Nhiều di tích lịch sử tại Hải Dương xuống cấp cần được tu bổ
- Bổ sung thêm 9 điểm vào Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn
- Hoang phế khu tái hiện di tích lịch sử 1.3km đường Hồ Chí Minh
- Xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia Dinh chúa Nguyễn tại Quảng Trị
- Khó khăn trong xã hội hóa công tác tu bổ di tích lịch sử văn hóa
Nhiều di tích tiêu biểu, đặc trưng về văn hóa tâm linh, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan du lịch, tham quan nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, nhiều di tích lịch sử đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh nhận được hàng chục đơn đề nghị hỗ trợ trùng tu, tôn tạo di tích bị xuống cấp từ các địa phương.
Chùa Sùng Ân, thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1974. Đây là ngôi chùa được xếp hạng Di tích văn hóa quốc gia sớm nhất huyện. Chùa được xây dựng từ thời Lý, bố cục kiểu nội công, ngoại quốc. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá như một cây thiên dài bằng đá năm 1671, sấu đá, bia đá thế kỷ XVII, 30 tượng Phật gỗ sơn son thiếp vàng nghệ thuật điêu luyện, độc đáo.
Chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, các mảng chạm khắc hoa văn ở gian giữa nhà đại bái bị bong tróc; nhà thờ tổ bị sập một gian; hệ thống mái ngói, xà bị võng và có nguy cơ đổ sập. Khi trời mưa nhiều chỗ bị dột, nước chảy ngấm vào tường khiến hậu cung bị nứt, trụ cột bị nứt, mối mọt. Các tượng Phật tuổi đời hàng trăm năm bị mục ruỗng ở nhiều vị trí.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Đông. |
Ông Ngô Văn Đương, Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Sùng Ân cho biết: Do là di tích lịch sử quốc gia, Ban Quản lý không được phép tu sửa, khi trời mưa chỉ căng bạt để che chắn tạm thời. Khu nhà tổ của chùa đã xuống cấp nghiêm trọng phải dán niêm phong để tránh người ra vào, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. UBND xã đã làm tờ trình lên các cơ quan chức năng về tình trạng xuống cấp của chùa nhưng đến nay vẫn chưa được tu sửa.
Đình Đông xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI. Đình được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989. Hiện nay đình Đông bị nghiêng về phía Tây; hệ thống kèo, cột bị mối mọt; một số sà, hoành, hệ thống cửa đình đã hỏng gần hết. Ông Nguyễn Đình Tơ, Thủ từ đình Đông chia sẻ: Đình đã được trùng tu một lần năm 1992 nhưng đến nay nhiều hạng mục xuống cấp rất trầm trọng. Toàn bộ mái ngói bị dột, khi mưa to nước dột xuống phía trước hậu cung phải lội qua mới vào được hậu cung.
Ông Nguyễn Đức Ban, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết, kinh phí của địa phương khó khăn nên chưa thể nâng cấp được đình. Hàng năm từ ngân sách địa phương chỉ có thể mua bạt, ni lông để che cho đỡ dột.
Từ năm 2013 đến 2018, UBND tỉnh Hải Dương đã cấp kinh phí 7,16 tỷ đồng cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư tổ chức trùng tu, tôn tạo, khôi phục, chống xuống cấp 53 di tích trọng điểm. Tiêu biểu là các di tích như động Kính Chủ, đền Cao An Phụ, chùa Huề Trì huyện Kinh Môn, Văn Miếu Mao Điền, Đền Xưa, đình Trữ La, đình Thạch Lỗi, đình Tự Đông, đình Ngọc Uyên, đình Đồng Niên, đình Đinh Văn Tả...
Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương chia sẻ, nguồn vốn cấp để tu bổ, tôn tạo cho các di tích còn hạn chế. Kinh phí của địa phương, nguồn vốn xã hội hóa chưa đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo các di tích do đó nhiều công trình, hạng mục xuống cấp mà chưa triển khai thực hiện được.
Hàng năm, ngân sách dành cho tu bổ, trùng tu quá ít, do vậy Sở cũng gặp khó trong việc điều tiết kinh phí hỗ trợ phù hợp.