Nhạc kịch Việt dành cho đại chúng: Tại sao không?
- Những bất ngờ từ dự án "cà phê nhạc kịch"
- Nhạc kịch về người đồng tính ra mắt khán giả
- Nhạc kịch Broardway trên sân khấu Việt: Thêm những cánh én báo tin vui...
Cuộc tuyển chọn khắt khe
Được chú ý gần nhất và cũng là nổi bật nhất từ trước đến nay phải kể đến dự án nhạc kịch “Majorin, cô bé phép thuật”. Đây là dự án do Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam hợp tác với Nhà hát Nhạc kịch Shiki Nhật Bản thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Văn hóa Nhật Bản.
Dự án nhạc kịch “Majorin, cô bé phép thuật” đã “rục rịch” khởi động từ tháng 6-2016 nhưng đến hết tháng 8-2016, việc tuyển chọn diễn viên vẫn chưa hoàn tất.
Dàn dựng theo nhạc kịch Nhật Bản và hướng tới đẳng cấp nhạc kịch quốc tế, “Majorin, cô bé phép thuật” có lẽ cũng là vở diễn có thời gian thực hiện lâu nhất và tốn kém nhất tại Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam Trương Nhuận thì phải đến năm 2018, vở diễn mới ra mắt công chúng. Lý do là yêu cầu diễn viên tham gia nhạc kịch phải “đa năng” hơn thông thường. Ngoài khả năng diễn xuất, diễn viên phải biết ca hát, nhảy múa. Vì vậy, nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tuy có sẵn và nhà hát trực tiếp đảm nhận triển khai dự án nhưng cũng không thể giao toàn bộ vai diễn trong vở nhạc kịch cho diễn viên của đơn vị.
Nhạc kịch “Tấm Cám” góp phần làm nên thương hiệu cho nhóm kịch Buffalo trên sân khấu kịch Việt. |
Thực tế, sau gần 3 tháng triển khai tuyển chọn diễn viên cho dự án, ê kip thực hiện cũng mới chọn được khoảng 40 gương mặt nổi bật để đào tạo, tập luyện tiếp. Trên cơ sở phối hợp với đối tác – Nhà hát Kịch ShiKi, chỉ còn từ 22 đến 25 người trong số đó được lựa chọn tham gia vào dự án.
Trong khoảng thời gian từ nay đến khi vở nhạc kịch được công diễn, các nghệ sĩ được tuyển chọn bắt buộc phải trải qua nhiều chương trình học tập, huấn luyện mới mong đáp ứng được yêu cầu đứng trên sân khấu chính thức của ban tổ chức.
Quá trình này cũng “ngốn” một số lượng kinh phí không nhỏ. Dự kiến, kinh phí mỗi năm khoảng 100.000USD. Ngoài ra, phía bạn còn hỗ trợ về các mặt: âm thanh, ánh sáng, phục trang… với khoảng 200.000USD đến 300.000USD.
Sau “Majorin, cô bé phép thuật”, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam cũng đang ấp ủ thực hiện những dự án nhạc kịch khác mang phong cách Việt Nam, trong đó có tác phẩm chuyển thể từ “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài…
Thực tế, trước dự án “Majorin, cô bé phép thuật”, tại Việt Nam, nhạc kịch theo phong cách Broadway vẫn là mảnh đất mới được các đơn vị, nhóm nghệ sĩ khai phá nhưng đã có khá nhiều tín hiệu vui. Sau các vở “Chicago”, “Tuyết đỏ”, “Tấm Cám”…, nhóm kịch Buffalo của Khắc Duy tại TP Hồ Chí Minh đã dần khẳng được vị thế trên thị trường của sân khấu kịch.
Nhiều sân khấu kịch có thương hiệu của phía Nam: Thế giới trẻ, Edicaf… cũng đã, đang từng bước tiến vào “lãnh địa” nhạc kịch. Tiếp cận ở mức độ ít chuyên nghiệp có các dự án của học sinh, sinh viên nhưng hấp dẫn các bạn trẻ: dự án “GLAMS” của học sinh trường Amsterdam, Hà Nội…
Ngay với các tác phẩm mang tính tuyên truyền, nhạc kịch theo phong cách Broadway cũng từng gặt hái những dấu ấn thành công bước đầu. Sự ra đời của vở nhạc kịch “Cây bàng vuông” trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, TP Hồ Chí Minh là một điển hình.
Ra mắt khán giả đúng thời điểm Biển Đông “dậy sóng”, câu chuyện nhiều xúc động về những người lính nơi đầu sóng ngọn gió được diễn trên nền nhạc của hàng loạt các nhạc phẩm về người lính: Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa ơi, Tổ quốc nhìn từ biển, Tổ quốc gọi tên mình, Người Việt Nam, Nam quốc sơn hà... khiến tất cả người xem “Cây bàng vuông” rơi lệ.
Đề tài về người lính vốn được cho là khá khô khan nhưng “Cây bàng vuông” với hình thức nhạc kịch Broadway, sự thể hiện trẻ trung của đội ngũ diễn viên trẻ đang được yêu mến đã chạm đến trái tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ dễ hơn, rộng hơn và nhanh hơn.
Nhạc kịch “made in Việt Nam”: chờ đợi giấc mơ thành hiện thực
Với nhiều lợi thế trong đáp ứng được cả nhu cầu xem, nghe, nhạc kịch Broadway được nhận định dễ tiếp cận khán giả đại chúng, kể cả các khán giả trẻ.
Theo nghệ sĩ Trương Nhuận, giấc mơ phát triển nhạc kịch mang thương hiệu Việt không hẳn quá xa vời. Nếu thử quan sát sự phát triển nhạc kịch Broadway ở các nước bạn, gần nhất là nhà hát ShiKi của Nhật Bản sẽ thấy điều đó. Mỗi năm có đến 6.000 buổi biểu diễn trong và ngoài nước. Tại Nhật Bản, khán giả muốn xem vở diễn mới có khi phải đặt vé trước cả năm trời.
Nhạc kịch Broadway mang thương hiệu Việt, nếu thực sự được đầu tư bài bản từ khâu đào tạo đội ngũ diễn viên đến sản xuất từng vở diễn, nhạc kịch sẽ là mảnh đất hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Hoặc ít nhất là với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam là như thế.
Dự án nhạc kịch “Majorin, cô bé phép thuật” chỉ là sự khởi đầu. Mức độ kinh phí đầu tư cho dự án có thể là con số mơ ước của bất kỳ người làm nghệ thuật sân khấu nào tại Việt Nam nhưng với những người thực hiện dự án, đích đến của ước mơ còn xa hơn. Đó là một đội ngũ đủ điều kiện đáp ứng việc xây dựng các vở nhạc kịch mang thương hiệu Việt Nam để thu hút công chúng trong và ngoài nước. Đây cũng là dự án được Nhà hát đặt nhiều kỳ vọng trong việc khai phá con đường mới cho nhạc kịch chinh phục khán giả.