“Tết DOME 2016”: Lưu giữ hồn dân tộc

09:11 24/01/2016
Sự góp mặt của các họa sĩ Lê Thiết Cương, Trịnh Tú, Tào Linh, Phạm Trần Quân, Lê Đình Nguyên, Nguyễn Hồng Phương, Đức Phạm, Trần Gia Tùng, Lâm Đức Mạnh và trực tiếp vẽ tặng khách tham quan những bức tranh bằng mực tàu trên giấy dó đã mang đến một phong vị riêng cho chương trình "Tết DOME 2016 - Tết trong ngôi nhà Việt” vào sáng 23-1 tại Hà Nội.

Có thể nói đây là một trong những chương trình đón Tết Nguyên đán khá độc đáo ở Thủ đô. Với tinh thần “Tết trong ngôi nhà Việt” nhằm góp phần giữ gìn hương vị Tết xưa trong sự giao hòa với Tết nay, hàng loạt hoạt động nghệ thuật được tổ chức trong chương trình “Tết DOME 2016” mang đậm không khí Tết truyền thống. 200 tác phẩm hội họa của gần 50 họa sỹ, trong đó có họa sỹ Bùi Xuân Phái, Lê Thiết Cương, Dương Việt Nam, Vũ Thanh Nghị, Đào Anh Việt vv… với những sắc xuân truyền thống khác nhau đã tạo nên điểm nhấn cho Tuần tranh Tết Bính Thân. Cũng trong hoạt động này, các họa sỹ còn tham gia vẽ tranh Khỉ (linh vật của năm Bính Thân) và du khách cùng hòa mình vào không khí hội họa Tết với cuộc thi vẽ "Họa nên sắc xuân nồng".

Nghệ nhân Đinh Đức Hải trình diễn nghệ thuật đánh vóc cho tranh sơn mài.

Cùng với việc trưng bày những bức tranh xuân của nhiều tác giả thuộc nhiều thể loại, trường phái, “Tết DOME 2016” còn tạo cơ hội cho du khách gặp gỡ với nhiều nghệ nhân trẻ của các làng nghề truyền thống. Sáng 23-1, nghệ nhân Đinh Đức Hải đã trình diễn nghệ thuật đánh vóc cho tranh sơn mài - một chất liệu hội họa đặc trưng của Việt Nam, được phát triển từ kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống thành kỹ thuật sơn mài. Nghệ nhân Đinh Đức Hải là một họa sĩ thuộc gia đình nổi tiếng có truyền thống 5 đời làm nghề sơn mài ở Chương Mỹ (Hà Nội). Trước đây, dòng họ của nghệ nhân Đinh Đức Hải thường làm các đồ thờ cúng, hoành phi câu đối cho các gia đình vua quan, quý tộc và những năm gần đây, làm đồ thờ cho các đình, đền, chùa như đền Hùng, đền thờ vua Đinh, vua Lê, chùa Bái Đính vv… Những bức tranh sơn mài không chỉ thu hút du khách bởi sự bắt mắt mà còn bởi từng công đoạn làm tranh với lời giới thiệu của chính nghệ nhân. Để có một tác phẩm sơn mài, phải trải qua 25 công đoạn tỉ mỉ, trong đó có ba công đoạn chính là tạo vóc, lên tranh và mài tranh. Thời gian hoàn thành một bức tranh sơn mài mất ít nhất 3 đến 6 tháng, có bức mất tới cả năm, thậm chí nhiều năm. Nhưng cũng vì thế, những bức tranh sơn mài có tuổi thọ cao, có khi tới gần cả thế kỷ vẫn rất đẹp và lộng lẫy, do gỗ làm tranh đã được bảo vệ chống mối mọt, co ngót ngay từ đầu.

Chiều cùng ngày cuối tuần, nghệ nhân Nguyễn Hữu Tảo (cháu trai Nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Sam ở làng tranh Đông Hồ, Bắc Ninh) đã có mặt tại Hà Nội, tái hiện cách in tranh dân gian Đông Hồ. Các công đoạn để tạo ra một bức tranh từ những chất liệu truyền thống đã mang đến cho du khách những hiểu biết thú vị về nghệ thuật làm tranh Đông Hồ từ hàng trăm năm nay.

Trước đó, BTC chương trình “Tết DOME 2016” đã mời được nghệ nhân trẻ Phạm Anh Đạo của làng nghề gốm Bát Tràng đến trình diễn nghệ thuật tạo dáng và làm gốm. Mặc dù là người khiếm thính nhưng anh Đạo lại có năng khiếu nghệ thuật trong làm gốm rất tuyệt vời. Anh Đạo là người duy nhất còn lại của làng gốm Bát Tràng nặn gốm bằng tay chứ không làm khuôn và sản xuất công nghiệp như các gia đình khác. Dù giá trị kinh tế không cao như sản xuất công nghiệp nhưng vẻ đẹp tinh xảo, mềm mại của các sản phẩm gốm vuốt tay lại chính là thế mạnh độc đáo của nghệ nhân này. Nghệ nhân Phạm Anh Đạo chính là tác giả của đôi chóe khổng lồ được vuốt nặn bằng tay lớn nhất ở Việt Nam, với chiều cao tới 1,95m, đường kính gần 1,2m, nặng 500kg.

Ở “Tết DOME 2016”, công chúng Thủ đô còn được gặp lại nhiều nghề truyền thống của Hà Nội 36 phố phường xưa qua việc xem nghệ nhân Vũ Văn Giỏi giới thiệu và trình diễn nghệ thuật thêu tay, nghệ nhân làng nghề hướng dẫn cách làm bánh chưng, giò lụa truyền thống, trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết. Từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ còn nhiều hoạt động gắn với Tết truyền thống của người Việt diễn ra vào các ngày cuối tuần tại “Tết DOME 2016”. Đặc biệt, ở đây còn trưng bày các tác phẩm gốm và đồ thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Hương Canh, An Đà; những thiết kế cách tân của các nhà thiết kế nổi tiếng như Nga Cocoon, Thủy Trịnh, Adrian Anh Tuấn, Hà Linh Thư, Adesign…

Họa sĩ Lê Thiết Cương – giám tuyển của “Tết DOME 2016” chia sẻ: “Tết là dịp người người, nhà nhà sum vầy. Mái nhà, gia đình là nơi chốn để mọi bước chân quay về sau những bôn ba ngang dọc, nhất là trong dịp Tết. Không gian Tết nhà bạn ấm áp hơn khi được chăm chút với những hiện vật thấm đẫm hồn cốt dân tộc. Với Tết DOME 2016, công chúng yêu nghệ thuật dễ dàng nhận ra Tết xưa không ở nơi đâu quá xa xôi, dĩ vãng, mà vẫn ở đây trong một thoáng áo dài thướt tha bên trường kỷ, vẫn ngời lên trong những màu sắc của tranh. Và Tết vẫn in hình trong từng đường vân, men gốm, tỏa mùi qua mâm cúng gia tiên ngày cuối năm.

Thanh Hằng

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

Như thông tin đã đưa, khoảng 3h sáng ngày 6/5, tại số nhà 01B/17 Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá xảy ra vụ cháy nhà riêng khiến 2 người tử vong. Qua kiểm tra hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng nhận định, Bùi Văn G đã phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ đẻ ngủ dưới tầng 1 chết cháy, sau đó dùng dao tự sát.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文