Ký ức chiến tranh xúc động qua tác phẩm đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước
Hàng loạt các tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh có giá trị đặc biệt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, là kết quả nỗ lực lao động sáng tạo, thậm chí được đánh đổi bằng cả xương máu của người nghệ sĩ – chiến sĩ trên chiến trường sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 30-8.
Đặc biệt, dịp này, người dân và du khách đến Thủ đô Hà Nội có dịp chiêm ngưỡng 5 tác phẩm từng nổi tiếng trong lịch sử nhiếp ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng: Lửa thiêu máy bay Mỹ (Hải Dương, năm 1967), Nữ pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình, 1968), Xốc tới (Đường 9 Nam Lào 1971), Chống lầy đưa xe tăng vào trận (Quảng Trị 1972) và Đánh chiếm điểm cao 365.
Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường vào chiến dịch Khe Sanh trong tác phẩm "Chống lầy đưa xe tăng vào trận" |
Có chủ đề “Những khoảnh khắc để lại”, bộ ảnh nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo thành một cụm tác phẩm hài hòa trải theo không gian từ Bắc vào Nam, theo thời gian từ những ngày đầu nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng cầm máy cho tới lúc hy sinh.
Bộ ảnh, như nhận định của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão luyện Chu Chí Thành là khiến người trong nghề giật mình, khâm phục sự lăn xả của đồng nghiệp. Trong đó, tác phẩm “Đánh chiếm cao điểm 365” được tác giả chụp tại chiến trường Quảng Trị, chỉ trước khi hy sinh 2 tháng là “tột cùng bi tráng, tột cùng khốc liệt”.
"Xốc tới" - Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc các chiến sĩ Đại đội 11, Sư đoàn 324 truy kích địch tại mặt trận đường 9 |
Trong khi đó, các tác phẩm của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu là những “gam màu” khác hơn về chiến tranh, nhưng cũng không kém phần khốc liệt, được chuyển tải bằng ngôn ngữ của hội họa.
Ký ức chiến tranh qua tác phẩm hội họa của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu |
Tác phẩm "Được lịnh xuất kích" của họa sĩ chiến trường Cổ Tấn Long Châu |
"Đánh đến cùng" - tác phẩm khác của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu được chọn trưng bày |
Tác phẩm "Đồng chí Trung Kiên" |
Cùng với triển lãm, ban tổ chức còn trưng bày cuốn vựng tập giới thiệu toàn bộ 20 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao giải thưởng của 3 nhà điêu khắc (Tạ Quang Bạo, Phan Thị Gia Hương, Nguyễn Văn Quế), 5 họa sỹ (Nguyễn Bích, Cổ Tấn Long Châu, Bửu Chỉ, Lê Lam, Đỗ Sơn), 5 nhà nhiếp ảnh (Lương Nghĩa Dũng, Nguyễn Hữu Cấy, Hứa Thanh Kiểm, Lâm Tấn Tài, Mầu Hoàng Thiết)…
Tác phẩm "Nữ pháo binh Ngư Thủy" |