Thể nghiệm để đưa cải lương đến gần công chúng

08:09 08/07/2019
Các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mạnh dạn đưa yếu tố mới vào dàn dựng cải lương mới với mong muốn tiếp thu các giá trị đương đại, xu hướng của sân khấu thế giới hiện nay để góp phần đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với cuộc sống đương đại và công chúng.


Cải lương “thoát” bi lụy, sướt mướt

Trong buổi công diễn ra mắt mới đây, vở cải lương “Vì sao lạc xứ” do các nghệ sĩ Đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện đã nhận được nhiều lời khen từ khán giả và giới chuyên môn.

Nhân vật trung tâm của“Vì sao lạc xứ” là Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly), một nhà chính trị, quân sự, người có công phát minh ra súng thần công, được xem là có đóng góp rất sớm cho khoa học Việt Nam. Ông làm Tể tướng ở thời nhà Hồ, có nhiều đóng góp về khoa học quân sự, là chỉ huy chính của quân đội trong kháng chiến chống Minh (1406 – 1407). Lịch sử ghi nhận ông là người đã phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá mạnh. Sau đó, cha con Hồ Quý Ly đã bị giặc Minh bắt sang phương Bắc.

Kịch bản “Vì sao lạc xứ” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng, Nghệ sỹ Ưu tú Triệu Trung Kiên đạo diễn và dàn dựng, các nghệ sỹ Đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn. Vở cải lương “Vì sao lạc xứ” kể lại quãng đời Hồ Nguyên Trừng ở phương Bắc và bị nhà Minh tìm mọi cách để có được bí quyết tạo ra súng thần công.

Bên cạnh nhân vật Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, trong “Vì sao lạc xứ”, tác giả đã hư cấu thêm nhân vật Vân Khanh, người phụ nữ do nhà Minh “cài” bên cạnh Hồ Nguyên Trừng để tìm cách lấy được bí quyết chế tạo súng thần công của ông...

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, vở cải lương lịch sử “Vì sao lạc xứ” đã khai thác được những ưu thế nổi trội trong đặc trưng của nghệ thuật cải lương, nhưng được dàn dựng mới và hiện đại, phù hợp với điều kiện hiện nay. Ở đó, vẫn có câu chuyện về tình yêu, có cảnh chết chóc nhưng không bị rơi vào sự bi lụy vẫn khiến cho người xem cảm động. Vở diễn cũng đã xây dựng lên hình tượng một người trí thức luôn hướng về quê hương, muốn mang tài của mình ra phụng sự quê hương nhưng lại phải lưu lạc xứ người...

Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Triệu Trung Kiên chia sẻ, tư liệu về nhân vật Hồ Nguyên Trừng trong sử sách ghi lại rất ít, đặc biệt là giai đoạn cuối đời của cha con Hồ Quý Ly khi ở nơi đất khách quê người càng hiếm hoi. Với tư liệu lịch sử ít ỏi, rất khó xây dựng hình tượng về nhân vật này, vì vậy, tác giả kịch bản và đạo diễn tìm “cứu cánh” từ yếu tố hư cấu để xây dựng nên một Hồ Nguyên Trừng có thể thuyết phục khán giả, đưa ra cách nhìn nhận về nhân vật lịch sử này.

“Chúng tôi muốn khai thác sâu hơn về nhân vật lịch sử này để làm nổi bật hơn, thuyết phục hơn từ sự lý giải từ góc nhìn của người đương đại. Dẫu phải làm quan ở phương Bắc, trong tâm tư, tình cảm của Hồ Nguyên Trừng vẫn luôn hướng về quê hương, cháy bỏng một tình yêu hướng về nguồn cội”, Nghệ sỹ Ưu tú Triệu Trung Kiên nói.

Đưa sân khấu cải lương đến gần công chúng

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Triệu Trung Kiên, anh và ê kíp dàn dựng đã đưa nhiều yếu tố thể nghiệm mới vào vở diễn, nhằm đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng. Thử nghiệm đầu tiên là việc xây dựng nhân vật cha con Hồ Quý Ly - Hồ Nguyên Trừng thời kỳ lưu lạc ở phương Bắc, bởi sách sử ghi chép về thời kỳ này rất ít. Việc đưa thêm yếu tố hư cấu vào trong tác phẩm với mong muốn lý giải tâm tư, tình cảm của cha con Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng của ê kíp sáng tạo đã thành công khắc họa sâu hơn về nhân vật lịch sử này.

Sự thể nghiệm khá rõ nét nữa là tư duy dàn dựng mới, hiện đại và không dễ dãi. Với vở diễn này, ê kíp dàn dựng đã đưa cải lương thoát ra khỏi tính bi lụy, lỗi thời, sướt mướt. “Chúng tôi muốn tác phẩm tiếp thu được những giá trị đương đại, xu hướng của sân khấu thế giới hiện nay. Đây là những bước đệm để sau này sẽ có những tác phẩm cải lương kết hợp ballet, âm nhạc đường phố, V-Pop... Cải lương luôn luôn cần sự thể nghiệm trong các chặng đường của mình”, Nghệ sỹ Ưu tú Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Không chỉ mới về tư duy dàn dựng, “Vì sao lạc xứ” còn mới trong cách đạo diễn xử lý để không gian sân khấu không bị trói buộc về âm thanh, ánh sáng, âm nhạc... Ngay trong cách chuyển cảnh giữa các màn cũng tạo ấn tượng với khán giả bởi cách xử lý khá tinh tế của ê kíp sáng tạo. Đạo diễn đã chia những lát cắt trên sân khấu và tạo thành nhiều không gian, để khán giả khi xem vở diễn không có cảm giác bị hẫng khi chuyển cảnh.

Lựa chọn những gương mặt trẻ cũng là một sự thể nghiệm mới trong vở diễn. Đạo diễn Triệu Trung Kiên và ê kíp dàn dựng lựa chọn tới 6 gương mặt trẻ vào vở diễn này, trong đó, diễn viên Minh Nguyệt được thử thách với vai nữ chính Vân Khanh. Đây là một vai diễn vớinhiều tầng tâm lý và nhiều thay đổi trong tính cách, rất mừng là Minh Nguyệt đã khá thành công với vai diễn của mình.

Với nghệ sỹ trẻ Văn Đáng, người đảm nhiệm vai Hồ Nguyên Trừng cũng là một thử thách lớn đối với anh. Văn Đáng cho biết, trước đây anh thường đảm nhiệm vai quan văn, nhưng trong vở diễn này, lần đầu tiên anh vào vai một vị võ tướng. Để thực hiện tốt vai diễn, anh phải thường xuyên luyện tập, từ cách đi đứng, nói năng, thể hiện thần thái của một vị võ tướng… Bằng sự tâm huyết, nỗ lực hết mình, Văn Đáng đã thể hiện khá thành công vai diễn, mang đến cho khán giả một Hồ Nguyên Trừng sâu lắng, trí tuệ.

Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Triệu Trung Kiên cho biết, lúc đầu, anh hơi lo ngại về tính hấp dẫn của vở diễn, nhưng qua 2 buổi diễn ra mắt đầu tiên, với sự nỗ lực của nghệ sỹ, đặc biệt là các diễn viên trẻ, sự cổ vũ, động viên của đông đảo khán giả, anh và ê kíp sáng tạo đã phần nào yên tâm.

Có thể nói, trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang thưa vắng khán giả, việc đưa những thể nghiệm mới vào sân khấu cải lương đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các nghệ sỹ trong việc tìm kiếm con đường tiếp cận người xem. 

Phương Lan

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文