapeu (Lào) có cao nguyên Bolaven, Khu bảo tồn sinh thái quốc gia Dong Ampham thì Gia Lai có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Lào có hệ thống thác ghềnh phong phú như thác Phạ Phoong, thác Noong Phạc, Xe Pha, Xe Poong Lay, Hồ Kay Ôộc...; Campuchia với thác OuSean Lair, thác Kachang…; Gia Lai cũng có thác K50, thác Phú Cường, thác Mơ, thác Đôi, Biển Hồ...
Ở lĩnh vực văn hóa, Campuchia nổi tiếng là đất nước chùa tháp với kiến trúc độc đáo, Lào sở hữu nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, Việt Nam cũng hội tụ nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử có giá trị không chỉ đối với quốc gia mà với toàn nhân loại như Di chỉ khảo cổ thời đại Đá Cũ (Gia Lai), không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên… Chính những nét tương đồng trên khiến cho 3 quốc gia mà cụ thể là các tỉnh nằm ở trung tâm tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam có rất nhiều cơ hội để kết nối tạo nên tuyến du lịch “ba quốc gia-một điểm đến”.
Hơn nữa, so với các địa phương khác trong khu vực tam giác phát triển của Lào và Campuchia, du lịch Gia Lai, đặc biệt là du lịch nội địa phát triển khá hơn. Lượng khách đến tỉnh tăng bình quân 23%/năm, tổng doanh thu du lịch tăng bình quân 22%/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để Gia Lai đẩy mạnh hơn nữa trong việc kêu gọi đầu tư, phát huy lợi thế, hình thành các tuyến du lịch nội địa và quốc tế có điểm đến là một trong những địa phương của Lào và Campuchia.
Bên cạnh những tiềm năng sẵn có, Gia Lai còn nằm ở vị trí rất thuận lợi khi có 2 tuyến quốc lộ 14 và 19 có thể thông với trục quốc lộ 78 (Campuchia) và quốc lộ 18, 16 (Lào), là cầu nối toàn bộ khu vực này với các cảng biển cũng như đến các tuyến quốc lộ đi khắp các tỉnh, thành của Việt Nam. Ngoài ra, từ các trục quốc lộ của nước bạn có thể thông qua quốc lộ 7 (Campuchia) và quốc lộ 13 (Lào) để đến hai thủ đô Phnôm Pênh và Viêng Chăn.
Để hòa mình vào dòng chảy phát triển du lịch trong khu vực tam giác phát triển, Gia Lai cũng cần phải có những đột phá về chính sách thu hút đầu tư, những giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sự kết nối với các tỉnh có tiềm năng của nước bạn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai đề xuất: “Chúng ta cần phải thành lập tổ công tác cấp quốc gia của ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam để phối hợp hành động, điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch trong khu vực. Song song đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hợp tác phát triển du lịch khu vực, cần tích cực tham gia các chương trình hợp tác du lịch, đặc biệt là các chương trình marketing bán các sản phẩm trọn gói chung giữa ba nước. Mỗi quốc gia cần tổ chức sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, xây dựng các chương trình du lịch mềm dẻo có thể thay đổi các thành tố theo yêu cầu của khách hàng”.
Ông Dũng nhấn mạnh, tỉnh cần ban hành các chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng tại các công trình trọng điểm để tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động du lịch và thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như sinh thái, văn hóa; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; tập trung củng cố sản phẩm hiện có, xây dựng sản phẩm du lịch mới… Gia Lai cũng cần tạo được cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp từ tỉnh khác đến để liên kết với các đơn vị lữ hành trong tỉnh, kết nối tour đi đến các điểm đến trong khu vực tam giác phát triển.