NSND Trà Giang: "Chị Tư Hậu" duyên dáng cùng năm tháng
- NSND Trà Giang: Người đàn bà hướng nội
- NSND Trà Giang: Hội họa đã cứu vớt đời tôi
- Triển lãm “Mùa xuân” của NSND Trà Giang
Kể từ vai diễn năm 20 tuổi ấy cho đến nay, dù đã hơn nửa thế kỷ, NSND Trà Giang cũng đã tạm rời xa chốn phim trường, nhưng những đóng góp của bà đối với điện ảnh Việt Nam thì không ai có thể phủ nhận được.
NSND Trà Giang sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi. Năm 1955, bà theo gia đình tập kết ra Bắc. Được thừa hưởng năng khiếu từ người cha của mình (NSƯT Nguyễn Văn Khánh, Trưởng đoàn Văn công Liên khu V) nên ngay từ bé, Trà Giang đã rất thích âm nhạc, thích múa, hát. Và cũng không ai khác mà chính cha của bà đã là người đầu tiên "đọc" ra được năng khiếu diễn xuất của cô con gái nhỏ. Chính ông đã chụp các bức ảnh chân dung cho bà để khuyến khích bà gửi đơn đăng ký dự thi tuyển sinh lớp diễn viên điện ảnh.
NSND Trà Giang cùng chồng và con gái. |
"Không biết nhờ tài chụp ảnh của ba hay nhờ tôi "ăn ảnh" - NSND Trà Giang chia sẻ - nên tôi có tên được chọn học ở Trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên cùng với các lớp anh chị như: Kim Chi, Minh Đức, Thụy Vân...
Thời ấy, các chuyên gia nước ngoài thường sang hỗ trợ đào tạo cho ngành điện ảnh trẻ Việt Nam, cho nên chúng tôi được rèn luyện bài bản lắm. Ai cũng háo hức chờ đợi vai diễn, mong muốn được thử vai... Khi phim "Vợ chồng A Phủ" khởi quay, chị Đức Hoàn được chọn đóng vai cô Mị; chị Mai Châu vào vai bà vợ cả Thống lý Pá Tra; anh Trần Phương vào vai A Phủ; còn chúng tôi cũng được chọn đóng vai các cô gái dân tộc vùng cao Tây Bắc, mà chỉ là diễn viên quần chúng, không thấy rõ mặt cô nào đâu, nhưng ai cũng rất vui và háo hức…".
NSND Trà Giang vào vai chính chị Tư Hậu trong bộ phim điện ảnh cùng tên của Đạo diễn Phạm Kỳ Nam năm bà 20 tuổi, là vai diễn thứ hai trong đời bà sau vai chị Kiên trong phim "Một ngày đầu thu" (Đạo diễn Huy Vân, Hải Ninh) năm 1962. Phim nói về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam Việt Nam tên là Tư Hậu trong kháng chiến chống Pháp. Phim được chuyển thể từ kịch bản là tác phẩm văn học của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958: tác phẩm "Một chuyện chép ở bệnh viện".
NSND Trà Giang trong vai chị Tư Hậu. |
Vào vai chị Tư Hậu, Trà Giang đã thể hiện chân thành và truyền cảm những trạng huống, tình cảnh hạnh phúc, tủi nhục, đau khổ cùng sự vươn lên cứng cỏi về ý chí, làm sáng tỏ quá trình biến đổi nhân vật từ một phụ nữ Nam bộ yếu đuối, thụ động, thành một phụ nữ tích cực, chủ động trong cuộc sống riêng và chung... Một nhà báo hồi ấy đã nhận xét, với vai diễn này, Trà Giang đã bộc lộ một khả năng nhạy cảm, tinh tế khi bộc lộ những rung động nội tâm của nhân vật. Đặc biệt là diễn xuất rất xuất sắc hình tượng người phụ nữ miền Nam. Ánh mắt của chị Tư Hậu, qua diễn xuất của NSND Trà Giang đã và sẽ còn để lại những ấn tượng nghệ thuật đậm nét và lâu bền cho người xem phim.
Phim "Chị Tư Hậu" ngoài giải Bông Sen Vàng trong nước, đã nhận được Huy chương Bạc tại LHP Quốc tế Matxcơva (1963). Bản thân NSND Trà Giang được tuyên dương về diễn xuất. "Bằng ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng, giàu cảm xúc, bộ phim "Chị Tư Hậu" đã lý giải một cách tự nhiên và đầy thuyết phục cội nguồn sức mạnh giúp chị Tư Hậu từ một người đàn bà đau khổ, tuyệt vọng đã vượt lên số phận để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Bộ phim tạo được sự xúc động cho người xem và để lại ấn tượng mạnh về hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh".
Bộ phim thành công, có nhiều người đã đặt câu hỏi, vì sao đạo diễn Phạm Kỳ Nam lại chọn Trà Giang mà không phải là một diễn viên gạo cội nào khác, ông đã trả lời rằng, khả năng thể hiện tình cảm chân thành đã được NSND Trà Giang bộc lộ qua chị Kiên, vai diễn đầu tiên của bà trong phim "Một ngày đầu thu".
Khi đó, đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ xem bản nháp nhưng ông đã mạnh dạn quyết định chọn Trà Giang. Sau này nghĩ lại, ông cho biết còn một nguyên nhân nữa là do sức biểu cảm mạnh mẽ của đôi mắt Trà Giang. Đôi mắt ấy to, sáng, đẹp, lại như có lửa cháy trong đó và ánh nhìn khiến người ta tin cậy. Khuôn mặt hay hình thể có thể hóa trang cho già dặn hơn nhưng đôi mắt thì không. Mà đôi mắt có thần lại là yếu tố vô cùng quan trọng đối với nghề diễn.
NSND Trà Giang khi được hỏi về những kỷ niệm trong thời kỳ đóng phim "Chị Tư Hậu" đã cho biết, đạo diễn quả thật là rất bạo khi quyết định chọn Trà Giang. Bởi lẽ, với một vai diễn khốc liệt như chị Tư Hậu đòi hỏi phải là một phụ nữ rất bản lĩnh, chưa kể yêu cầu đầu tiên lại phải là người miền Nam mới có khả năng lột tả được hết cái "chất Nam Bộ" của nhân vật này. Trà Giang lại là người miền Trung, theo gia đình ra Bắc tập kết đã lâu nên gần như ai cũng nghĩ bà là người Bắc.
Bà chia sẻ: "Hồi nhỏ, tôi đã từng theo ba mẹ lên vùng kháng chiến, rất gian khổ, nhìn những trận Tây đưa quân đi càn, bắn giết nhân dân. Cảnh ba tôi đi hoạt động, má tôi bị bắt. Tôi cảm nhận được những điều có trong kịch bản và sống thật với tình cảm nhân vật. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ ba mình. Cái tên Trà Giang cũng đã có từ lúc tôi sinh ra vào năm 1942. Quê ba tôi ở Quảng Ngãi, có con sông Trà Khúc. Ba lấy mẹ là người Phan Thiết. Tôi sinh ra ở Phan Thiết và cả 6 anh chị em tôi đều được ba mẹ đặt tên về quê hương Quảng Ngãi. Anh lớn là Ấn Sơn (núi Thiên Ấn), rồi đến Trà Giang, Bút Sơn, Thạch Bích…
Tình yêu quê hương của ba đã truyền lửa cho chúng tôi luôn hướng về quê hương mình. Nghề diễn nó lạ thế đấy, mình còn trẻ lại vào vai chững chạc. Thật ra, để vượt qua những khoảng cách về lứa tuổi hay văn hóa vùng miền không phải là khó nhưng cái khó khăn hơn và cũng là bí quyết để vai diễn thành công là nghệ sĩ cần phải sống thật với vai diễn, với cảm xúc.
Có một kỷ niệm gắn bó với phim "Chị Tư Hậu" khiến tôi không bao giờ quên. Đó là trong giờ giải lao phiên họp Quốc hội, một đại biểu đến tìm tôi, bắt tay cảm ơn vì quá cảm kích về nhân vật chị Tư Hậu. Và thật bất ngờ anh ấy xưng chính là... chồng chị Tư Hậu thật ở ngoài đời. Tôi sung sướng đến chảy nước mắt mà không tin được tại sao lại có được sự tình cờ hay đến vậy? Anh còn cho biết các con của chị Tư Hậu cũng quý mến và luôn mong gặp được tôi… Tôi nghĩ, chỉ có làm điện ảnh thì cuộc đời tôi mới có sự gặp gỡ tình cờ như vậy mà thôi".
NSND Trà Giang bên giá vẽ. |
Mười năm sau vai diễn chị Tư Hậu, cũng tại LHP Quốc tế Matxcơva, Nghệ sĩ Trà Giang tiếp tục nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc vai Dịu trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" - (Đạo diễn Hải Ninh). Đến năm 1987, với vai Hương trong phim "Huyền thoại về người mẹ" (Đạo diễn Bạch Diệp), Trà Giang tiếp tục nhận giải diễn viên xuất sắc trong LHP Việt Nam lần thứ VIII. Hương cũng là một hình tượng đẹp về người phụ nữ miền Nam trong đấu tranh.
Tính từ buổi ấy cho đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, NSND Trà Giang đã khẳng định được tên tuổi của mình qua 17 vai diễn. Nhiều vai diễn của bà đã mang lại cho nền điện ảnh Việt Nam những hình tượng nhân vật người phụ nữ trong chiến tranh: dịu dàng, tiết hạnh mà quả cảm, can trường… để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem nhiều thế hệ như chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên (1963), Dịu trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (1972), mẹ Thu trong "Em bé Hà Nội" (1974), Nhân trong "Ngày lễ thánh" (1976), Lan trong "Mối tình đầu" (1977), Hương trong "Huyền thoại về người mẹ" (1987), Vợ ba Đề Thám trong "Thủ lĩnh áo nâu" (1987)...
Sau khi hóa thân thành nữ biệt động Cần Thơ hy sinh trên sông Ninh Kiều trong phim "Dòng sông hoa trắng" (Đạo diễn NSND Trần Phương) vào cuối thập kỷ 80, Trà Giang không đóng phim nữa.
Có người bảo bà giữ tiếng, nhưng bà khẳng định không phải vậy. Sau những ngày tháng chiến tranh, đất nước chuyển qua một thời kỳ khác, bà thấy đề tài của những năm đổi mới không còn phù hợp với bà nữa. NSND Trà Giang cho rằng cái duyên trời cho người diễn viên chỉ nên làm vừa "đủ" mắt của khán giả, không nên để khán giả phải vì mình mà cố xem rốn!
NSND Trà Giang có một cuộc hôn nhân trọn vẹn với người chồng là cố Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Ông vốn là thành viên trong đoàn văn công của cụ thân sinh NSND Trà Giang.
Bà chia sẻ: "Hồi ấy, tôi 25 tuổi, anh Ngọc 27 tuổi. Sau này, tôi đã cảm nhận một cách sâu sắc rằng, tôi đã gặp may khi lấy được anh ấy. Khi chồng tôi còn sống, tôi đã nói điều này với anh bởi tấm lòng, sự hiểu biết và sự hy sinh mà anh ấy dành cho mình. Yêu và lấy nghệ sĩ, anh ấy phải đối diện với nhiều điều ra tiếng vào, kể cả những đồn đại trong giới nghệ sĩ. Nhiều người hỏi anh, có ghen không? Ai mà không ghen, nhưng đã xác định vợ là nghệ sĩ rồi mà. Tôi đã được gặp một người chồng bao dung, đức độ và thương vợ hết lòng. Tôi sinh được duy nhất một người con gái là Bích Trà, ghép tên đệm của mẹ và cha. Bích Trà đã theo nghiệp đàn của bố. Thời bao cấp, nhà nghèo nhưng chúng tôi cũng dành dụm tiền mua đàn piano cho con, nhắc nhở con học hành đến nơi đến chốn và không được lùi bước. Chỉ tiếc là anh Bích Ngọc đã không được chứng kiến thành quả của Bích Trà sau 26 năm xa Tổ quốc và lập nghiệp nơi đất khách, không tận hưởng được hạnh phúc mà anh ấy luôn mơ về con gái mình…".
Hiện nay, hầu hết thời gian của NSND Trà Giang là ngồi bên giá vẽ để chuyển tải những tâm trạng của mình qua cây cọ như là một nguồn tâm sự, sẻ chia cho vơi bớt những cô đơn. Bà thường vẽ với gam màu tím, vàng chủ đạo.
Bà thích vẽ hoa và tĩnh vật; vì ở trạng thái này bà được tĩnh lặng đến cùng với những cảm xúc của mình trong căn phòng ngập sắc màu với những trạng thái dịu nhẹ, gợi cảm xúc buồn, buồn nhưng không tê tái mà là yên bình, sâu lắng. Có một dạo bà lại vẽ nhiều tranh phong cảnh.
Một số bức vẽ phong cảnh nông thôn, có khi là cánh đồng buổi chiều; làng quê trưa nắng hoặc một làng quê biển với ngôi nhà lá nghèo nàn, một lu nước nhỏ đơn sơ... Lúc ấy, gam màu vàng của cát dễ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người vẽ. Chẳng hạn, vẽ một bãi biển Quảng Trị, gam màu cát vàng chiếm khoảng không gian rộng và màu của nước biển, của trời trải dài nó là sự cảm nhận đầy ấn tượng của bà về vùng quê biển miền Trung.
Hoặc bức "Hoàng hôn trên sông Trà" là màu của ráng chiều lấp lánh, trong khoảnh khắc ánh sáng sắp chìm khuất. Đôi khi thế giới trong tranh đã giúp bà tìm lại những ngõ phố quen thuộc ở Hà Nội lúc chớm thu: Hà Nội với hình ảnh Hồ Gươm và cô gái ngồi một mình dưới tán phượng đỏ. Hình ảnh Hà Nội này rất quen thuộc với nhiều người nhưng NSND Trà Giang lại thích cái sắc màu ấm áp, nhẹ nhàng ấy. Cảnh sắc rất trong sáng nhưng vẫn gờn gợn một nỗi buồn nhẹ, lãng mạn.
Vẽ tranh cũng là cách bà "đi" lại dọc chiều dài đất nước, những nơi mà bà đã dừng chân để hóa thân vào vai diễn của mình... Những bức tranh của bà cũng như những vai diễn và cũng là chính cuộc đời bà, ở vào lứa tuổi nào, thời điểm nào cũng nhẹ nhàng, duyên dáng và điềm tĩnh. Bà khiến chúng ta trân trọng về những thành quả nghệ thuật đầy dấu ấn của một thời vang bóng...