Sách cho thiếu nhi: Vẫn thiếu những tác phẩm mới hấp dẫn

07:53 19/06/2017
Văn học thiếu nhi luôn là một mảng đề tài khó, dù đất dụng võ thì mênh mông để các tác giả thử sức. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại khiến các bậc phụ huynh bận rộn với nhiều công việc, họ không có thời gian để tìm sách, đọc sách cùng con mà để các con phụ thuộc vào công nghệ số.

Khi nối mạng, trẻ con có một nguồn giải trí hấp dẫn vô tận là những bộ phim hoạt hình và rất nhiều trò chơi online dần dần chiếm chỗ cho việc đọc sách. Trẻ con quen dần với việc cầm máy tính bảng, điện thoại thông minh thay vì cầm một cuốn sách. Tuy nhiên, cũng phải nói lại rằng, không phải ai cũng đủ tài năng, và cái "duyên" để viết cho trẻ thơ, và lại càng khó khi kỳ vọng đó là một cuốn sách hay, best seller.

Có một thực tế là những năm gần đây, sách thiếu nhi được độc giả nhí săn đón chủ yếu vẫn là sách dịch như "Harry Potter" hay dòng truyện tranh như Doraemon, Conan... Bà Vũ Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, nhà xuất bản hiện có số đầu sách và số bản in dành cho thiếu nhi thuộc tốp đầu của ngành xuất bản.

Trẻ em vẫn luôn có nhu cầu đọc những những cuốn sách mới, hay và đẹp.

Có rất nhiều tựa sách văn học đã trở thành kinh điển như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Đất rừng phương Nam”, “Góc sân và khoảng trời”, “Quê nội”… đến bộ sách đồ sộ “Kính vạn hoa” vẫn được bạn tái bản đều đặn hằng năm.

Tuy nhiên, số lượng in các tác phẩm của các tác giả mới còn tương đối khiêm tốn. Lý do là các tác phẩm kinh điển được tiếp cận qua nhiều thế hệ, bạn đọc mới có sự định hướng, dẫn dắt từ những thế hệ bạn đọc cũ, những người nay đã là ông bà, cha mẹ.

Còn các tác phẩm mới của các tác giả mới, tác giả trẻ thì phải tiếp cận ngay với thế hệ bạn đọc đầu tiên, trong một thời đại mà sách phải cạnh tranh với muôn vàn những hình thức nghe nhìn khác.

Điều này đòi hỏi không chỉ nhà xuất bản phải thay đổi cách giới thiệu, quảng bá sách của mình đến với bạn đọc mà còn đòi hỏi ở chính các tác giả một sự tìm tòi, thử nghiệm mới để đem đến cho bạn đọc những tác phẩm mới, đầy sáng tạo.

Nhà văn Lê Phương Liên, Phó trưởng Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Ngày xưa không có internet, không có nhiều trò giải trí như hiện nay, nên trẻ con chỉ biết tìm đến sách. Hiện nay, phải nhìn nhận một cách  khách quan là cách viết cũng như cách tư duy và vốn kiến thức văn hóa, xã hội của đa số tác giả Việt Nam chưa thỏa mãn được nhu cầu của người đọc được tiếp xúc với các kiệt tác văn học thiếu nhi thế giới. Chỉ so sánh truyện tranh Doraemon thôi, chúng ta chưa có được tác giả và nhóm tác giả để sáng tạo như thế”.

Lý giải nguyên nhân, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, các tác giả của chúng ta ở thời kỳ viết sung sức nhất vẫn chưa có sự cống hiến hết mình vô điều kiện trước tác phẩm; họ có thể thành công khi gặp được một hiện thực độc đáo, phù hợp với nhu cầu xã hội, lại hợp với nhu cầu chính trị như trường hợp "Tôi kể em nghe chuyện Trường sa" của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, song nếu đi vào thế giới viễn tưởng như văn học nước ngoài hoặc đơn giản hơn là thế giới tưởng tượng của "Dế mèn phiêu lưu ký" là cảm thấy lúng túng.

Theo nhà văn Lê Phương Liên, mọi sự tạo điều kiện như giải thưởng, trại sáng tác, tài trợ sáng tác chưa chắc đã có hiệu quả. Văn học thiếu nhi đòi hỏi tận cùng Chân - Thiện - Mỹ, hoàn toàn không thể giả dối, vì thế việc bồi dưỡng trí tưởng tượng cần được gìn giữ từ mầm non, tiểu học.

Đặc biệt là tác giả không được đặt mình lên trên người đọc, không có những phát ngôn kiểu như "họ dốt nên họ không hiểu tôi viết gì". Viết cho trẻ em lại càng phải chú tâm tới cái chung, cái rộng rãi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành công có lẽ là vì ông đã viết cho độc giả trước hết.

Làm thế nào để văn học thiếu nhi thực sự thu hút được thiếu nhi, nhà văn Võ Thu Hương, một tác giả trẻ vài năm trở lại đây đã cho ra mắt nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi như: “Nụ cười Chim Sắt”, “Cò trắng bay qua sông”, “Snoopy làm tôi khóc” chia sẻ: “Ở thế hệ chúng tôi trẻ con chỉ có sách thì giờ đã có ipad, có phim hoạt hình “bom tấn” ra rạp thường xuyên. Trước nhiều sự cạnh tranh như vậy, để thiếu nhi không phớt lờ sách văn học, trước hết sách phải hấp dẫn, phụ huynh cần là người nâng cao văn hóa đọc trước hết cho các con, tác phẩm thiếu nhi cần được chủ động giới thiệu nhiều hơn tới các em (hiện nay rất ít nhà văn, nhà xuất bản làm ra mắt sách văn học thiếu nhi), sau đó, tự khắc các con sẽ tìm sách chữ để đọc".

Bà Vũ Quỳnh Liên cho biết, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức  nhiều cuộc vận động sáng tác lớn nhỏ, tổ chức nhiều trại sáng tác tạo nên những “sân chơi” chuyên nghiệp để các nhà văn, họa sĩ được thoả sức sáng tạo với mong muốn tìm được những sáng tác mới cho bạn đọc.

Bên cạnh việc mang đến những tác phẩm có giá trị tốt, có tính giáo dục cao thì các tác giả cũng phải tìm tòi, thử nghiệm rất nhiều để mang đến những tác phẩm mới lạ, bắt kịp xu hướng của thế giới. Các cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng đã được chú trọng đầu tư về mỹ thuật.

Từ những thế hệ họa sĩ tên tuổi của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Sáng, Tạ Thúc Bình,… đến những thế hệ họa sĩ sau này như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Hoàng Tường… đều tham gia vẽ và minh họa cho sách Kim Đồng.

Theo bà Vũ Quỳnh Liên, sự đầu tư mỹ thuật ở thời điểm này lại càng cần thiết khi mà thế giới chúng ta sống đang có xu hướng được “hình hoá”: Truyền hình, các giao thức giao tiếp trên các mạng xã hội, ứng dụng điện thoại…, tất cả đều được hình ảnh hoá để con người dễ tiếp cận, dễ sử dụng. Với sách cho thiếu nhi, mỹ thuật lại càng quan trọng bởi đây là những bước đầu tiên để đưa các em tiếp cận với nghệ thuật, với cái đẹp, nuôi dưỡng trong các em tình yêu nghệ thuật.

Nhật Huy

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文