NSND Thái Bảo: Đời nghệ sĩ đôi khi là gấm hoa, đôi khi là cay đắng

14:20 04/02/2016
"Là người nghệ sĩ thì phải chấp nhận sống với áp lực và thị phi thêu dệt của người đời. Có những lúc đời là gấm hoa, và đôi khi đời là cay đắng..." - NSND Thái Bảo tâm sự.


Tôi quen Thái Bảo dễ đến hơn chục năm rồi. Đợt trao danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua, chưa kịp nhắn tin chúc mừng chị trở thành NSND, chị đã chủ động liên hệ với tôi. Chị bảo, vẫn dành cho tôi một cuộc trò chuyện, có thể tôi muốn từ lâu nhưng với chị, bây giờ là đúng lúc. Đời nghệ sĩ mà, nhiều ẩn ức lắm, nhiều điều không phải một chốc một lát, một sớm một chiều có thể giãi bày. 

Từ lúc mới 11 tuổi rời miền quê Nghệ An ra Hà Nội học đàn bầu, đến nay Thái Bảo đã có hơn 30 năm làm nghệ thuật. Chặng đường dài đó có bao nhiêu là gai dưới chân, bao nhiêu là sỏi đá dưới chân, bao nhiêu cái vấp ngã và bao nhiêu lần đứng dậy, chắc có lẽ chỉ Thái Bảo mới tự hiểu mình. 

Khán giả hôm nay nhìn thấy Thái Bảo trên sân khấu, với danh hiệu NSND, là danh hiệu cao quý nhất cho cuộc đời một nghệ sĩ biểu diễn, nhưng ít ai hiểu hết những mồ hôi, nước mắt, thiệt thòi và cả những hy sinh chị chịu đựng trên suốt hành trình dài làm nghệ thuật. Và chúng tôi ngồi cùng nhau, trên căn gác nhỏ nhà chị, tạm bỏ quên buổi chiều cuối năm đang vội vã phía dưới đường. Những chia sẻ rất thật lòng của nữ ca sĩ về tình đời, tình người, về gia đình và nghệ thuật.

Không có ai "to hơn" trong nhà

- Chị Thái Bảo thân mến, từ hôm được nhận danh hiệu NSND đến nay chị đã đi biểu diễn lần nào chưa? Cảm xúc của chị ra sao khi MC của chương trình giới thiệu tên đi kèm với danh hiệu NSND cao quý?

+ Mình đã đi diễn mấy buổi rồi, từ khi nhận danh hiệu NSND. Cảm xúc ư, nói thật là khi các bạn giới thiệu chương trình đọc tên mình đi kèm danh hiệu, lòng mình tràn đầy một cảm giác lạ lẫm, thậm chí có chút ngại ngùng, e dè. Không biết đối với các đồng nghiệp khác thế nào, c̣n đối với mình, danh hiệu NSND là một điều gì đó rất thiêng liêng, là thước đo sự công nhận của đông đảo công chúng dành cho lao động của một người nghệ sĩ. 

Hôm trước vừa diễn ở một chương trình lớn, khi MC giới thiệu NSND Thái Bảo, khán giả vỗ tay rất to. Mình bước ra với cây đàn ghi ta và hát lại ca khúc “Vết chân tròn trên cát”, cứ hết một câu khán giả lại vỗ tay vang cả hội trường. Chỉ thế thôi mà mình về mất ngủ cả đêm. Mình thấy đời người ca sĩ quá hạnh phúc. Mình giờ là NSND, ngỡ như vậy là đã già rồi, đường chiều rồi, mà mình vẫn còn được khán giả ủng hộ nhiều như thế, sao mình có thể phụ lòng khán giả được.

- Trong nhà chị hiện nay đang có 1 NSND, 1 NSƯT, là đức lang quân của chị, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh. Chắc có lẽ NSND thì phải “to” hơn NSƯT rồi, đúng không chị?

+ Không đâu, các danh hiệu chỉ treo trên tường thôi (cười), còn trong nhà thì không có ai to hơn đâu. Vả lại mình có “to” đến mấy thì mình vẫn là phụ nữ. Trong nhà phải có lớp lang trật tự, đàn bà ai cũng thích được bé nhỏ, chiều chuộng, tin mình đi. Cuộc đời người nghệ sĩ lấp lánh chỉ là trên sân khấu, còn về đến nhà là phải biết bỏ rất nhiều thứ ngoài cánh cửa, sống với những gì giản dị, gần gũi nhất, thật nhất của chính mình. Gia đình mình là như vậy đấy, chia sẻ với nhau, không ai có ý định “to” hơn người khác.

- Hai nghệ sĩ sống cùng một nhà, lại có người nổi tiếng nhiều hơn, người nổi tiếng ít hơn, mà thuận hòa trong suốt gần 3 thập kỷ qua, chắc chắn chị phải có bí quyết…

+ Bọn mình lấy nhau đều rất nghèo. Ngày xưa mỗi lần đi diễn, mình được chồng chở trên chiếc xe đạp mi-fa. Anh là nghệ sĩ chơi trống trong dàn nhạc. Lương nghệ sĩ ba cọc ba đồng bạn biết rồi đấy. Nhiều bạn gái của mình lấy chồng có vị trí, có điều kiện, các bạn ấy yên phận hơn, còn mình, dĩ nhiên phải long đong hơn chuyện kiếm tiền. Vất vả, nhưng mình luôn bằng lòng với lựa chọn của mình. Cuộc sống vốn không hoàn hảo, nếu mình luôn đòi hỏi mình phải có nhiều tiền, có xe đẹp, nhà sang, thì mình sẽ không thể sống yên ổn bên chồng mình được. Mình phải hiểu đâu là giá trị thực của đời mình.

- Là nghệ sĩ nổi tiếng, ra đường luôn có nhiều người hâm mộ, nhiều người theo đuổi. Những phút xao lòng làm sao có thể nói là không có. Vậy phải ứng xử thế nào thưa chị?

+Làm người của công chúng thì ra đường có người yêu thương, hâm mộ là chuyện dễ hiểu. Mình cũng có những phút xao lòng chứ, trái tim mình là trái tim nghệ sĩ mà. Nhưng mình luôn hiểu được đâu là giới hạn. Mình sợ tổn thương lắm. Có những thứ tình rất đẹp, rất trong sáng, chỉ một chút không định vị được giới hạn là vẻ đẹp của nó có thể mất đi, rất đáng tiếc. 

Mình vốn được gia đình giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ, nên tính cách rất rạch ròi. Cuộc sống vốn chằng chịt mối quan hệ. Tiền bạc, tình cảm, xin-cho, đều là quan hệ cả đấy. Mình không bao giờ nhập nhèm, mình thích sự đàng hoàng, cái gì ra cái đấy, tránh gây phiền phức hay tổn thương cho chính mình và cho người khác. Trong quan hệ với những người bạn, mình luôn tự nhủ, đừng làm tan nát gia đình người ta, cũng như đừng làm tan nát gia đình mình, đừng gây vết thương cho chồng mình, con mình, họ sẽ buồn và đau lắm.

Thực lòng mà nói, mình rất thương chồng mình. Anh ấy sống với một người vợ nổi tiếng nghĩa là đã phải chịu rất nhiều áp lực rồi. Bao nhiêu năm, chồng mình, con mình đã ở cạnh, hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện để mình được làm nghệ thuật, được thăng hoa trên sân khấu, được cống hiến những gì đẹp nhất cho khán giả. Mình biết ơn chồng con. Cho nên, khi về đến nhà là mình bỏ tất cả, làm một Thái Bảo của gia đình, sao cho mọi chuyện giản dị hài hòa nhất. 

Dù có thể nghề của mình kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng bao giờ mình cũng tôn trọng ý kiến của chồng. Hai vợ chồng cùng quyết định dù là chuyện nhỏ hay lớn. Đấy, cuộc sống chỉ là đơn giản vậy thôi. Mình không phải đàn bà tính toán, nhưng “toan tính” thì có. Toan tính để làm sao cuộc sống vừa vặn với mình, lường trước mọi chuyện để luôn được yên ổn. 

Ngày còn trẻ, chồng mình cũng hay ghen lắm. Mình cũng ghen không kém. Hai vợ chồng thường hay “soi” điện thoại, tin nhắn của nhau, rồi có lúc giận dỗi. Nhưng càng ngày cả hai cùng hiểu rằng hãy dành cho nhau một khoảng trời riêng. Ngay cả con cũng phải có khoảng trời riêng của nó. Không cần phải nuôi các mối nghi ngờ làm gì. Chỉ cần ai cũng xác định rằng, gia đình là tổ ấm thật nhất, đi đâu và làm gì cũng hướng về đó.

Gia đình NSND Thái Bảo.

- Đàn bà tỉnh táo như chị thì cửa nhà bình yên, nhưng sợ rằng, tỉnh táo sẽ làm mất đi con người nghệ sĩ vốn bay bổng, lãng mạn. Tỉnh táo khiến cho những giây phút thăng hoa, những giây phút được sống là mình, sống cho chính mình cũng mất đi. Biết đâu một lúc nào đó ngồi một mình ngẫm lại, có thể có những điều chị sẽ tiếc nuối?

+ Mình nghĩ, mình không phải thần thánh để xoay chuyển được số phận. Ông Trời đã sắp đặt cho mình một định mệnh, và mình đi theo sự sắp đặt đó. Mình có tính toán đến đâu cũng khó mà vượt ra ngoài định mệnh. Chuyện tình cảm vốn tế nhị, cuộc đời lại rất phức tạp, còn mình lại là người của công chúng, đi đâu ai cũng biết, cũng quen nên mình rất dè dặt trong giao tiếp. Chơi với ai, mình giữ hình ảnh cho mình, và cũng giữ uy tín cho cả bạn mình nữa. Mình nghĩ, nghệ sĩ ngoài tài năng, còn là nhân cách, là cách sống, là ứng xử với mọi người. Mình tự nhủ, thôi chịu thiệt thòi tí đi, mình sẽ được yên ổn. Còn hạnh phúc hay không, chỉ tự mình mình biết. Vả lại hạnh phúc là thứ đâu có thể nói to được.

- Nhìn lại, dù đã trở thành NSND, nhưng hình như Thái Bảo vẫn chưa từng có một live show riêng, chưa có DVD, chưa có MV hay clip âm nhạc nào cả. Vì sao vậy chị?

+ Thực chất của sự “nghèo nàn” sản phẩm này là mình không có nhiều tiền để thực hiện thôi. Mình có một CD có tên là “Ru con mùa đông”. CD ấy là do một Mạnh Thường Quân tài trợ tiền. Ông ấy là đại sứ của Thụy Sĩ, nhiều năm gắn bó với Việt Nam. Trước khi về nước, ông có chia sẻ là ở Việt Nam ông chỉ thích 3 ca sĩ, trong đó có Thái Bảo. Ông muốn giúp mình làm 1 CD ca nhạc. Ông còn mời cả một nhạc trưởng từ Thụy Sĩ sang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cho mình hát để thu âm. Chuyện này chồng mình biết. Anh nói, người ta hâm mộ giọng hát của vợ, muốn giúp đỡ vợ một cách vô tư, vì nghệ thuật, thì mình nhận. 

Và đó cũng là câu chuyện tài trợ duy nhất trong đời mình đã nhận. Thực ra có không ít người từng muốn giúp đỡ Thái Bảo làm chương trình, làm DVD, nhưng mình đều từ chối khéo. Mình không muốn đánh đổi hay lệ thuộc một điều gì hết. Trong đời cũng đã đôi lần vướng vào vài cuộc phiền phức không đâu nên mình ngại ngần sự hiểu lầm hay tai tiếng lắm. Đến giờ thì thực ra nếu muốn làm show hay DVD, mình cũng có đủ tiền, nhưng lại muộn mất rồi, không mấy cần thiết nữa. Lúc còn trẻ muốn phát triển sự nghiệp, muốn gây tiếng vang bằng sản phẩm này kia thì lại không có tiền. Nghịch lý vậy đấy.

"Mình đâu có được nhạc sĩ Trần Hoàn ưu ái"

- Chị Thái Bảo vừa nói, trong đời đã có lần vướng vài cuộc phiền phức không đâu, khiến tôi nghĩ đến tin đồn tình cảm giữa chị với nhạc sĩ Trần Hoàn. Giờ phút này ngồi đây, đằng sau lưng chị là một chặng đường làm nghệ thuật rất dài rồi, nhọc nhằn cay đắng vinh quang cũng nếm trải cả rồi, liệu chị có thể chia sẻ thẳng thắn với khán giả về câu chuyện này chăng?

+ Mình nghĩ không có gì là không thẳng thắn được. Chẳng qua bao nhiêu năm mình cắm cúi làm nghề, không có nghĩa vụ phải thanh minh thanh nga với ai chuyện đồn đoán vốn đầy rẫy trong thế giới nghệ sĩ. Có lần một nhà báo chia sẻ với mình, rằng Thái Bảo là một ca sĩ “sạch”, nghĩa là mình ít có chuyện lôi thôi phiền phức trong đời tư làm phiền công chúng. Nhưng mình nói lại, không ai dám nhận mình là “sạch” đâu. Đến rau còn chẳng sạch kia mà. Không ai dám nói mạnh chuyện tình cảm, chuyện tương lai đâu.

Về chuyện với nhạc sĩ Trần Hoàn thì thực ra rất đơn giản. Người ta có thể đồn thế này, thế kia, nhưng trước vong linh chú Trần Hoàn, mình xin nói thật là mình chưa bao giờ dám nghĩ mình được thân thiết với chú cả. Từ cuộc gặp chú đầu tiên đến khi chú qua đời, số lần gặp chú mình có thể đếm được, không nhiều. Mình cũng không hề nhận được những bổng lộc hay ưu ái gì từ chú, vì chú là người khó tính, lạnh, và không dễ để thuyết phục, thân cận hay nhờ vả. Đối với chú, mình chỉ là đứa cháu hát hay nhạc của chú.

Nghệ sĩ Thái Bảo biểu diễn ở biên giới Việt Trung năm 1983.

- Cuộc gặp đầu tiên của chị với nhạc sĩ Trần Hoàn là vào năm nào vậy chị?

+ Năm 1984. Năm đó mình đã được công chúng biết đến nhiều với những bài hát như “Vết chân tròn trên cát”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”. Mình gặp chú ở Thành đoàn Hà Nội, khi vừa đi biểu diễn ở Lào về. Có người rỉ tai mình bảo, cái ông đang múa Lăm vông kia là người đã ký quyết định cho mình đi biểu diễn ở Lào đấy. Mình mới đến gặp chú và chào chú, rất ngây thơ bảo với chú, cháu đi Lào về có bánh xà phòng Lux thơm lắm, hôm nào cháu mang đến tặng chú ạ. Hồi đó chú Trần Hoàn làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, kiêm Phó trưởng Ban Văn hóa - văn nghệ Trung ương. 

Rồi bẵng đi từ 1984 đến tận năm 1991 mình mới gặp lại chú Trần Hoàn, vì chẳng có việc gì liên quan cả. Hai vợ chồng mình đến nhà chú Trần Hoàn, lúc đó chú đã làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin để xin chú một bài hát tham dự một kỳ hội diễn chuyên nghiệp sắp diễn ra. Chúng mình hồi đó mới lấy nhau, còn trẻ lắm, đến nhà Bộ trưởng thì cứ run cầm cập vì sợ. Mình lo chú không tiếp mình. 

Gặp mình lúc đầu chú rất nhạt nhẽo, hỏi, chị đến có việc gì? Mình trình bày nguồn cơn, rằng cháu muốn đến xin chú một bài hát để đi thi. Chú gọi cô Hồng là vợ chú ra, bảo cô mang cái băng cát-xét thu âm một bài hát chú mới viết do ca sĩ Trang Nhung bên đài Tiếng nói Việt Nam hát trước đó mở cho mình nghe. Nhưng cô Hồng chưa mở băng, chú lại đổi ý, bảo thôi, chú sợ Thái Bảo mà hát bài này thì khán giả lại tưởng là hát chèo thì chết. 

Mình hụt hẫng vô cùng về cách xử sự của chú. Nhưng nghĩ đến cuộc thi mà mình đang rất háo hức tham gia, mình bèn năn nỉ chú. Rồi cô Hồng bật băng cát-xét. Đó là bài hát “Thăm bến Nhà Rồng” chú Trần Hoàn mới viết. Nghe xong mình nghĩ, bài hát “khó nhá” quá, nhưng vẫn mạnh dạn xin chú cho bản nhạc để về nhà tập, và hẹn một tuần sau đến hát cho chú nghe thử. 

Rồi cuộc thi diễn ra, mình hát “Thăm bến Nhà Rồng” của chú với cây đàn bầu trên sân khấu, gây một hiệu ứng cực mạnh. Rồi giải thưởng cao nhất mình nhận, chú Trần Hoàn lúc đó là Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi. Chú không nói ra nhưng mình biết chú rất hài lòng về phần biểu diễn của mình. 

Nhiều lần có chương trình ở đâu đó, chú đều cho gọi mình đến để hát bài “Thăm bến Nhà Rồng” của chú. Mình lúc đó trẻ, vô tư lắm, cứ được gọi đi hát là đi thôi. Hai vợ chồng cứ chở nhau lóc cóc trên xe đạp để đi hát. Một lần đi diễn, có đồng nghiệp rỉ tai mình bảo, người ta đồn Thái Bảo là bồ nhí của nhạc sĩ Trần Hoàn đấy. Mình nghe xong thì cũng thấy buồn cười, cứ như đang nghe chuyện của ai, chẳng có cảm xúc gì.

- Chứ không phải chị nhận được rất nhiều ưu ái từ khi được nhạc sĩ Trần Hoàn quý mến vì hát hay bài hát của ông sao?

+ Nói một cách sòng phẳng thì trước khi hát “Thăm bến Nhà Rồng” của chú Trần Hoàn, mình đã được khán giả biết đến qua một số ca khúc nổi tiếng rồi. Bài hát của chú Trần Hoàn chỉ là điểm cộng thêm, làm dày thêm thành tích của mình thôi, chứ không phải ca khúc đầu tiên làm nên tên tuổi mình. Mình kể vài ví dụ để bạn xem mình có được chú Trần Hoàn ưu ái không nhé. 

Hồi đó, mình và anh Quang Thọ (NSND Quang Thọ) và một số nghệ sĩ nữa có giấy mời của một công ty bên Đức họ mời sang biểu diễn cho kiều bào. Giấy mời nhưng phải có sự đồng ý của chú Trần Hoàn thì mới được cấp vi-sa. Mọi người bảo mình, em hát hay bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn, em đưa mọi người đến gặp chú để thuyết phục chú đồng ý cho cả đoàn đi Đức. Đi Đức hồi đó là cả một ước mơ với bọn mình. Và cả đoàn hăm hở đến nhà Bộ trưởng. Đến, chú rất lạnh nhạt, chú không đồng ý cho các nghệ sĩ đi. Thế là cả đoàn buồn thiu đi về. 

Lần khác, khi mình làm đơn xin xét tặng danh hiệu NSƯT. Giải thưởng với hồ sơ thì đủ cả rồi. Và mặc dù đã hát rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn, nhưng mình biết chú không mấy quan tâm đến mình nên khi có cơ hội gặp chú mình vẫn mạo muội “tranh thủ”: “Chú ơi, sắp tới xét danh hiệu NSƯT, chú ủng hộ cháu với ạ”. Chú Trần Hoàn hồi đó là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT mà. Chú khách sáo nói lại ngay: “Chị đủ điều kiện, đủ cống hiến, đủ giải thưởng, lại nổi tiếng thì người ta xét, còn không đủ tiêu chí người ta không xét đâu. Cả một hội đồng chứ mình chú làm sao quyết được”. Thế đấy, với mình, chú không bao giờ tỏ ra thân thiết, mà đối xử bình thường như bao nhiêu người khác.

- Chồng chị khi nghe tin đồn chị với nhạc sĩ Trần Hoàn, anh có ghen không chị?

+ Chồng mình vốn là người hiểu biết, anh ấy bảo: “Đúng là thiên hạ cũng lắm chuyện. Với một nhạc sĩ nổi tiếng, một Bộ trưởng uy nghiêm, một người mình quý trọng như cha chú như thế mà họ vẫn đồn thổi linh tinh được”.

- Chị với nhạc sĩ Trần Hoàn có lần nào nói thẳng về câu chuyện tin đồn này?

+ Không, chuyện này tế nhị quá, và mình cũng không có nhiều cơ hội gặp chú, đặc biệt gặp riêng để mà nói. Nhưng có chuyện này rất xúc động, giờ ngồi kể lại mình vẫn có thể khóc. Lúc chú Trần Hoàn ốm nằm viện, chú có sáng tác một bài hát dành tặng các bác sĩ trong bệnh viện. Chú hỏi các bác sĩ là muốn nghe ai hát bài hát đó của chú. Các bác sĩ nói muốn nghe Thái Bảo. Chú gọi mình đến đưa bản nhạc bảo về tập rồi hẹn ngày vào viện hát cho các bác sĩ nghe. 

Mình về tập, nhưng chưa đến ngày hẹn vào viện thì nghe tin sét đánh chú bị đột quỵ. 5h chiều mình chạy vào viện thăm chú. Chú không nói được gì, gần như hôn mê, trên người chằng chịt dây dợ. Chị con gái của chú Trần Hoàn bảo mình, Thái Bảo, em hát cho bố chị và các bác sĩ nghe bài hát em đang tập đi, coi như thay lời cảm ơn của bố chị đối với các bác sĩ đã tận tình chăm sóc ông. 

Mình cầm bản nhạc còn chưa khô mùi mực chú Trần Hoàn viết, mà hát. Mình cứ vừa hát vừa khóc vì thương chú quá. Đến khoảng nửa bài hát thì mọi người thấy trên gương mặt bất động của chú Trần Hoàn giàn giụa nước mắt. Chú đã khóc. Từ khóe miệng của chú có một giọt máu rỉ ra. Sau đó, các bác sĩ nói, chú đã mất.

Ngày đưa tang chú về nghĩa trang Mai Dịch, mình đã hát lại cho chú nghe “Thăm bến Nhà Rồng”. Rồi cứ hằng năm, vào ngày giỗ Tết, mình lại đến thăm mộ chú. Mình mang theo khoai lang luộc, món ăn mà vợ chú nói là chú rất thích ăn khi còn sống, hoa để đặt trên mộ chú, thắp hương cho chú. Mình cũng nói chuyện với chú rất nhiều trong những lần ngồi cạnh mộ chú, về sự hiểu lầm của thế gian, của người đời. Rằng dù cho cháu không thể hiểu được tình cảm của chú dành cho cháu ở mức độ nào, nhưng đối với cháu thì chú luôn là bậc bề trên, một người cháu yêu quý, ngưỡng mộ, hàm ơn, vì những bài hát hay chú đã sáng tác cho cháu được hát, và trở thành Thái Bảo được công chúng biết đến như hôm nay.

- Những thị phi xung quanh đời một người nghệ sĩ thường luôn có. Nhưng câu chuyện của chị với nhạc sĩ Trần Hoàn là một câu chuyện mà tôi nghĩ là rất đẹp, về tình người, về tình nghệ sĩ. Không phải ai cũng có những kỷ niệm đẹp như vậy.

+ Là người nghệ sĩ thì phải chấp nhận sống với áp lực và thị phi thêu dệt của người đời. Có những lúc đời là gấm hoa, và đôi khi đời là cay đắng. Mình thường không quan tâm đến thị phi và không sống với những đồn thổi. Mình sống trong sự lựa chọn của mình, chấp nhận vinh quang và cay đắng như hai mặt của tấm huy chương. Đâu chỉ mỗi chuyện tin đồn, còn biết bao những ghen ghét, đố kỵ, hãm hại, chơi xấu mà mình đã từng trải qua, nhưng có lẽ không cần phải kể ra, chuyện đâu có gì lạ trên đời. 

Nếu có chút tiếc nuối nào đó của Thái Bảo thì chính là mình đã quá mải mê sự nghiệp mà “quên” nghĩa vụ phải sinh thêm một đứa con nữa cho chồng. Giờ này mới thấm rằng, nhà chỉ có một cậu con trai là neo người quá. Nhưng muộn mất rồi. Những năm tháng trẻ trung thì say sưa sự nghiệp. Nếu được chọn lại, mình sẽ chọn cuộc sống gia đình trước tiên, rồi mới đến sự nghiệp ca hát. 

Đối với mình giờ đây, sau khi trở thành NSND là sẽ phải cho đi, cho đi nhiều hơn nữa. NSND không phải là mốc cuối cùng để dừng lại. Đó là lời nhắc nhở mình phải tâm huyết hơn, đặc biệt trong việc truyền dạy kinh nghiệm, kiến thức mà mình đã có, cho các thế hệ nghệ sĩ tương lai. Mình đã nhận lời tham gia công tác giảng dạy âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và từ đây, sẽ miệt mài với công việc trồng người, bên cạnh niềm đam mê ca hát chưa khi nào vơi cạn trong mình.

- Một lần nữa xin chúc mừng NSND Thái Bảo, và xin cảm ơn vì những chia sẻ cảm động, chân tình của chị.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文