“Hữu Ước & bài thơ Một mình”: Đêm thơ, nhạc, họa kỷ niệm 50 năm quân ngũ
- Hữu Ước và bài thơ Một mình
- Hữu Ước - “Một mình” với thơ, nhạc, họa
- Hữu Ước... và bài thơ “Một mình”
Xuyên suốt chương trình là câu chuyện với những kết nối liền mạch Hữu Ước vẽ ra chân dung của đời mình, từ khi là anh lính binh nhì đi qua cung đường hành quân, gặp không ít vinh quang và dông gió của cuộc đời, nhưng cuối cùng là trái tim rướm máu và nỗi cô đơn tột cùng.
Đây là chương trình đêm thơ, nhạc, hoạ được tổ chức lần thứ 3 của Hữu Ước. Càng đi về cuối chặng đường, ông càng cảm thấy cô đơn bủa vây, sự cô đơn ấy được đẩy lên cao độ khi ngay từ tên của chương trình: “Hữu Ước & bài thơ Một mình”.
Trải qua bao cung bậc của cảm xúc, bao biến cố của định mệnh, và cả những dông gió nghiêng ngả của thời gian, Trung tướng, nhà văn vẫn dành cho mình những khoảng lặng để truyền tải cả vào thơ, ca, nhạc, hoạ. Đó là tiếng lòng mênh mông sâu lắng buồn, lúc ồn ào dữ dội, lúc dịu nhẹ êm đềm.
Ông chia sẻ: “Trong cuộc đời binh nghiệp, từ khi còn là anh lính binh nhì, tôi chứng kiến những người đồng đội đã vào sinh ra tử luôn tự hào đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với cả quãng đời 50 năm quân ngũ có rất nhiều những thăng trầm cả không ít vinh quang và cay đắng nhưng cuối cùng tôi vẫn là tôi”.
Ở ngay đầu chương trình, ông đã nhớ về giai đoạn đầu đời của cuộc đời binh nghiệp khi còn là người lính binh nhì thơ ngây và trong sáng.
Đó là một ngày cuối xuân năm 1971, những người lính khi ra chiến trận với hành trang một chiếc võng, một chiếc tăng bạt, một chiếc ba lô, một khẩu AK, một gùi tượng gạo và ngay cả khi đối diện với sự sống - cái chết, vẫn mang theo cả một cây đàn ghi ta. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước sáng tác rất nhiều ca khúc nhưng ông lại không chọn ca khúc của mình để mở màn cho chương trình mà chính ông lại thể hiện bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng với: “Nỗi lòng người đi”.
Cuộc đời như những thước phim sống động, để ông nhớ về người bạn, người lính trẻ Tô Khải Hoàn, con trai của nhạc sĩ Tô Hải. Người lính ấy đại diện cho hàng triệu người lính lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Anh đã ngã xuống chiến trường nơi mưa bom, đạn trút và để lại hậu phương một tình yêu trong sáng, thơ ngây thủa đầu đời, đó là nữ phóng viên Báo Tiền Phong.
Một tiết mục trong đêm diễn. |
Phóng viên chiến trường năm xưa sau này trở thành cây bút sắc sảo tên tuổi, đó là nữ nhà văn Lê Minh Khuê. Bà đến đêm thơ nhạc, bồi hồi chia sẻ cảm xúc về một thời tuổi trẻ ngạt ngào hương sắc đã đi qua, những kỉ niệm khắc ghi với người lính Tô Khải Hoàn.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận định về chương trình: “Các câu chuyện đã làm lay động nhiều khán giả và những người cùng thời anh Hữu Ước. Trong đó đặc biệt anh không quên làng Ho, nơi đồng bào Vân Kiều sinh sống là một địa danh mà bất cứ người lính nào trên tuyến đường hành quân băng qua rặng Trường Sơn chiến đấu cũng phải đi qua khu vực làng Ho...”.
Với nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước ngay kể cả khi đã đủ đầy với tước vị cao sang thì ông không quên mình là một người lính, đậm chất lính và luôn uống nước nhớ nguồn, trân trọng quá khứ về một thời khói lửa đao binh.
Trong đêm “Thơ, nhạc, họa Hữu Ước & bài thơ Một mình”, ta bắt gặp nhiều cung bậc cảm xúc và sự đa dạng của màu sắc, phong phú giai điệu. Mang trái tim đa cảm, dễ tổn thương nên âm nhạc của ông da diết, khắc khoải buồn.
Những giọng ca trẻ như Vũ Thắng Lợi cháy hết mình thể hiện: “Mẹ tôi”. Phương Anh trầm lắng với “Tiếng chuông chùa”. Thụy Miên da diết, khắc khoải với: “Em vẫn chờ, vẫn đợi” và bay lên với “Phiêu diêu”. Thu Thuỷ tan trong “Hạt nắng”. Lê Mận trong trẻo, thánh thót trong “Tình yêu của em”. Ngọc Anh và Lương Huy nồng nàn, sâu lắng trong “Lời hẹn hò cuối cùng”. Huyền Trang trữ tình, mênh mang buồn cùng “Một câu hò sông Hương”...
Ngoài những ca khúc nhạc trẻ, trong chương trình còn có một tiết mục đặc sắc, đó là nữ nghệ sĩ xẩm Hà Thành - Mai Tuyết Hoa và chính tác giả nhà văn Hữu Ước thể hiện bài “Vịnh thi sĩ” với những giai điệu đậm chất đẹp của làn điệu xẩm, gây hứng thú cho khán giả thưởng thức.
Trong không gian trưng bày của Nhà hát Âu Cơ, khán giả được thưởng thức 50 bức tranh được vẽ bằng sơn dầu (được chọn lựa từ 200 bức vẽ của ông). Nhìn vào bức tranh với gam màu sáng tối, nóng lạnh người ta hiểu rằng ông đến với hội họa cũng là để giải toả cõi lòng, để gào thét, vẫy vùng, trong thế giới hoang dại của màu sắc, thản nhiên tắm mình suy tưởng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương, một người em gắn bó với ông lâu năm cho biết: “50 bức tranh tác phẩm hội họa của ông đa phần là những bức vẽ, được vẽ bằng hồi ức về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ của anh ở đường Trường Sơn. Những bức vẽ đấy cũng khiến đem lại nhiều cảm hứng cho tôi và hứng thú cho nhiều người thưởng lãm”.
Nhân dịp này, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước dành tặng số tiền 200 triệu đồng trích từ đêm nhạc dành tặng 3 địa chỉ gắn bó với ông: Trường Trung học phổ thông huyện Phù Cừ (Hưng Yên), mái trường thân yêu của ông khi bước chân vào quân ngũ; tặng bà con dân tộc Vân Kiều, khu vực làng Ho, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - nơi bắt đầu của những con đường Đông - và Tây Trường Sơn (nơi mà không một người lính nào vào Nam bằng đường rừng núi mà không đi qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng là nơi trú quân cuả Trung đội 2, Đại đội Trinh sát đặc công, Công an vũ trang tháng 5-1971 - đơn vị binh nhì Hữu Ước trước khi sang chiến trường Trung Lào; Trường câm điếc Xã Đàn, Hà Nội.