Tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc bị trầy xước:

Nhiều bất cập trong tổ chức triển lãm Mỹ thuật toàn quốc

18:58 01/12/2020
Ngày 1/12, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 khai mạc tại Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề được đặc biệt quan tâm không phải là chuyện chất lượng tác phẩm gia như thế nào hay tác phẩm, tác giả nào đạt giải như thường thấy trong các kỳ cuộc khác mà là có hay không sự tắc trách của Ban tổ chức trong bảo quản tác phẩm của tác giả gửi tham gia triển lãm?

Từ đây, nhiều vấn đề bất cập trong tổ chức triển lãm tranh khiến người ngoài cuộc giật mình, trong khi, với giới mỹ thuật, đây lại là những “căn bệnh” trầm kha lâu nay, chưa được giải quyết triệt để. Vì sao?

Ngay trước thềm khai mạc triển lãm chính thức, dư luận xôn xao trước thông tin một số tác phẩm gửi tham gia triển lãm bị trầy xước hoặc dính sơn tường khiến nghệ sĩ bức xúc, tố Ban tổ chức thiếu trách nhiệm bảo quản tác phẩm và rút tác phẩm khỏi hoạt động này.

Góc Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 tại Hà Nội.

Về vấn đề này, ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 cho biết, ngay sau khi biết tác phẩm của nghệ sĩ bị xước, Cục đã chủ động gọi điện cho tác giả và xin lỗi, nhận lỗi.

Cũng theo ông Mã Thế Anh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành 9,6 tỷ đồng để Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức các sự kiện trong mỗi năm. Năm 2020, Cục đã tổ chức rất nhiều hoạt động, có nhiều triển lãm quy mô lớn, trong đó có Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. Kinh phí cho các cuộc tổ chức trước đó cũng rất hạn hẹp nhưng đều thành công.

Riêng với triển lãm lại, chúng tôi dự định tổ chức ở ngoài Hà Nội, sau đó còn triển lãm tại TP Hồ Chí Minh. 500 tác phẩm được chọn trưng bày là một số lượng tác phẩm rất lớn đối với 1 triển lãm. Với hơn 100 con người huy động được, chúng tôi phải làm cật lực từ khi nhận tác phẩm đến ngày triển lãm.

Vết xước trên một tác phẩm gửi tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020.

Khi rà soát các công việc của triển lãm, Ban tổ chức đã phát hiện một số tác phẩm bị xước và chủ động gọi điện cho các tác giả, xin lỗi, nhận lỗi. Ban tổ chức đã rất cầu thị và đề nghị với các tác giả này là sau triển lãm sẽ có cuộc ngồi lại với nhau. Tất nhiên, với một triển lãm lớn như thế này thì cách thức tổ chức như hiện nay chưa thể như mong muốn.

“Chúng tôi cố gắng làm hết trách nhiệm. Sau triển lãm này chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau và cùng rút kinh nghiệm để lần sau cách tổ chức khác đi, tránh những sự cố đáng tiếc hiện nay. Năm nay tôi đã tổ chức nhiều sự kiện và đã thành công nhưng riêng sự kiện này lại xảy ra sự cố. Cũng không ai làm việc như tôi cả, công việc thì rất là nhiều nhưng 10h đêm tôi vẫn cùng anh em nỗ lực để triển lãm thực sự là ngày hội và tác phẩm được trưng bày một cách tốt nhất. Số lượng tác phẩm lớn, di chuyển nhiều. Hội đồng bê ra bê vào chấm chọn rồi xếp vào kho, sau đó lại mang lên trưng bày. 

Đến ngày triển lãm, tác phẩm di chuyển rất nhiều, có nhiều công đoạn và có cả trăm con người cùng thực hiện. Quy mô và cách làm của chúng ta có vấn đề. Nếu mà chúng ta vẫn giữ cách tổ chức như hiện nay thì năm sau cũng rất có thể sẽ bị sự cố như năm nay. Không phải riêng tôi mà ai đứng ra tổ chức cũng sẽ xảy ra sự cố.  Nếu chúng ta còn làm như thế này sẽ còn sai sót. Tôi mong các anh em nghệ sĩ và báo chí chia sẻ với ban tổ chức. Những vấn đề của ban tổ chức chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, thay đổi cách thức tổ chức để không xảy ra sai sót trong thời gian tới”. Ông Mã Thế Anh chia sẻ.

Một tác phẩm điêu khắc trong triển lãm.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng cho hay, từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay đã có rất nhiều cuộc triển lãm bị hỏng hóc tác phẩm, thậm chí mất tranh. Tuy nhiên không ai  kêu ca gì nên sự việc cũng nhanh chóng bị quên lãng. Nếu công tác tổ chức triển lãm vẫn giữ như thế thì tình trạng hư hỏng tác phẩm, thậm chí mất tác phẩm gửi trưng bày vẫn có thể xảy ra. Bởi lẽ, hoạt động tổ chức vẫn rất nghiệp dư.

Hiện nay, Ban tổ chức chưa có công ty vận chuyển cho nghệ thuật. Chúng ta mới có công ty vận chuyển hàng hóa và vẫn đang xếp vận chuyển tác phẩm nghệ thuật chung với vận chuyển hàng hóa. Người công nhân vận chuyển không quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật mà coi đó là thùng hàng. Những tác phẩm bọc kính có khi vỡ khủng khiếp, đâm cả vào mặt tranh.

May mà lần này không có hiện tượng ấy. Về công tác về mặt trưng bày, chúng ta không có công ty chuyên về trưng bày mà thường đến triển lãm thì thuê luôn đội ngũ ở đấy làm và người làm cũng không phải là chuyên nghiệp lắm.

Có khi họ chỉ là người tham gia bốc vác, khi treo tranh thì còn đóng đinh lên tường rất lung tung. Họ không quan tâm đến tranh treo, có khi triển lãm mà nóc của tranh vẫn treo lơ lửng cái đinh, cái dây. Không có công ty trưng bày tranh chuyên nghiệp mà nghệ sĩ cũng không tham gia bảo hiểm tác phẩm. Việc triển lãm tại thường tổ chức rất gấp gáp.

497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày trong triển lãm.

Như triển lãm lần này, gần ngày triển lãm mà khu trưng bày mới sơn tường. Người sơn không quan tâm bên cạnh họ là tác phẩm nghệ thuật nên đã để bắn sơn lên tác phẩm. Để tránh các sự cố đáng tiếc khi tổ chức các hoạt động triển lãm quy mô lớn, lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nên quan tâm đến những thay đổi có tính chất Nhà nước, lâu dài, bài bản hơn.

Họa sĩ Cao Nam Tiến, tác giả bức tranh sơn dầu “Bé Uyên Minh”, một trong số tác phẩm bị trầy xước thì cho rằng, việc Ban tổ chức nói tranh bị hư hại do quá trình vận chuyển không chính xác vì tác giả vận chuyển đến tận nơi trưng bày. Khả năng tranh bị xước chỉ có thể xảy ra trong quá trình treo tranh, vì nếu tranh bị xước trong quá trình vận chuyển thì Ban tổ chức sẽ không nhận tác phẩm. Tranh của anh là tranh sơn dầu, vẽ con gái của mình năm 2018.

Khi một tác phẩm sơn dầu được hoàn thành, tác giả đã phủ lên một lớp vecni bảo vệ vĩnh viễn. Khi bị trầy xước, tác phẩm không thể phục hồi được. Nếu vẽ đè lên để sửa vết xước thì lớp sơn dầu mới sẽ không ăn với lớp sơn dầu cũ nữa. Sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Cục sẽ có buổi gặp với 5 tác giả có tác phẩm bị trầy xước sau khai mạc triển lãm. Kết quả cụ thể như thế nào thì bản thân các tác giả cũng chưa biết.

“Việc tham gia một cuộc triển lãm có quy mô toàn quốc như Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam là mong muốn của nhiều họa sĩ, nhưng chúng tôi không thể không băn khoăn là sau 5 năm nữa, khi triển lãm tổ chức lần tiếp theo thì có tiếp để xảy ra tình trạng như thế này nữa không? Với một cuộc tổ chức lớn như thế này, rất khó để chấp nhận việc để xảy ra sai sót như hiện nay. Bởi vì, đội ngũ tổ chức phải thật là những người chuyên nghiệp, thực sự tôn trọng tác phẩm, không thể nói là những người tham gia chỉ là những người thợ bê vác, coi tác phẩm như hàng hóa được. Như thế là không tôn trọng tác phẩm, tác giả và quá thiếu chuyên nghiệp”. Họa sĩ Cao Minh Tiến nhấn mạnh.

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam trước đây là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, được tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần. Triển lãm là sự kiện Mỹ thuật nhằm tổng kết và đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam từ năm 2016-202.

Sau hơn 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả. Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày và quyết định chọn 6 tác phẩm để trao giải Nhì, 11 tác phẩm đạt giải Ba và 12 tác phẩm đạt giải Khuyến khích. Các tác phẩm này được trưng bày từ ngày 1 đến ngày 10/12 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội và tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, số 79A Phó Đức Chính, TP Hồ Chí Minh từ ngày 22 đến 29/12.

Hoa Nguyễn

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文