Nhớ nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật

09:15 05/12/2017
Trong không khí ấm áp, gần gũi, ngày 4-12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ (4-12-2007 – 4-12-2017).


Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, bạn bè, người thân, độc giả yêu thơ Phạm Tiến Duật đã đến dự, cùng nhau ôn lại những ký ức về ông, một nhà thơ lớn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Đã có rất nhiều tác phẩm, bài báo viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhưng một trong những tác phẩm tôi nhớ nhất đó bài thơ “Thương anh” của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an) viết đúng ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời cách đây 10 năm.

Không giống như góc nhìn của nhiều người khác, bằng những câu thơ chân thành, đồng cảm với nỗi đau day dứt, nhà văn Hữu Ước đã khắc họa chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật ở một góc nhìn có tính thế sự - chiêm nghiệm với nhiều kỷ niệm về một nhà thơ lớn, để rồi cái âm hưởng của bài thơ cứ ám ảnh trong lòng người đọc về hình ảnh con người thi sĩ Phạm Tiến Duật: “…Cuộc sống bộn bề với trăm ngàn công việc/ Anh vẫn là đứa trẻ hồn nhiên/ Chẳng cần biết đến một thời oanh liệt/ Anh tặc lưỡi: Hào quang gì rồi cũng tắt/ Miễn là ta vẫn cứ là ta/ Một thi sĩ dại khờ giữa thế giới người khôn”.
Đông đảo các nhà thơ, nhà văn, người yêu thơ cùng gia đình trong lễ kỉ niệm. 

Trở lại với lễ kỉ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động bày tỏ: Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ra đi được 10 năm, song những vần thơ đẹp của ông về người lính sẽ sống mãi. Lễ tưởng niệm là dịp để gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu thơ tưởng nhớ về nhà thơ tài hoa; đánh giá về giá trị thơ ca, con người Phạm Tiến Duật.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, các thế hệ bạn đọc, trong đó có nhiều người rất trẻ, nhiều người sinh ra sau chiến tranh… đều ngợi ca, tưởng nhớ, xúc động khi đọc thơ Phạm Tiến Duật. Họ đã cảm nhận được vẻ đẹp, ý chí, khát vọng lớn lao của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc qua những câu thơ của Phạm Tiến Duật, của thế hệ nhà thơ đặc biệt đã làm tốt hai nhiệm vụ: Tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thi ca và tôn vinh giá trị vĩnh hằng của văn hóa dân tộc-giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.

Là người rất yêu thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, ông thuộc gần như tất cả các bài thơ của Phạm Tiến Duật. Ông nhấn mạnh, Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 

Đặc biệt, ông là người làm mới thi ca thời chống Mỹ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa lấy dẫn chứng: “Trong bài “Tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật viết:  “Không có kính không phải vì xe không có kính”. Đúng là chỉ có Phạm Tiến Duật mới viết như vậy, còn thời đó, không ai viết như vậy”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, thơ Phạm Tiến Duật có nhiều sáng tạo, đổi mới, trong đó có một dạng tấu nói, có một dạng văn xuôi đọc rất hấp dẫn, phù hợp với những năm tháng chiến tranh oai hùng ấy. Sau này, một loạt các nhà thơ tiếp bước nhà thơ Phạm Tiến Duật, làm giàu thêm văn thơ thời chống Mỹ nhưng hầu như không ai “qua” được Phạm Tiến Duật...

Tại buổi lễ, nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhà thơ Trần Nhương… đã nhớ lại và chia sẻ những kỷ niệm, những phút giây quý giá được sống, làm việc, lại qua cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật. 

Bên cạnh đó, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tham dự sự kiện đều đánh giá rất cao thơ của Phạm Tiến Duật, cho rằng thơ ông có nét riêng với giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm1964 nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Ông sống, chiến đấu và sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng trên tuyến đường Trường Sơn (8 năm trong tổng số 14 năm quân ngũ). 

Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ BáoVăn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam.

Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981), Vầng trăng và những quầng lửa (1983), Nhóm lửa (1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997). Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012. 

Tháng 11-2007, ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Sinh thời, ông được ca tụng là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là “có sức mạnh của một sư đoàn”…

Vũ Cảnh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文