Làng nghề truyền thống Hà Nội chủ động vượt qua dịch COVID-19

09:19 13/04/2020
Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các làng nghề truyền thống Hà Nội chịu không ít tác động. Vượt lên khó khăn đó, nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề vẫn cố gắng cầm cự hoạt động, thay đổi cách thức sản xuất để phòng tránh dịch và chuẩn bị các điều kiện cho việc khôi phục sản xuất khi dịch bệnh đi qua.


Chuyển hướng sản xuất

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) vốn được biết đến là làng nghề nổi tiếng Hà Nội cũng như cả nước, với các sản phẩm gia dụng và thủ công mỹ nghệ. Nếu như trước kia, Phú Vinh hoạt động sôi động ngày đêm với các đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu thì khi dịch COVID-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa. 

Nghệ nhân Nguyễn Phương Quang chia sẻ, hiện tại các cơ sở không có đơn hàng mới mà chỉ hoàn thành các đơn hàng trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Trong khi cả nước đang thực hiện cách ly xã hội, việc sản xuất cũng không thể tập trung ở nhà xưởng như trước, mà phải đưa về các gia đình người lao động để làm.

Các gia đình ở làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng tiếp tục duy trì, sáng tạo ra những mẫu mã mới. Ảnh:  TTXVN

Đây cũng là thực trạng chung của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội trong thời điểm hiện nay. Với hơn 1.300 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề tham gia xuất khẩu hàng hóa thì đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động nông thôn. Hơn nữa, việc phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay là yêu cầu bắt buộc của toàn xã hội. Trước thực trạng đó, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Cũng trong tình trạng đó, chị Bùi Mai Lan, chủ xưởng thêu tay Tú Thị, làng nghề thêu Quất Động (huyện Thường Tín) cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, nhu cầu mua sản phẩm thêu và nhu cầu du lịch làng nghề không còn, do vậy làng nghề nói chung, xưởng thêu Tú Thị nói riêng đều gặp khó khăn. Các xưởng thêu trong làng cố gắng duy trì sản xuất, nhưng sản lượng bị giảm rất nhiều. Nhiều hộ thêu nhỏ lẻ chuyển sang làm những công việc khác. Tuy vậy, dù có khó khăn nhưng xưởng thêu Tú Thị vẫn duy trì hoạt động online, giới thiệu mẫu, nhận đặt qua mạng rồi trả hàng, chủ yếu là hàng thời trang.

Từ khi dịch COVID-19 diễn ra phức tạp cũng là thời điểm đối tác trong và ngoài nước yêu cầu các cơ sở sản xuất tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) tạm dừng sản xuất, giãn tiến độ thực hiện hợp đồng. 

Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái cho biết, bản thân doanh nghiệp của ông cũng nhận được thư yêu cầu của các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ đề nghị tạm dừng sản xuất với các đơn hàng đã ký, do tình hình dịch bệnh bùng phát nên hệ thống kinh doanh bên nước họ phải đóng cửa. Chỉ còn một số đơn hàng nội địa như đơn hàng cung cấp cho các khách sạn vẫn duy trì sản xuất nhưng quy mô, số lượng nhỏ. Để hạn chế dịch lây lan trong thời điểm này, công nhân làm việc phải ngồi cách nhau 2m, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay trong quá trình làm. Hơn lúc nào hết, ông cũng như các cơ sở sản xuất khác mong dịch COVID-19 sớm qua nhanh để khôi phục sản xuất.

Chuẩn bị các điều kiện hồi phục

Vốn là những người thợ cần cù, sáng tạo, trong thời điểm làng nghề sản xuất đình trệ do dịch COVID-19, các nghệ nhân, thợ giỏi vẫn miệt mài sáng tạo các mẫu mã mới, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng phát triển thị trường, chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh đi qua. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức lại phương thức quản lý, đào tạo lại đội ngũ nhân lực để thích ứng với tình hình mới.

Ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện nhân dân làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết, hiện nay toàn bộ các cửa hàng gốm sứ đóng cửa, chỉ còn một số cơ sở sản xuất duy trì hoạt động để đảm bảo cho các đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Trong thời điểm này, thay vì dừng sản xuất, các gia đình tiếp tục sáng tạo một số mẫu mã mới, cải tiến hình dáng, họa tiết, hoa văn, mầu men. Họ cũng làm những bài phối liệu mới phù hợp với màu sắc, khả năng chịu nhiệt, chịu độ co, tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khi dịch bệnh đi qua, các cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng có thể bắt tay ngay vào sản xuất, ứng dụng những mẫu mã, bài phối liệu mới. Một mặt, các cơ sở sản xuất cũng tổ chức dọn dẹp, chỉnh trang nhà xưởng, nơi làm việc để quy củ, gọn gàng hơn.

Cùng chung tình cảnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các hộ sản xuất tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng sản xuất cầm chừng. Tranh thủ thời gian này, họ tìm kiếm, sáng tạo thêm mẫu mã mới, tìm hiểu công nghệ dệt, nhuộm màu giữ được độ bền đẹp cho sản phẩm. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội Dệt lụa làng nghề Vạn Phúc cho biết, người dân tin tưởng dịch bệnh sớm được khống chế để họ quay trở lại hoạt động. Chủ xưởng thêu Tú Thị, làng nghề thêu Quất Động cũng cho hay, tranh thủ lúc nhàn rỗi đã tổ chức lại công tác quản lý, tổ chức nhân sự để khi dịch bệnh qua đi thì hoạt động tốt hơn, gồm cả hoạt động thêu lẫn hoạt động du lịch.

Trước những khó khăn do dịch bệnh mang lại, các cơ sở sản xuất tại làng nghề Hà Nội mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy vậy, họ cũng lo ngại với quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ.

Đinh Thuận

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文