Nỗi buồn sau mỗi cuộc thi sắc đẹp
Và đỉnh điểm của bão dư luận đó chính là câu chuyện về thí sinh Lê Âu Ngân Anh được đăng quang vương miện Hoa hậu Đại dương khiến làn sóng “ném đá” của dư luận về phía Ngân Anh trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chỉ cần truy cập vào mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Intergram cho đến các trang báo thì chưa bao giờ có một hoa hậu nào lại “nổi” đến mức chóng mặt như thế. Hình ảnh của hoa hậu được đem so sánh với các loài cá có khuôn mặt với chiếc miệng kỳ dị, rồi cho đến những hình ảnh cá nhân người dùng Facebook tự biến môi của mình giống như Ngân Anh với ý đồ nhạo báng.
Với tân Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh, ngoài chuyện nhan sắc, cô còn dính phải vụ việc từng phẫu thuật thẩm mỹ mũi và đã tháo đệm mũi khi đi thi. Chưa dừng ở đó, mới đây Hoa hậu Đại Dương 2014 Đặng Thu Thảo cũng tuyên bố trên trang cá nhân rằng, cô muốn từ bỏ danh hiệu này và mong mọi người gọi cô là Miss International Vietnam (Hoa hậu Quốc tế Việt Nam) vì cô từng là đại diện Việt Nam tại cuộc thi này năm 2014.
Tân Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh. |
Có rất nhiều lập luận từ phía các chuyên gia cũng như từ dư luận trong những ngày qua cho rằng, việc đánh giá hoa hậu phải dựa trên quá trình thể hiện trong cuộc thi và các năm đương nhiệm sau đó. Điều này đúng, bởi trên thực tế, nhiều hoa hậu từng bị dư luận chê… tơi tả, nhưng sau đó dần cải thiện cả về nhan sắc và trí tuệ để được yêu mến. Tuy nhiên chưa đủ, bởi lẽ công chúng thường khó chấp nhận một hoa hậu vừa đăng quang nhưng vướng vào quá nhiều lùm xùm, thị phi…
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, những ngày qua chị cũng như rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm đến hai cuộc thi sắc đẹp lớn. Bản thân chị dù không đứng về phía dư luận “ném đá” thí sinh đoạt giải nhưng chị cũng thật sự cảm thấy có phần hụt hẫng khi hình ảnh của Hoa hậu Ngân Anh trong đêm đăng quang không được đẹp mắt.
Cũng không thể quá trách mọi người vì dù ngoại hình chỉ là 1 yếu tố “cần”, không là yếu tố “đủ” để đánh giá một con người, nhưng ít nhất đối với một cuộc thi nhan sắc thì cái đẹp từ hình thể cho tới tri thức phải được đặt song song với nhau, thiếu hoặc chưa đáp ứng được một trong hai yếu tố thì sẽ rất khiên cưỡng.
Riêng đối với trường hợp của tân Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh thì Nghị định 79/2012 và Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL nêu rõ: Thí sinh của các cuộc thi người đẹp bắt buộc phải có vẻ đẹp tự nhiên, cụ thể là chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng chế tài sao nếu thí sinh phạm quy và đoạt giải thì các văn bản hiện hành lại không quy định.
Nghị định 28/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2013) có quy định rõ một sai phạm có thể bị thu hồi danh hiệu. Đó là khi các cá nhân sau khi đoạt giải các cuộc thi người đẹp đã “thực hiện hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”. Hai nghị định này cho phép thu hồi vương miện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền (trong đó có Cục Nghệ thuật biểu diễn) mà không hề giới hạn trường hợp nào được quyền yêu cầu, trường hợp nào không.
Mới đây, hội thảo bàn về thực trạng các cuộc thi người đẹp, người mẫu do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại TP Đà Nẵng, các ý kiến cho rằng, nhu cầu tổ chức các cuộc thi sắc đẹp là tất yếu, nhưng làm thế nào để rà soát, thắt chặt nhằm hạn chế các cuộc thi vớ vẩn, loạn danh hiệu, thì chưa có câu trả lời đầy đủ. Có không ít cuộc thi lợi dụng danh nghĩa thi cử để trục lợi, mà không quan tâm đến chất lượng thí sinh, đặc biệt là việc lựa chọn người đăng quang.
Với trường hợp của tân Hoa hậu Ngân Anh, có lẽ trách nhiệm của Ban tổ chức trong cuộc thi này cũng nên được làm rõ và câu hỏi đặt ra, nên chăng cần xem xét việc cấp phép tổ chức cuộc thi này những năm tiếp theo? Khi danh xưng hoa hậu bị lạm dụng và cuộc thi không tìm ra người xứng đáng với danh hiệu, thiết nghĩ nó không nên tồn tại.