Khu tập thể cũ Hà Nội - một trời ký ức
- Khu tập thể cũ Hà Nội khoác lên mình một diện mạo mới với tranh tường 3D1
- "Sống trong sợ hãi" ở khu tập thể cũ nát tại Hà Nội
Và tôi nghĩ, với bất kỳ ai đã từng sống trong những không gian đậm kỷ niệm như vậy, họ cũng có nhiều ký ức đẹp đẽ chứ không bỗng dưng mà cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội - ký họa và hồi ức” lại được đón nhận nồng nhiệt như vậy.
Cuốn sách là tập hợp những bức vẽ, những hồi ức của tất cả những con người, những nhà văn, họa sĩ đã từng sống ở khu tập thể cũ từ khi sinh ra lớn lên, hay chỉ là trong một thời gian có thời hạn nào đó. Nhưng từng đó cũng đủ cho họ, với một tâm hồn nhạy cảm, một con mắt quan sát tinh tế đã viết nên những câu chuyện, ghi lại, phác họa lại những bức tranh tuyệt đẹp. Và với họ, Hà Nội không thể đẹp nếu thiếu đi những khu tập thể cũ.
Lớn lên từ khu tập thể
“Với những đứa con Hà Nội thế hệ 6X, 7X, 8X như chúng tôi, khu tập thể là cả một ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Ở nơi ấy, chúng tôi có cuộc sống rất giản dị, êm đềm với hàng xóm láng giềng cùng chúng bạn trong khu tập thể. Mặc cho cuộc sống của mỗi gia đình lúc bấy giờ có rất nhiều khó khăn, chật vật cùng sự thiếu thốn chung của cả đất nước sau nhiều năm chiến tranh và bom đạn, bọn trẻ chúng tôi vẫn thật vô tư, hạnh phúc trong khu ở của mình.
Những cầu thang bộ lấp lánh khe sáng xuyên qua từ những bức tường hoa bê tông, những dãy hành lang chung bề bộn, những khoảng sân rợp bóng cây giữa hai khối nhà, những ghế đá, những góc đường... cùng với những căn hộ bé xíu mà thật ấm áp của mỗi gia đình, tất cả đều là những không gian quá đỗi thân thương với những người lớn lên trong các khu tập thể cũ”, PGS, Tiến sĩ, KTS Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ.
“Có một khung cửa sổ chữ nhật với những chấn song gỗ màu nâu cũ kỹ nằm trên gác 3 của khu tập thể... mỗi lần có dịp đi ngang qua, cả một miền ký ức xa xôi đầy ắp kỷ niệm của cô bé 6 tuổi lại ùa về...
Căn hộ 9 mét vuông nhưng rất thoáng. Khung cửa sổ bé tẹo với một giàn phơi quần áo nhìn xuống vườn diếp cá xanh mơn mởn sát đường lớn; cửa sổ còn lại nhìn ra sân chơi của khu tập thể, nơi có cái vòi nước công cộng với những dãy xô chậu xếp hàng ngay ngắn từ sáng cho tới đêm... Các bà các chị túm tụm rửa rau rửa bát nói cười rôm rả...
Mùa xuân đến, vườn diếp cá dưới nhà xanh mơn mởn... Cô bé gái mất hàng giờ ngồi bên cửa sổ... Tuổi thơ của những đứa trẻ thời bao cấp chỉ có hai ô cửa sổ làm bạn cả ngày, cả một bầu trời ước mơ bên khung cửa ấy... Đó là những điều giản dị đến bất ngờ... Khu tập thể 5 tầng sơn màu vàng với khung cửa sổ sơn màu nâu và chấn song gỗ đã đi theo bé gái ấy nhiều năm sau”... tâm sự của Phạm Minh Trang - một tác giả có bài viết in trong cuốn sách.
“Tôi đã từng sống trong những năm 80 thế kỷ trước ở khu tập thể Trung Tự. Bây giờ mỗi lần đi qua đó, thế giới của những ngôi nhà cao tầng và các cửa hiệu hiện đại, tôi vẫn thấy hiện lên màu ố vàng của những bức tường chung cư xưa, của những lối cầu thang hẹp đầy bóng tối, của tiếng nước máy chảy trong những đêm gần sáng chờ lấy nước, của tiếng bầy trẻ reo vang trên những lối cầu thang và sân chơi, của mùi bếp dầu, của những người già trò chuyện trên ban công vào những đêm mùa hạ nóng hầm hập mất điện...” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Khu tập thể cũ, với màu sơn vàng đặc trưng, tạo sự cũ kỹ, rêu phong, gần gũi; cầu thang bộ lối đi chật hẹp, với những khe cửa hoa ít ánh sáng, ngoài ra người ta còn cơi nới những sảnh cầu thang bộ chung đó để đồ đạc cũ hỏng hay là nơi để những bếp than tổ ong, bếp dầu, nơi nhốt chó, mèo, hay để thùng rác, cây cảnh... Tất cả những vật dụng đó cho dù bừa bộn, cũ kỹ, ẩm mốc nhưng lại lưu dấu trong đầu những con người nhiều xúc cảm sống trong đó, để rồi trở thành những kỷ niệm đẹp, thân thương; những kỷ niệm rất đặc trưng khi nhớ về nơi chốn đó, nơi người ta đã từng sống những năm khốn khó và bận bịu.
Rồi những “Bảng thông báo được dán dưới chân mỗi khu tập thể. Những mẩu tin mời họp tổ, lĩnh lương hưu, liên hoan trung thu hay ngày Tết thiếu nhi, cả những dòng Chúc mừng năm mới cho toàn khu tập thể. Khu dân cư phức hợp đầy đủ trường học, chợ búa, cửa hàng cắt tóc, cửa hàng ăn uống, cửa hàng chất đốt, cửa hàng bách hóa, trạm xá, bưu điện...
Những kí ức đẹp đẽ
Khu tập thể cũ, ở đó còn có nhiều những người già, người về hưu sinh sống. Chính điều đó cũng tạo nên thứ năng lượng “ấm” cho khu nhà. Các cụ già chiều chiều xuống sân đi dạo, tập thể dục và thong thả trò chuyện. Những khu tập thể cũ được xây dựng từ xa xưa, những năm 60, 70 của thế kỷ trước là một phần thân thương của Hà Nội.
Một số tác phẩm trong được in trong cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức”. |
Phần lớn những khu nhà được xây dựng ở 4 quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, và là nơi tập trung đông dân cư, không gian ấm cúng riêng biệt mà ở những khu chung cư mới giờ đây chưa thể có. Ở đó những nếp sống quen thuộc cũng từng hiện diện: sinh hoạt tập thể. Người ta dùng chung bể nước, sân chơi và những phòng sinh hoạt cộng đồng nhỏ bé nhưng ấm cúng. Khu tập thể là nơi sinh sống của những cán bộ nhà nước cùng một cơ quan, do vậy tình làng nghĩa xóm cũng rất thân thiết. Một điều mà ít hiện hữu trong những khu chung cư cao tầng, cao cấp hiện đại bây giờ.
Nói về Tết ở khu tập thể cũ, nhiều tác giả đã có những hồi ức thật xúc động: “|Những ngày cuối năm, cả khu tập thể náo nhiệt hẳn lên. Nhà nào cũng chuẩn bị gạo nếp, lá dong và các thực phẩm để lo cho cái tết. Cứ đến 30 Tết, khi mọi nhà cúng trời đất, thổ công thổ địa xong là cả đoàn rủ nhau đi chúc Tết”.
Nói đến khu tập thể cũ cũng không thể không nhắc đến những ống nước bằng nhựa, những ô cửa mắt cáo được cơi nới hay tấm lợp proximăng, những bể nước bê tông, những sân chơi, những quán nước dưới chân cầu thang bộ, những cửa sắt, cửa xếp. Những chiếc cửa sắt làm cho người trong nhà có thể nhìn ra hành lang hay người trong và ngoài có thể nói chuyện với nhau, điều mà ở những khu chung cư cao cấp hay biệt thự bây giờ không có.
Ở những khu chung cư cao cấp hay biệt thự, người ta “nhìn” thấy nhau qua chiếc camera bé xíu treo đâu đó ở một góc khuất, hay người bên trong nhìn thấy người bên ngoài qua một “ô cửa” hẹp, được gắn trên chiếc cửa sắt nặng nề, kín mít. Điều đó đảm bảo tốt về mặt an ninh, nhưng cũng vô hình trung tạo ra một khoảng cách giữa những người được gọi là “hàng xóm” sống cùng trên một tầng trong khu chung cư cao cấp.
Và phần ký ức đẹp đẽ ấy được những người yêu nó lưu giữ, nâng niu còn được thể hiện ra ở những tác phẩm hội họa. Đa phần mảng ký ức hiện ra là những mảng màu vàng cũ kỹ, và với mỗi tác giả, tuy cùng sống trong những khu tập thể nhưng lại có những cảm nhận khác nhau, ở những góc nhìn khác nhau.
Phần lớn những khu tập thể cũ của Hà Nội đã được các tác giả thể hiện trong cuốn sách: từ A6 Giảng Võ, Tập thể Kim Liên, Nam Đồng,... đến tập thể Bách Khoa, Ngọc Khánh..., mà chỉ những con người đã từng sống ở đó, yêu nơi đó mới có những ký ức, những kỷ niệm đẹp đến như vậy.