Hiến kế để di sản văn hóa có thể phát triển bền vững
- Khai hội đền Cửa Ông đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
- Lễ hội đền Cờn được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Có 6 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Phú Thọ đang bị mai một
- Đừng để di sản văn hóa nhân loại trở thành công cụ mê tín dị đoan
Hiện nay, Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa khổng lồ với 40.000 di sản vật thể, 60.000 di sản phi vật thể; là một đất nước có lịch sử lâu đời, đặc trưng đa dạng về địa hình tự nhiên, sinh cảnh và đặc biệt là một nền văn hóa phong phú được tạo nên bởi cộng đồng 54 dân tộc anh em rất giàu bản sắc.
Với ý nghĩa là một nguồn lực, văn hóa và di sản đang trở thành một dạng tài nguyên vô giá và vô tận nếu biết cách gìn giữ và khai thác một cách khoa học, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của con người.
Bảo tồn và phát triển dựa vào cộng đồng đang là xu thế thế giới và là một giải pháp khai thác bền vững giá trị các di sản bởi văn hóa là sáng tạo và tài sản của cộng đồng.
Thạp đồng Đào Thịnh, một bảo vật quốc gia vô cùng quý giá. |
Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, để khắc phục hiện tượng lễ hội có các hành động phản cảm, các nhà nghiên cứu để đưa ra một “kịch bản” cho lễ hội. Để tránh xảy ra những điều đáng tiếc, cần có sự bàn bạc, thảo luận chặt chẽ giữa cộng đồng và chính quyền các cấp một cách tỉ mỉ, chi tiết.
Sự tham gia của Nhà nước vào lễ hội không phải ngày nay mới có, mà từ xa xưa cha ông ta đã từng làm rất khéo và rất tốt. Về vấn đề người ngoài tham gia, theo tôi, bên cạnh các nghi lễ, trò diễn mang tính phong tục, nên có những cuộc thi, cuộc đua dành cho người không ở trong làng, như vậy, những người khách thập phương được tham gia, phần thưởng hay chiến thắng của họ cũng là những may mắn để mang về nhà…
Như vậy, vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa tránh được những hạn chế không đáng có. “Hội xưa là hội làng, do làng tổ chức, quy mô nhỏ hơn nhiều so với ngày nay khi điều kiện giao thông và kinh tế tốt hơn nhiều nên một hội làng nhỏ có thể thu hút khách từ nhiều vùng đến tham dự. Sự đông đúc này vừa là lợi thế nhưng cũng là những thách thức to lớn đối với công tác tổ chức và quản lý”.
GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nêu ý kiến: “Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ các cấp về văn hóa, nâng cao ý thức với di sản đang trở thành vấn đề cấp bách. Tình trạng hạn chế về trình độ đang là một rào cản cho cả công tác bảo tồn và xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Vấn đề thứ 2 là xử lý mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển có vấn đề nguồn lực tài chính. Vấn đề thứ 3 là bảo tồn và phát triển dựa vào cộng đồng chính là một giải pháp khai thác bền vững giá trị của các di sản”.
Theo GS. TSKH Vũ Minh Giang, yếu tố quan trọng đảm bảo cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản có thể phục vụ hữu hiệu cho phát triển bền vững lại chính là những căn cứ pháp lý về vai trò, vị trí của văn hóa, di sản trong các văn kiện quan trọng và hệ thống pháp luật. Có rất nhiều điểm còn khiếm khuyết và hạn chế trong phương diện này. Đã đến lúc cần phải rà soát để có những điểm chỉnh sửa, bổ sung nhằm nâng tầm của Luật Di sản và xây dựng một văn kiện quan trọng của Đảng về phát uy nguồn lực văn hóa (trong đó có di sản) trong chiến lược phát triển bền vững.
Từ góc độ của một người nhiều năm làm công tác quản lý di sản văn hóa, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng di sản văn hóa phải được bảo vệ trên nguyên tắc dựa hẳn vào cộng đồng, phát huy tính tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông qua các tổ chức quần chúng tự nguyện để giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cũng như phát triển cộng đồng; giáo dục về nhận thức, niềm tin, định hướng giá trị, tinh thần vì cộng đồng để tạo ra sự đồng thuận xã hội – cơ sở của việc đoàn kết và liên kết xã hội; xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa cá nhân và cộng đồng, giữa các cơ quan quản lý di sản văn hóa, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học sẽ là tư liệu quý góp phần tham mưu chính sách đường lối cho Đảng và Nhà nước, cụ thể là Bộ VH-TT&DL trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển bền vững.