Sân khấu mùa dịch hoạt động cầm chừng

08:38 18/02/2020
Tập trung cho hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID–19, những ngày này, hoạt động biểu diễn tại các tụ điểm sân khấu hầu như “đóng băng”. Làm thế nào để khắc phục khó khăn trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai gần là bài toán đặt ra với cả đơn vị sân khấu công lập và ngoài công lập.

Nhiều năm gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam luôn tự hào là một trong số những đơn vị sân khấu hiếm hoi phía Bắc duy trì thường xuyên các chương trình biểu diễn có bán vé. Nhưng, từ Tết đến nay, hoạt động biểu diễn tại đây gần như “đóng băng”.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát cho biết, nếu không có dịch bệnh, vào thời điểm này, Nhà hát thường duy trì từ 2 đến 3 tối biểu diễn mỗi tuần. Năm nay, từ trước Tết, Nhà hát đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều chương trình, vở diễn phục vụ khán giả vui chơi giải trí dịp Tết cũng và các dịp lễ như Ngày lễ tình nhân 14-2, Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Trong đó, chương trình “Chào 2020” ra mắt lần đầu dịp Tết gồm nhiều tiết mục ca nhạc, hài kịch ngắn đặc sắc, hội tụ rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ được khán giả yêu mến.

Tuy nhiên, chương trình chỉ diễn được 2 buổi theo kế hoạch dự định. Đến buổi thứ 3, Nhà hát quyết định gộp cả 3 suất diễn thành một buổi. Riêng Ngày lễ tình nhân năm nay, Nhà hát đã dành khá nhiều chương trình, tác phẩm đặc biệt để phục vụ khán giả, trong đó có những vở diễn được đầu tư nhiều tâm sức, mang dấu ấn riêng của Nhà hát như “Jomeo và Juliet” - câu chuyện tình đẫm lệ và mãnh liệt của mọi thời đại.

“Ngược chiều gió” – một trong số các tác phẩm được Nhà hát Tuổi trẻ chuẩn bị phục vụ khán giả trong tháng 2 nhưng đã tạm “cất kho” chờ hết dịch.

Sau hàng trăm năm, vở diễn kinh điển của Shakespeare vẫn không mất đi sức lôi cuốn nội tại mà vẫn luôn sinh động, giàu cảm xúc, đầy say mê qua bản dựng mới của đạo diễn Beverly Blankenship và các nghệ sĩ của nhà hát. Trong khi đó, vở “Ngược chiều gió” là câu chuyện đầy những nụ cười, nước mắt cùng ướng mơ sống một cuộc đời có ý nghĩa của người trẻ hôm nay.

Đây cũng là vở diễn hứa hẹn tiếp tục thu hút nhiều khán giả bởi những trải nghiệm tâm lý phức tạp qua diễn xuất của dàn diễn viên trẻ đẹp nhất của Nhà hát… Tuy nhiên, toàn bộ kế hoạch này đều bị hủy. Thay thế vào đó là lịch tập một chương trình hài kịch mới.

Theo dự kiến, gần 1 tháng nữa chương trình này sẽ bắt đầu triển khai. Nhưng, để lấp khoảng thời gian nghỉ diễn để phòng, chống dịch bệnh, Nhà hát quyết định đẩy lịch tập lên sớm hơn 3 tuần.

Với Đoàn kịch LUCTEAM, một trong số ít các đơn vị sân khấu xã hội hóa thành công của phía Bắc thời gian gần đây, tình hình cũng không khá hơn. Đạo diễn, NSƯT Trần Lực cho biết, nhiều vở diễn được LUCTEAM dày công đầu tư dàn dựng đã được làm mới để phục vụ khán giả như “Quẫn”, “Bạch đàn liễu”, “Cơn ghen của Lọ Lem”…

Đây là những vở diễn tạo được dấu dấu ấn nhất định trong lòng khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao, sẽ biểu diễn tại LEspace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội và một số điểm diễn khác. Tuy nhiên, đến thời điểm tại, LEspace thông báo tiếp tục ngưng mọi hoạt động tại đây cho đến hết tháng 2. Đơn vị chưa biết có thể diễn vào tháng 3 hay không vì hiện nay, cả LEspace và các điểm khác vẫn chưa có thông báo tiếp theo.

Lẽ ra ngày 20 và 22 LUCTEAM có lịch diễn ở LEspace, nhưng phải lùi lại. Lịch tháng 3 cũng lùi lại hết. Dù vậy, đến nay, Đoàn kịch LUCTEAM không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Lâu nay, đây vẫn là nơi những người yêu nghề, cùng chí hướng, cùng phong cách tề tựu cùng với nhau để làm nghề. Dừng diễn, thu nhập có ảnh hưởng nhưng không ảnh hưởng nhiều lắm.

NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cũng cho hay, theo thông lệ hằng năm, từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch là thời điểm bận rộn của các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, chèo… Đây là mùa lễ hội, các địa phương có nhu cầu mời nghệ sĩ về biểu diễn nhiều hơn.

Theo kế hoạch, riêng tháng Giêng năm nay, Nhà hát có 20 buổi biểu diễn phục vụ tại các địa phương nhưng mới chỉ diễn được vài buổi rồi dừng. Đây là hoạt động cần thiết, vừa đúng theo chủ trương chung của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hạn chế các hoạt động tập trung đông người, vừa là đảm bảo bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên của Nhà hát và nhân dân.

Với từng cá nhân nghệ sĩ của Nhà hát, việc tạm dừng hoạt động biểu diễn có thể ảnh hưởng nhiều đến thu nhập song vì lâu nay, Nhà hát chỉ là nơi các nghệ sĩ gắn bó vì yêu nghề. Thu nhập từ hoạt động sự nghiệp không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, các nghệ sĩ “sống” bằng các hoạt động khác, chạy show biểu diễn riêng…

Chưa kể, năm 2020 là một năm Nhà hát có khá nhiều hoạt động được tập trung đầu tư nhưng chủ yếu công diễn vào nửa cuối năm. Trong đó có 1 vở diễn xã hội hóa, 2 vở diễn theo đặt hàng của Nhà nước. Tranh thủ thời gian nghỉ để phòng chống dịch bệnh, hiện nay, Nhà hát mới chỉ triển khai bước đầu 1 vở diễn – công trình có sự kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Vở thứ 2 đang trong quá trình lựa chọn. Một số một số hoạt động chuyên ngành như thi tài năng trẻ, các hoạt động đối ngoại khác cũng được đơn vị đẩy thời gian chuẩn bị, tập luyện sớm hơn…

NSND Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND thì cho hay, so với các đơn vị khác, Nhà hát CAND có tính đặc thù hơn và chủ yếu là biểu diễn phục vụ. Từ mùng 7 Tết, các nghệ sĩ của Nhà hát đã “ra quân”, biểu diễn phục vụ chương trình kỷ niệm 90 năm  thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dự kiến, từ mùng 10, các nghệ sĩ sẽ đưa vở “Người tù trao áo” về Nam Định biểu diễn phục vụ nhân dân. Đây là quê hương của người tù cộng sản kiên trung Vũ Văn Hiếu – Bí thư Khu ủy đầu tiên của vùng mỏ Quảng Ninh, nhân vật chính trong vở diễn. Nhưng, theo chủ trương chung, cả 2 suất diễn này và toàn bộ các kế hoạch biểu diễn phục vụ tại các tỉnh, thành, đơn vị trong lực lượng CAND trên cả nước đều hủy cho đến hết tháng 2.

Hiện tại, các nghệ sĩ của Nhà hát đang tập trung tập luyện cho chương trình kỷ niệm 72 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (11-3-1948 – 11-3-2020) tại Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang và chương trình biểu diễn phục vụ tại Điện Biên vào dịp lễ 30-4. Đoàn Kịch nói CAND thì tập luyện, chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” sắp tới.

Hiện tại, đơn vị mới chỉ có một vở được dàn dựng và vẫn tiếp tục gia cố thêm. Một vở khác dự kiến tham gia Liên hoan vẫn đang trong quá trình lựa chọn kịch bản. Vì vậy, dù nghỉ diễn tạm thời nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát vẫn làm việc nhưng chủ yếu là tập luyện, NSND Thúy Hiền cho biết. 

N.Nguyễn

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文