Nhiều thách thức đối với văn hóa đọc truyền thống
- Lan tỏa “văn hóa đọc” trong cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nam
- Công an Nam Định đưa “thư viện lưu động” về xã, phát huy văn hóa đọc
- Đưa xe ô tô thư viện lưu động về tận xã phát huy văn hóa đọc
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam (21-4).
Đọc trên mạng nhiều hơn đọc sách
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá nhu cầu tiếp cận tri thức thông qua sách trong những năm qua; những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa đọc.
Cụ thể, sau 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngày sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn, thu hút được nhiều bạn đọc đến với sách.
Bên cạnh đó, văn hóa đọc giữ một vai trò ngày càng quan trọng, góp phần vào sự hình thành nên con người toàn diện, có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức không ngừng để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại…
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện nói riêng đang chịu những tác động, chi phối bởi vô số yếu tố chủ quan và khách quan. Theo ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, ngày nay trên thế giới (trong đó có Việt Nam), với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, “văn hóa đọc” đang có chiều hướng ngày càng bị lấn át bởi “văn hóa nghe - nhìn”.
Ông Giới viện dẫn, hiện nay, nhiều người dân, nhất là lớp trẻ đang có xu hướng đọc thông tin và sách báo, tạp chí trên mạng nhiều hơn là đọc sách, báo như trước đây. Dĩ nhiên, nhiều thư viện ở nước ta cả ở Trung ương và các địa phương đang vắng dần độc giả. Và hình ảnh người dân cầm trên tay chiếc điện thoại di động, iPhone, iPad và chăm chú đọc thông tin ngày cũng như đêm đã trở nên khá phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi, trong mọi hoàn cảnh. Vì thế, việc đọc sách báo truyền thống trong các thư viện như trước đây sẽ là một khó khăn và thách thức trong đó có ngành xuất bản và ngành thư viện.
Nếu như ở cách thành phố lớn, sự tác động của công nghệ thông tin đang làm ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu đọc sách thì ở nông thôn, thực trạng này còn đáng buồn hơn.
Ông Nguyễn Quang Thạch, người thuộc chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” chia sẻ: “Qua các khảo sát trên diện rộng và trong gần 20 năm qua, chúng tôi thấy rằng, ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh”.
Cần rèn thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, những quan ngại, lo lắng trước sự xuống cấp của văn hóa đọc ngày càng thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Thậm chí, đó còn là những câu hỏi, trăn trở của rất nhiều người hiện nay. PGS.TS Nguyễn An Tiêm, Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng: “Để nâng cao văn hóa đọc cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ”.
PGS Nguyễn An Tiêm bày tỏ, từ phía gia đình, phải hình thành thói quen đọc sách cho thanh thiếu niên, nhi đồng ngay từ nhỏ thông qua những câu chuyện cổ tích, những lời ru của ông bà, cha mẹ. Chính những nhân vật trong truyện đã gieo vào tâm hồn các em những những tình cảm tốt đẹp đối với con người, nhận thức về cái thiện, cái đẹp; biết căm ghét cái xấu, có thái độ với cái xấu… Khi các em đã đi học, bố mẹ nên chọn mua cho các em đọc những sách báo hay, kèm theo là những lời phân tích, giảng giải, chỉ ra những ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện và từng nhân vật.
Đồng quan điểm, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong thời đại truyền thông số, để duy trì văn hóa đọc, cần phải kết nối và phát triển song song việc xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử trong hệ thống các nhà xuất bản. Bên cạnh việc xuất bản sách truyền thống thì các nhà xuất bản cần nhạy bén, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản sách điện tử.