Lễ hội đầu xuân: Khi trần tục len vào chốn linh thiêng

19:50 23/02/2016
Hiện nay ước tính ở Việt Nam có khoảng hơn 8.000 lễ hội. Tuy nhiên, bên cạnh tín ngưỡng tâm linh cần khích lệ, những nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ thì có không ít những lễ hội bị biến tướng, những điều phản văn hóa vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Như đã thành lệ, mùa xuân đến, mùa khởi đầu cho một năm mới, ai cũng mong cầu cho mình và gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc, người ta hy vọng và chờ đợi. Bước vào năm mới người tuổi có sao tốt thì không sao chứ phạm sao xấu như Kế Đô, Thái Bạch, La Hầu lại viết sớ dâng sao giải hạn, đó là tâm linh của không ít người tự bao đời. Nắm được tâm lý này mà nhiều thầy cúng thuê, bà khấn tung hoành ngang dọc tại các đình, các phủ.

Ngày xưa, chữ Nho là chữ thánh hiền, những cụ khoa bảng trong làng đức cao vọng trọng, được tôn kính, ai muốn đến để hỏi việc lớn phải đến tận nhà, chắp tay thưa gửi cung kính để cụ cho chữ, viết sớ. Ngày nay người từ trẻ đến già, không ít người xiêm áo xộc xệch, nói năng văng mạng, nằm ngồi ngả ngớn la liệt trước đình trước phủ. Phủ Tây Hồ, Hà Nội một di tích tín ngưỡng văn hóa tâm linh thờ mẫu Liễu Hạnh, tọa lạc bên Tây Hồ lộng gió, khách thập phương đổ về lễ bái rất đông.

Các "ông đồ" hành nghề ở phủ Tây Hồ.

Năm nay có một sự đổi mới rất lớn là không thu tiền vé xe của khách đến gửi mà tùy tâm tự bỏ tiền vào hòm công đức, hoặc không bỏ cũng không sao, số tiền tùy tâm này sẽ được gửi đến những nạn nhân bị chất da cam. Tuy nhiên, người ta thấy số lượng ông đồ hằng năm có phần tăng lên đáng kể. Các ông ngồi trải dài bắt đầu từ cửa phủ cho đến sát bãi gửi xe, ước tính khoảng 300 mét.

Nhiều ông đồ như vậy, cũng không hiểu ông đồ nào là thật, ông đồ nào là giả, ông đồ nào ít chữ, ông đồ nào nhiều chữ, ông đồ nào không biết chữ. Bởi vì khách cũng không biết chữ Nho, các ông ghi thế nào vào tờ sớ thì có ai kiểm duyệt được đâu.

Có "ông đồ" không biết chữ Nho thì cứ ghi chữ tiếng Việt. Thấy khách phàn nàn, ông bảo: "Ở đây cả trăm ông đồ, mấy ai trong họ là chữ nghĩa tử tế, chứ gọi là viết chữ Nho, mà viết quàng viết xiên, chữ tác đánh chữ tộ. Viết chữ sinh lại ra chữ tử. Viết chữ "sống" lại ra chữ "chết", thì nhà đấy chỉ có mà chết. Viết tiếng Việt cho lành”.

Khách thấy "ông đồ" nói thế cũng xuôi xuôi và xem ra không phải có lý. Ông đồ còn lấy dẫn chứng, chỉ tay sang ông đồ ở ngay gần đấy nói nhỏ với khách: "Ông kia thấy những năm trước  ông bạn mình viết sớ mùa lễ hội đầu năm thấy kiếm quá, nên cũng học cấp tốc tự bồi bổ, học ngắn hạn thì lấy đâu ra giỏi được. Chữ nghĩa là phải văn ôn võ luyện đây cứ như chạy đua lấy cờ thì bằng cấp chỉ là học sinh cấp 1 trường làng làm sao mà đòi viết sớ cho gia đình tín chủ cầu nọ, xin kia, thánh thiêng thánh biết hết. Viết sai là thánh quở chết…".

Chuyện các ông đồ "dìm hàng" nhau cũng không phải hiếm gặp. Các "ông đồ" ra đây ngồi cũng là tranh thủ kiếm thêm thu nhập trong mùa lễ hội nên viết càng nhiều sớ thì càng được thêm tiền. Liệu đơn vị văn hóa nào kiểm duyệt về khả năng thông thạo chữ Hán chữ Nho của mấy ông đồ?! Và liệu những ông đồ có đủ đạo đức để viết sớ cho người dâng sớ hay không hay chỉ làm vì một chữ tiền?!

Các "ông đồ" hành nghề ở phủ Tây Hồ.

Trước kia các cụ khoa bảng trong làng trước khi viết sớ cho ai, các cụ rửa mặt, rửa tay sạch sẽ ngồi trang nghiêm, nghiêm ngắn để viết sớ, còn ngày nay bàn tay các "ông đồ" vừa viết xong quay ra đếm tiền, đếm tiền xong thì lại viết sớ. Bàn tay vấy bẩn, bàn tay cầm tiền xong lại quay sang cầm bút, cầm bút xong lại quay sang cầm tiền. Bàn tay chi phối bởi đồng tiền thì liệu lá sớ ấy có linh nghiệm?!

Bia Bà là một quần thể di tích văn hóa ở phường La Khê, quận Hà Đông, cách trung tâm thành phố Hà Nội 15 km. Nơi đây nức tiếng là một không gian văn hóa tâm linh rất được khách thập phương tin tưởng và ưa chuộng, là một tổng thể hài hòa thống nhất, bao gồm chùa Diên Khánh, đình La Khê, Bia Bà. Lượng người đổ dồn về ngay từ những ngày đầu xuân đã đông vô số kể...

Tại phủ Bia Bà, ngay chính giữa điện là một bàn rộng dài cho khách thập phương vào dâng hương đặt hoa cúng lễ, nhưng ở hai bên bàn là các bà, các cụ mỗi cụ một ghế nhựa ngồi dọc chuyên hành nghề khấn thuê. 

Cụ nào cũng có một cái đĩa sứ con con và hai đồng xu sấp ngửa. Khách thập phương có nhu cầu khấn nhưng không biết bài bản, sẽ thuê các cụ khấn giùm và mỗi cụ được trả công ít nhất là 50.000 đồng một lần, tín chủ nào hào phóng thì biếu cụ 100.000 hay 200.000 tùy tâm. Cụ khấn to, vừa khấn cụ vừa hỏi nhà ở đâu, tên gì? Thời gian khấn thuê chỉ kéo dài chưa đầy 5 phút. Các cụ thấy ai vào cũng hỏi có cần khấn thuê không?

Có cụ thấy khách bảo: "Con cám ơn cụ, con tự khấn được" là xem ra cụ không hài lòng. Cụ bảo đứng dẹp ra để lấy chỗ, cụ còn khấn hộ, khấn thuê cho người khác. Tình trạng này diễn ra từ rất nhiều năm nay nhưng vẫn không dẹp được. Mấy chị bán nước ở đình làng La Khê bảo, chỉ các cụ ở đây mới có được lợi lộc kiếm ăn này chứ dân làng khác đến đố mà thò chân với tay vào cái cửa kiếm ăn đấy được. Chỉ các cụ là người trong làng mới được ưu tiên…".

Cảnh khấn thuê ở Bia Bà La Khê, Hà Đông.

Một bác khách từ xa đến thấy các cụ khấn thuê cứ huyên náo cả lên, bác bảo: "Dịch vụ khấn thuê này có từ lâu lắm, tôi lễ ở đây gần chục năm trời mà năm nào cũng thấy dịch vụ này. Các cụ chỉ nói dăm câu ba chữ chỉ khoảng 5 - 7 cái gạch đầu dòng, khách thập phương cũng có thể tự khấn. Mình khấn là khấn từ tâm của mình, từ sự thành kính và trang nghiêm, từ cõi lòng sâu thẳm, nhờ các cụ khấn thuê, có cụ đã già, chữ nọ đánh sang chữ kia, nhầm tên, nhầm địa chỉ hay hỏi đi hỏi lại đến vài lần mất hết cả linh nghiệm, trang nghiêm."

Bác kể, ngày xưa ở làng bác người khấn thuê là người có đạo đức, có uy tín ở trong làng, đọc thiên kinh vạn quyển chữ thánh hiền, ngày nay do cơm áo gạo tiền người ta hành nghề khấn thuê. Cái miệng buông xả ra những ngôn từ tục tĩu, mắng con chửi chồng. Cái miệng vì đồng tiền sẵn sàng nhảy đanh đách vào mặt người khác. Cái miệng kém duyên chỉ thích kiếm chuyện làm quà hay nói những lời điêu trác thì làm sao mà khấn thuê. Người nhờ khấn thuê, và người đi khấn thuê cho thiên hạ cũng nên biết điều này.

Bình luận về những phản cảm trong lễ hội hiện nay, Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, GS Ngô Đức Thịnh phân tích: "Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. "Lễ" là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính con người với thần linh, phản ánh những giấc mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. "Hội" là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống.

Lễ hội là hoạt động tập thể và thường liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Con người khi xưa rất tin vào trời đất, thần linh. Các lễ hội cổ truyền phản ánh hiện tượng đó. Tôn giáo thông qua lễ hội để thần linh hóa những thứ trần tục, nhưng trải qua thời gian, ngày nay lễ hội mang tính chất văn hóa nhiều hơn, mà là văn hóa mang tính chất giải trí là chính vì vậy hình thức các lễ hội bị biến tướng đi rất nhiều.

Hiện nay ở những nơi linh thiêng cần được tôn kính, trang trọng thì con người lại mang đời sống trần tục cả những nơi thanh tịnh nhất như nơi tín ngưỡng tâm linh".

Mỹ Trân

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

Lợi dụng việc khan hiếm tăng giá vật liệu xây dựng, 6 đối tượng 9X từ Nghệ An vào Đà Nẵng lập nhóm "cung cấp sắt thép công trình giá rẻ" trên mạng xã hội để kết nối, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền cọc hàng của hàng loạt nạn nhân tại Đà Nẵng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文