Nhan sắc Việt và sự quá đà của truyền thông
Ảo tưởng về sức mạnh?
Ngay từ khi đại diện tiềm năng của Việt Nam là Lan Khuê và Phạm Hương lên đường tham gia hai cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới là "Hoa hậu Thế giới - Miss World" và "Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe" 2015, các trang báo lớn, nhỏ ở Việt Nam đã đưa tin, cập nhật liên tục về hình ảnh, hoạt động của hai người đẹp. Có lẽ, chưa năm nào, đại diện nhan sắc Việt lại nhận được sự quan tâm "kỹ lưỡng" của giới truyền thông đến vậy. Hàng loạt bài phân tích, đánh giá, dự đoán Lan Khuê và Phạm Hương sẽ "làm nên chuyện", thậm chí có thể xuất hiện ở top 10, top 5 và cả ngôi hoa hậu.
Thêm vào đó, báo chí Việt thường xuyên cập nhật, đưa tin dự đoán của các trang web chuyên xếp hạng nhan sắc, các chuyên gia sắc đẹp trên thế giới, trong đó, Lan Khuê và Phạm Hương luôn nhận được sự ưu ái quá mức. Chính những bài báo tung hô "ngất trời" đại diện Việt Nam đã khiến khán giả Việt ảo tưởng nghĩ rằng, đường đến vinh quang đã ở ngay phía trước và người đẹp Việt đã chạm một tay đến vương miện hoa hậu. Sự "quá đà" của truyền thông gieo vào lòng khán giả Việt hy vọng, rồi thất vọng khi kết quả thực tế khác xa so với dự đoán trước đó.
Cuộc thi "Hoa khôi áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện Hoa hậu thế giới" đã góp phần không nhỏ trong việc tìm kiếm, đào tạo người đẹp tham dự các cuộc thi sắc đẹp lớn trong năm 2015. |
Bình tâm nhìn lại, có thể khẳng định rằng, Phạm Hương và Lan Khuê là hai đại diện xuất sắc của Việt Nam tham dự "Hoa hậu Thế giới" và "Hoa hậu Hoàn vũ" những năm gần đây. Vẻ đẹp của Phạm Hương được đánh giá là có sự hòa trộn giữa Châu Á và Châu Âu, thần thái tươi tắn, cộng với kinh nghiệm "chinh chiến" qua nhiều cuộc thi lớn nhỏ trong nước và quốc tế, khả năng trình diễn catwalk điêu luyện của một người mẫu chuyên nghiệp, luôn biết cách để tỏa sáng trước đám đông. Lan Khuê cũng sở hữu nhan sắc đẹp "đúng chuẩn", hài hòa, với chỉ số hình thể tốt.
Đặc biệt, do được thử sức từ "lò đào tạo hoa hậu" là cuộc thi "Hoa khôi áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện Hoa hậu thế giới" (Chương trình truyền hình thực tế về sắc đẹp do Công ty BHD, Elite Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất, Lan Khuê đã được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể tỏa sáng.
Rõ ràng, vào thời điểm này, Phạm Hương và Lan Khuê là sự lựa chọn tối ưu nhất để đại diện Việt Nam đi "thi đấu" với thế giới. Niềm hy vọng của công chúng vào sự lên ngôi của nhan sắc Việt hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nếu đặt Phạm Hương, Lan Khuê vào "rừng" người đẹp đến từ các cường quốc sắc đẹp đã có "thương hiệu" như Venezuela, Philippines, Colombia, Mỹ, Australia, Nga… thì vẻ đẹp của đại diện Việt Nam chưa hẳn đã nổi bật.
Tôi cho rằng, Phạm Hương, Lan Khuê đều sở hữu nét đẹp hiện đại nhưng đây chưa chắc đã là lợi thế bởi trong những sân chơi lớn như thế này, nét đẹp thuần Việt, đậm nét Á Đông mới tạo nên sự khác biệt và gây ấn tượng mạnh. Bên cạnh đó, xét về chỉ số hình thể, Phạm Hương và Lan Khuê cũng không "ăn" được những người đẹp đến từ các quốc gia Châu Âu khác. Theo nhiều chuyên gia sắc đẹp, với cuộc thi "Hoa hậu Hoàn vũ", chỉ số hình thể đóng vai trò rất quan trọng, vẻ đẹp quyến rũ, nóng bỏng thường được chú ý hơn.
Phạm Hương và Lan Khuê xuất sắc nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng, họ sẽ là những người xuất sắc nhất thế giới. Công chúng Việt cần được thông tin chính xác, đầy đủ về các thí sinh thay vì sự tung hô quá mức cần thiết. Những bài báo phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các thí sinh, điều mà nhan sắc Việt cần làm để tỏa sáng sẽ có ý nghĩa hơn việc "thổi phồng" khả năng của họ. Sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông sẽ giúp thí sinh kêu gọi bình chọn nhưng chính điều này lại vô tình gây áp lực cho các người đẹp.
Xây dựng "thương hiệu" sắc đẹp Việt
Tôi cho rằng, nhìn ở góc độ nào thì nhan sắc Việt cũng đã có một năm thành công, từng bước khẳng định vẻ đẹp Việt tại đấu trường sắc đẹp quốc tế. Chiến thắng liên tiếp của những người đẹp Việt trong nhiều cuộc thi lớn dịp cuối năm khiến nhiều người "thở phào" vì cuối cùng, sự tụt hạng sắc đẹp đã dừng lại. Theo quan sát của tôi, trong mấy năm trở lại đây, sắc đẹp Việt "thất thu toàn tập" khi "đem chuông đi đánh xứ người". Tại cuộc thi "Miss World", chỉ có Nguyễn Thị Loan lọt top 25 năm 2014, Vũ Thị Hoàng My lọt top 40 Hoa hậu biển. Trong khi đó, tại sân chơi này, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền từng lọt top 15 (năm 2004), Hoa hậu Mai Phương Thúy lọt top 17 (năm 2006) và Trần Thị Hương Giang lọt top 16 (năm 2009).
Ba đại diện của Việt Nam tham dự "Hoa hậu Hoàn vũ" 2011, 2012, 2013 là Vũ Thị Hoàng My, Lưu Thị Diễm Hương, Trương Thị May (năm 2014, Việt Nam không có đại diện tham gia cuộc thi này) đều trắng tay khi về nước. Trước đó, Hoa hậu Thùy Lâm từng lọt tới top 15 "Hoa hậu Hoàn vũ" năm 2008. Đến năm 2015, Lan Khuê đã có sự bứt phá ngoạn mục ghi danh ở vị trí thứ 11 Hoa hậu Thế giới, Thúy Vân giành Á hậu 3 cuộc thi "Hoa hậu Quốc tế", Lê Thị Hà Thu, Á hậu 1 Hoa hậu Đại dương lọt top 17 Hoa hậu "Liên lục địa".
Mặc dù được báo chí dự đoán sẽ đoạt ngôi vị Á hậu 1 - "Hoa hậu Hoàn vũ" 2015 ngay trước đêm chung kết, xếp hạng nhưng cuối cùng, Phạm Hương không có tên trong top 15 thí sinh xuất sắc nhất. |
Trước hết, phải khẳng định rằng, chương trình truyền hình thực tế "Hoa khôi Áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện hoa hậu" là mô hình, hướng đi đúng đắn trong việc tìm kiếm, đào tạo người đẹp đi dự thi quốc tế. Với sân chơi này, kỹ năng - điểm được coi là yếu nhất của nhan sắc Việt đã được khắc phục. Các thí sinh của "Hoa khôi Áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện Hoa hậu thế giới" được đào tạo nhiều kỹ năng như kỹ năng trình diễn trước ống kính, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng catwalk cũng như thần thái, sự tự tin để nổi bật và tỏa sáng giữa đám đông. Những thí sinh bước ra từ cuộc thi đã thể hiện rất tốt khả năng của mình.
Trước đây, người đẹp Việt được lựa chọn tham dự các cuộc thi nhan sắc thế giới thường diễn ra vào "phút chót", thậm chí khi cuộc thi đã bắt đầu. Chính vì vậy, sự chuẩn bị của các thí sinh thường cập rập, thiếu chu đáo về cả vật chất, tinh thần và tâm lý thi đấu. Sự thành công của nhan sắc Việt mang tính "hên, xui" nhiều hơn là kết quả của một chiến lược dài hơi. Giờ đây, hạn chế này đã ít nhiều được khắc phục. Đại diện sắc đẹp Việt được lựa chọn kỹ lưỡng, có thời gian dài để chuẩn bị trước khi tham gia cuộc thi. Sự tỏa sáng của nhan sắc không thể tự nhiên mà có, nó phải là kết quả của sự chuẩn bị, đầu tư lâu dài từ nhiều phía.
Trở lại câu chuyện Phạm Hương trượt top 15 Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Nhiều người cho rằng, một trong những yếu tố khiến Phạm Hương thất bại là do Việt Nam chưa có "thương hiệu" trên bản đồ sắc đẹp thế giới nên "bị xử ép". Nhận định này không phải không có lý. Tại sao Venezuela, Philippines, Brazil, Mỹ, Colombia … liên tiếp giành những ngôi vị cao trong các cuộc thi nhan sắc lớn? Rõ ràng họ đã tạo được "thương hiệu bền vững" về sắc đẹp. Thương hiệu đó được xây dựng bằng những chiến lược dài hơi và được chứng minh qua những đại diện sắc đẹp ưu tú.
Một điều không khó nhận ra là, đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi sắc đẹp năm nay đều chiến thắng nhờ vào sự bình chọn nhiệt tình của khán giả Việt (Lan Khuê lọt top 11 Hoa hậu Thế giới, Hà Thu lọt top 17 Hoa hậu Liên lục địa đều do được bình chọn cao nhất, Lệ Quyên giành được giải phụ "Best of Social Media" trong cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia). Sự bình chọn của khán giả không thể là yếu tố để xây dựng thương hiệu sắc đẹp Việt.
Thiết nghĩ, "thương hiệu sắc đẹp" Việt phải được bắt đầu từ nhận thức của các cơ quan quản lý văn hóa. Đó phải là một chiến lược dài hơi với những bước đi, cách làm cụ thể với mục đích tìm kiếm, đào tạo người đẹp có sự hội tụ, tỏa sáng về cả nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn Việt. Hình ảnh của sắc đẹp Việt trên sàn diễn quốc tế còn cầu nối để quảng bá văn hóa Việt với bạn bè thế giới. Đầu tư cho các thí sinh tham dự các cuộc thi nhan sắc cũng chính là đầu tư cho "sứ giả văn hóa" Việt…