Làm gì để không còn những công trình xâm hại di sản như trên Mã Pí Lèng?
- Chuyên gia thế giới từng khuyến cáo nên xây điểm dừng chân ở đèo Mã Pì Lèng?
- Vụ công trình trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng: Đừng đưa sinh mệnh ra "dọa" pháp luật
- Tòa nhà trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực bảo vệ danh thắng
Bởi lẽ, những công trình trái phép xâm hại các di sản thiên nhiên nhưng chỉ đươc phát hiện, xử lý khi đã hoàn thiện, đi vào sử dụng không chỉ có mỗi Panorama.
Ngay trước Panorama Mã Pí Lèng, nửa cuối tháng 9 vừa qua, phim trường “Kong Skull Island – Kong: Đảo đầu lâu” tại danh thắng Tràng An đã buộc phải tháo dỡ theo khuyến nghị của UNESCO. Lý do là việc nội dung phục dựng ở phim trường không có trong văn hóa bản địa, làm biến dạng di sản.
Đèo Mã Pí Lèng – tâm điểm của dư luận những ngày qua. |
Năm 2018, cũng tại Khu di sản thiên nhiên thế giới Tràng An, công trình xây dựng đường lên núi Cái Hạ, dài đến hơn 1km, với hơn 2.000 bậc đá bị buộc phải tháo dỡ dù đang thu hút nhiều du khách. Điều lạ lùng là các công trình này đều được triển khai trong một thời gian dài, nhưng mỗi đêm khi đi vào hoạt động, thu hút đông khách du lịch thì các sai phạm mới được xử lý.
Công trình tổ hợp Panorama nằm ngay bên tuyến đường huyết mạch từ thành phố Hà Giang tỏa về các huyện, trong đó có Mèo Vạc, được xây dựng tại khu danh thắng nổi tiếng từ cả năm trước nhưng đến bây giờ các cơ quan ban ngành, các cấp mới vào cuộc ráo riết để xử lý sai phạm.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, các di sản, danh thắng nổi tiếng là những tài nguyên quý giá của địa phương, của quốc gia.
Việc khai thác các tài nguyên này để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, phục vụ khách du lịch là nhu cầu chính đáng của các địa phương. Không thể nhân danh bảo vệ các giá trị di sản, danh thắng mà tước đi cơ hội phát triển nhưng cũng không thể vì như thế mà các địa phương khai thác ào ào, phát triển lấy được.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, trong quá trình khai thác tài nguyên từ danh thắng, di sản nổi tiếng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương sẽ nảy sinh những mâu thuẫn nhất định giữa phát triển và bảo tồn. Các sai phạm, đặc biệt là những công trình xây dựng phá vỡ cảnh quan, làm ảnh hưởng đến các danh thắng, di sản tại nhiều địa phương thời gian qua là những trường hợp điển hình.
Nhận thức và khả năng của địa phương còn hạn chế. Muốn giải quyết những mâu thuẫn, đảm bảo cân đối, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở các khu vực này thì phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, cần có quy hoạch tổng thể tốt, mang tính chuyên nghiệp, ở trình độ chuyên môn cao.
Các quy hoạch này phải được xây dựng trên cơ sở phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Khi làm quy hoạch phải quan tâm chú ý làm sao để người dân địa phương phải là đối tượng được hưởng lợi và khi đã có quy hoạch thì phải thực hiện đúng, không vì lợi ích khác nhau mà phá vỡ quy hoạch.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng, lâu nay, những vấn đề vi phạm về di sản, danh thắng bắt nguồn từ việc chưa hiểu về phát triển du lịch bền vững.
Về nguyên tắc, khi phát triển du lịch ở các khu di sản phải đảm bảo bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn môi trường, đảm bảo người dân và cộng đồng địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ di sản, với tư cách là chủ thể văn hóa chứ không phải với tư cách là chỉ là người làm thuê cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không cần biết các nguyên tắc này. Họ chỉ cốt làm sao để có lãi, lãi càng nhiều càng tốt, không cần biết đến bảo vệ môi trường, thậm chí còn xâm hại đến các di sản, làm cho di sản, di tích bị hư hại.
Tuy nhiên, về chế tài xử phạt, trong Luật Di sản còn khoảng trống. Ví dụ như nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pí Lèng ở Hà Giang, công trình xây dựng không xâm hại trực tiếp vào di sản nhưng phá vỡ cảnh quan làm di sản bị ảnh hưởng rất nhiều. Về Luật Du lịch, chế tài để bảo vệ tài nguyên du lịch chưa có.
Ở hầu hết các vùng núi, hầu hết các tài nguyên này đều bị xâm hại, không xâm hại về văn hóa dân tộc thì văn hóa tự nhiên. Các công trình xây dựng ở Mã Pí Lèng (Hà Giang), Tràng An (Ninh Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mà báo chí phản ánh thời gian qua, dù là công trình có giấy phép hay không có giấy phép cũng đều là xâm hại tài nguyên tự nhiên.
Phục dựng trường quay ở Tràng An (Ninh Bình) là xâm hại về văn hóa vì văn hóa bản địa không có những thứ đó nhưng họ đưa vào làm dịch vụ, chỉ cốt để lấy lãi. Ngay cả xây dựng các công trình văn hóa mang tính chất tôn giáo như chùa chiền nhưng mang tính chất kinh doanh cũng tương tự.
Đã kinh doanh phải chịu các chế tài, quy định của pháp luật như một doanh nghiệp chứ không thể mập mờ là xây chùa phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh nhưng thực chất là phục vụ mục đích kinh doanh, làm dịch vụ. Nếu núp vào văn hóa cộng đồng bản địa để trục lợi là xâm hại văn hóa.
Lâu nay, di sản, di tích bị xâm hại dưới rất nhiều hình thức. Ngay cả việc tổ chức lễ hội, sinh hoạt mang tính cộng đồng của địa phương nhưng doanh nghiệp làm thay, Nhà nước làm thay khiến cộng đồng – chủ thể của lễ hội bị ra rìa cũng là một hình thức xâm hại di sản.
Về giải pháp cho các vấn đề nêu trên, theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, di sản, di tích ở địa phương nào thì địa phương đấy phải trực tiếp quản lý. “Để xảy ra sai phạm, địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết. Từ chủ tịch xã, chủ tịch huyện đến chủ tịch tỉnh đều phải chịu trách nhiệm.
Với các công trình lớn, sai phạm nghiêm trọng, cần kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, xử lý làm điểm và lấy đó tuyên truyền, cảnh báo các địa phương khác. Chúng ta cần phải quan tâm giáo dục ý thức cho người dân và cả lãnh đạo địa phương về phát triển du lịch bền vững.
Gần nhất là có thể lấy bài học Mã Pí Lèng làm bài học cho các địa phương và các địa phương cũng nên rà soát lại công tác quản lý, các công trình trong các khu di sản do địa phương quản lý. Tôi tin là nếu làm nghiêm túc, chắc chắn sẽ phát hiện ra vi phạm…”. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn khẳng định.