Những bức tượng “biết nói” ở Thành cổ Quảng Trị

07:39 17/07/2016
Từ 12 đến 22-7, lần đầu tiên Bộ VH,TT&DL phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức trại sáng tác điêu khắc đá tại khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ, nhằm cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh những chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972. Đến nay, các nhà điêu khắc (NĐK) đã cơ bản hoàn thành những “đứa con” của mình, làm nổi bật được ý nghĩa sâu sắc muốn thể hiện và gửi gắm…

Tham gia trại sáng tác điêu khắc đá ở Thành cổ Quảng Trị lần này, NĐK nổi tiếng Phạm Văn Hạng lại chọn chủ đề về Mẹ. Nhưng khác với ý tưởng cho tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê của ông, trên đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) mà nhiều người biết.

Ông kể, lúc làm tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê, kỷ niệm 10 năm ngày Quảng Nam- Đà Nẵng giải phóng, ông Nguyễn Đình An, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ), đã gợi ý cho ông câu chuyện cảm động về mẹ Nhu và 7 dũng sĩ phường Thanh Lộc Đán dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong trận đánh phá vòng vây giặc vào năm 1969.

Tuy nhiên, ý tưởng hoàn thiện hơn về tác phẩm là sau đó mấy ngày, khi ông đi thăm nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng trở về, trên đường gặp cơn mưa dông đột ngột, thấy hình ảnh bà mẹ đội nón lá cột tấm ni-lon che hai đứa con nhỏ của mình.

Các tác phẩm Mẹ, Bất tử, Sức sống… được sáng tác và đặt tại khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Trong cuộc sống, mẹ là người gần gũi nhất với các con, làm những công việc từ bình thường nhất, đơn giản nhất cho đến khó khăn nhất, thậm chí hy sinh cả mạng sống để bảo vệ con mình. Nhưng để có một ý nghĩa bao quát nhất về Mẹ, thường người nghệ sĩ, NĐK cần những khoảnh khắc hình ảnh nhất định và cụ thể. Ông đã nhiều lần đến Thành cổ Quảng Trị, thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ; tham quan tìm hiểu về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của quân và dân ta bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972.

 Câu chuyện về những người lính vượt sông Thạch Hãn; những lão ngư, cô du kích nhỏ tuổi đời mười tám đôi mươi bất chấp bom đạn, chèo thuyền đưa bộ đội qua sông đánh giặc; những người mẹ dùng thân mình che làn đạn địch cho bộ đội xông lên…, đã để lại trong ông bao cảm xúc không thể nào quên.

Mẹ của ông ở Thành cổ Quảng Trị, vì vậy không chỉ là người Mẹ tảo tần làm lụng, chăm nuôi, che chở các con; cũng không chỉ là người mẹ khóc thầm sau những lần tiễn các con ra trận, mà còn là người mẹ cùng với các con mình xông pha trận mạc diệt giặc, sẵn sàng hy sinh để đất nước được độc lập, hồi sinh! Mẹ của ông đã được thể hiện một cách bao quát nhất, trọn vẹn nhất-Mẹ Việt Nam Anh hùng!...

Và không chỉ riêng NĐK Phạm Văn Hạng, trại sáng tác lần này đã thu hút 22 NĐK khắp trong nước, thực hiện 22 tác phẩm với những nội dung ý nghĩa phong phú, diễn tả được hết ý nghĩa của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, cũng như ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta, sự hồi sinh rực rỡ nhờ vào nghị lực vươn lên, sức lực và trí tuệ sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Thể hiện một trong những nội dung ý nghĩa sâu sắc ấy, NĐK Trần Luân Tín, một cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị nổi tiếng với tự truyện “Được sống và kể lại” viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972, đã chọn thực hiện tác phẩm với chủ đề Bất tử.

Ông giải thích rằng, đó là hình ảnh con người Việt Nam sau chiến tranh, bình thản và nghị lực đứng lên từ những hoang tàn đổ nát, từ những hố bom, mảnh đạn còn vương vãi khắp nơi, không ngừng nỗ lực, cần mẫn lao động và sáng tạo để tái thiết quê hương. Chiến tranh dù với hàng triệu tấn bom đạn hủy diệt tàn khốc nhất, vẫn không thể giết chết sự sống với ý chí bất khuất của con người.

Còn đối với NĐK Nguyễn Kim Liên, tác phẩm “Sức sống” của ông đơn giản là một hạt giống bên trên đã nhú mầm thành lá, nằm giữa khuôn viên mênh mang mà ấm áp Thành cổ từng bị hàng chục nghìn tấn bom đạn giặc dội xuống cày nát, nhưng cây cỏ, con người nơi đây vẫn tồn tại, sinh sôi xanh tươi mãi mãi…

Phan Thanh Bình

Ngày 2/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Liên quan đến nội dung này, chiều 3/4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương đã chia sẻ với báo chí những quan điểm của Bộ Công Thương Việt Nam về vụ việc này.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), Trưởng đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam cho biết, hôm nay (3/4), Đội CNCH được chia làm 2 tổ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, đưa thi thể nạn nhân ra ngoài tại 2 thị trấn Zabu Thiri và Pokebathiri, Thủ đô Naypyidaw, Myanmar.

Ngày 2/4, thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ Công an, đoàn công tác của Bộ Công an do Thiếu tướng Lê Hồng Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị đã đến viếng, chia buồn, động viên gia đình đồng chí Huỳnh Trí Phúc, thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thuộc thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã hy sinh khi truy bắt tội phạm. 

Hà Nội hiện đang xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm khoảng 50% so với hiện tại, từ 526 phường, xã, thị trấn, xuống còn khoảng 263 đơn vị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.