Một di tích lịch sử cấp quốc gia đang bị... lãng quên
Đồn điền Cada (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) không chỉ là một trong những đồn điền ra đời sớm nhất ở Tây Nguyên mà còn là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong công nhân của tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm được công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, đến nay quần thể di tích này đang trong tình trạng xuống cấp nhanh chóng và bị xâm hại nghiêm trọng bởi công tác quản lý lỏng lẻo.
Được ra đời trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp ở Đông Dương vào năm 1922, đồn điền Cada (còn gọi là Công ty Nông nghiệp Á Châu) với diện tích ban đầu gần 2.000ha, số vốn đầu tư là 50.000 Frs (quan tiền Tây) chuyên kinh doanh cà phê và trà. Ngoài diện tích trồng cà phê và trà, để thuận tiện cho việc khai thác và chế biến, thực dân Pháp đã cho xây dựng hàng loạt hạng mục công trình tại đây như: Nhà ở cho giám đốc và phó giám đốc; văn phòng làm việc; nhà kho; chợ; cửa hàng; trạm gác; trạm y tế; kho xăng dầu; nhà khách; bưu điện; nhà ở cho thợ máy, thợ điện, lái xe và công nhân…
Tường rào, cửa kính, cổng bị xâm hại nghiêm trọng. |
Cũng như bất kỳ nơi nào khác trong các đồn điền của thực dân Pháp ở Việt Nam, tại đồn điền Cada, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách bóc lột công nhân bằng việc trả lương rẻ mạt, lao động khổ sai và biến họ trở thành những người nô lệ. Trước tình hình đó, với bản chất cách mạng của mình, đội ngũ công nhân ở đồn điền Cada đã đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi, liên tục từ những năm 1927 đến năm 1939. Vào tháng 2-1940, tại đồn điền Cada đã nổ ra một cuộc đình công lớn của công nhân, buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Cada cũng là nơi ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong công nhân của tỉnh Đắk Lắk. Sáng 18/8/1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời của đồn điền, đánh dấu mốc son sáng ngời của đội ngũ công nhân đồn điền Cada trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đắk Lắk. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, công nhân đồn điền Cada còn tham gia vào cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa xuân 1975, giải phóng Đắk Lắk, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những dấu ấn lịch sử trên, ngày 26/1/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp Bằng công nhận đồn điền Cada là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2009, di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư trùng tu tôn tạo với kinh phí 5,9 tỷ đồng gồm các hạng mục miếu thờ, nhà trưng bày, sân vườn nội bộ… đến nay dự án mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 là tu sửa miếu thờ và 2 ngôi nhà trưng bày. Các hạng mục còn lại bị bỏ hoang dẫn đến hư hỏng nặng, tường rào đã đổ sập vài chục mét, cửa sắt bị bẻ cong, xung quanh cỏ dại um tùm, rác chất thành đống, phân trâu bò rải rác khắp nơi. Khu vực sân di tích còn bị một số hộ dân tận dụng đổ vỏ cà phê, phế phẩm nông nghiệp ủ phân vi sinh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tuế (77 tuổi, trú tại buôn Ea Yông A2, xã Ea Yông), một trong những công nhân của đồn điền qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước buồn bã cho biết: “Nơi đây không chỉ là nơi ghi nhận những công lao to lớn của nhiều thế hệ yêu nước từ đầu thế kỷ XX đến nay mà còn là nơi cất giấu tài liệu, có giá trị về mặt lịch sử, là biểu tượng về tinh thần yêu nước của người dân Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Thế mà lâu nay, quần thể di tích này không được tu bổ nên bị xuống cấp nghiêm trọng”. Còn đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng, việc di tích bị xuống cấp đã được nói đến từ lâu, nhưng chính quyền địa phương đành bất lực do kinh phí quá hạn hẹp.